Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, một loại Vaccine ngừa Covid-19 có thể sẵn sàng vào cuối năm.
Phát biểu sau khi kết thúc cuộc họp 2 ngày của Ban điều hành về đại dịch, ông Ghebreyesus cho biết: "Chúng ta cần vaccine ngừa Covid-19 và có hy vọng rằng vào cuối năm nay chúng tôi có thể có vaccine đó. Hy vọng là vậy".
Hiện có 9 loại vaccine ngừa Covid-19 thử nghiệm tham gia vào Cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine Covid-19 (COVAX) do Tổ chức Y tế thế giới đứng đầu với mục tiêu phân phối 2 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện đã có 168 nước tham gia COVAX, trong đó có 76 nước giàu đủ khả năng tự chi trả vaccine.
Trước đó, Nga và Trung Quốc là 2 quốc gia đi đầu trong việc nghiên cứu và sản xuất vaccine chống Covid-19.
Tại Nga, vào tháng 9/2020, Bộ Y tế Nga đã công bố lô vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên đã được xuất xưởng và đi vào lưu hành với tên thương mại là Gam-Covid-Vak. Thuốc sẽ được phân bổ cho các vùng miền của Liên bang Nga trong thời gian ngắn tới.
"Lô vắcxin đầu tiên ngừa virus corona chủng mới tên gọi Gam-Covid-Vak (Sputnik V) đã trải qua mọi khâu kiểm tra chất lượng cần thiết trong phòng thí nghiệm và được cấp phép lưu hành dân sự", Bộ Y tế Nga thông tin.
Theo Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko, trong giai đoạn này việc tiêm chủng được ưu tiên cho nhóm dân số gặp nguy cơ cao, đặc biệt là giáo viên và y bác sĩ. Đây cũng là một phần trong nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 3 của vắcxin Sputnik V. Sputnik V - sản phẩm nghiên cứu của Trung tâm Dịch tễ học và vi sinh vật Gamaleya - đăng ký ngày 11-8 sau khi hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2.
Thời gian tới, Nga dự kiến sẽ đăng ký thêm một loại vaccine phòng COVID-19 tiềm năng thứ 2 trước ngày 15/10.
Tại Trung Quốc, Cục sở hữu trí tuệ quốc gia Trung Quốc đã cấp bằng sáng chế cho vaccine Ad5-nCoV từ hôm 11/8. Đây là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Trung Quốc được cấp bằng sáng chế. Hiện Trung Quốc đang lên kế hoạch tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 đối với loại vaccine này thông qua các dự án hợp tác với Nga, Brazil, Chile và Arập Xê-út.
Đối với Việt Nam, các nhà sản xuất dự kiến khoảng tháng 12 năm nay sẽ có kết quả test thử thách vaccine Covid-19. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ thẩm định và cho phép thử nghiệm lâm sàng ngay lập tức.
Hiện có 4 nhà sản xuất trong nước đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển vaccine Covid-19. Trong đó, có hai nhà sản xuất tiềm năng, được Bộ Y tế đặt nhiều kỳ vọng, gồm Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) tại Nha Trang với công nghệ phôi trứng gà và công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen với công nghệ tái tổ hợp.
Hiện tại, IVAC đã chuyển vaccine cho phòng thí nghiệm ở Hoa Kỳ để test. Tổng kinh phí đầu tư cho test khoảng 1 triệu USD, bao gồm thử độc tính, tính sinh miễn dịch của vaccine và test thử thách trên linh trưởng.
Nanogen đang test thử thách vaccine tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã yêu cầu đơn vị này gửi mẫu test qua phòng thí nghiệm ở Hàn Quốc để thử thách song song.
Các nhà sản xuất dự kiến khoảng tháng 12 năm nay sẽ có kết quả test thử thách. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ thẩm định và cho phép thử nghiệm lâm sàng vaccine ngay lập tức. Như vậy trong 1 năm tới, Việt Nam dự kiến hoàn thành 3 giai đoạn nghiên cứu lâm sàng vaccine.
PV (th)
Hai ứng viên vaccine Covid-19 tiềm năng nhất Việt Nam |
Hoài nghi khi Trump dùng thuốc Covid-19 thử nghiệm |
Sáng kiến 12 tỷ USD cho nước nghèo mua vaccine Covid-19 |
Ngày đăng: 08:33 | 07/10/2020
/ Nghề nghiệp và cuộc sống