Như thường lệ, sau khi mỗi HLV đội tuyển quốc gia rời đi, các chuyên gia bóng đá lại rao giảng về lý thuyết, về nền tảng, gốc rễ của bóng đá Việt Nam. Nhưng đó có phải là vấn đề thực sự? Và sau Troussier, các đội tuyển Việt Nam sẽ đi về đâu?
Điệp khúc cũ
Sau mỗi đời HLV thất bại ở đội tuyển quốc gia, câu chuyện về nền tảng của bóng đá Việt Nam, về hệ thống đào tạo trẻ và các giải đấu chuyên nghiệp được lật lại như một “xu hướng”. Không chỉ các chuyên gia, mà ngay cả người hâm mộ cũng có thể nói về điều này, bởi lẽ nó đã quen thuộc.
Không ở đâu tồn tại một giải vô địch quốc gia như Việt Nam, nơi các ông bầu bằng nhiều cách tác động, tạo ảnh hưởng lên nhiều CLB khác nhau, nơi các cầu thủ chuyển CLB đôi khi chỉ là “luân chuyển công tác”.
Thậm chí có người cho rằng đội tuyển Việt Nam thất bại với HLV Troussier vì lỗ hổng kiến thức bóng đá của các cầu thủ. Họ ngầm ám chỉ các tuyển thủ Việt Nam không theo kịp kiến thức mà HLV Troussier truyền đạt, từ đó khiến đội bóng “đá như gà mắc tóc”.
Thế nhưng, đó có phải vấn đề thực sự khiến HLV Troussier thất bại? Cần nhớ rằng dưới thời HLV Park Hang-seo, đội tuyển Việt Nam có rất nhiều trận đấu để đời. Thành công mà HLV người Hàn Quốc giành được không chỉ nhờ may mắn, nhờ một thế hệ cầu thủ đang vào độ chín. Sẽ rất lố bịch nếu nói rằng HLV Park Hang-seo không có chiến thuật nào đáng kể. Và dưới thời HLV Park Hang-seo, không ai nói rằng nền tảng là vấn đề nhức nhối của bóng đá Việt Nam như hiện nay.
Cũng cần nhớ rằng xuất phát điểm thành công của HLV Park Hang-seo là lứa trẻ - với đội hình U23 Việt Nam tạo nên kỳ tích tại Thường Châu năm 2018. Trong giai đoạn đội tuyển Việt Nam bay cao nhất, tất cả đều tin rằng hệ thống đào tạo, phát triển tài năng trẻ của đất nước đang hoạt động tốt, đang đi đúng hướng. V.League cũng được xem là sân chơi phù hợp để họ trưởng thành hơn trước khi tìm cách xuất ngoại.
Trong thực tế, các lò đào tạo bóng đá trẻ ở Việt Nam vẫn hoạt động âm thầm và hiệu quả. Rất nhiều trung tâm được trang bị giáo trình, thiết bị hiện đại. Hàng năm luôn có một vài CLB lớn ở châu Âu tìm đến Việt Nam để mở học viện của riêng họ.
Vì vậy, nói về việc thay đổi nền tảng bóng đá Việt Nam sau mỗi thất bại là điều cực kỳ sáo rỗng. Những ai sống với bóng đá Việt Nam đều hiểu rõ bản chất của nền bóng đá này, và việc thay đổi gì đó ở tầm vĩ mô gần như là không thể.
Nếu bóng đá Việt Nam cần cải thiện điều gì nhất ở nền tảng lúc này, thì đó phải là thể lực. 10 năm trước, cựu HLV tuyển Việt Nam, Toshiya Miura từng nói: “Trong bóng đá, thể lực là một trong những vấn đề quan trọng nhất. Nếu bạn có chiến thuật, kỹ thuật nhưng không có thể lực thì cũng không lấy gì để thực hiện những điều đó”.
Đó mới là vấn đề nan giải. Đội tuyển Việt Nam không thể kiểm soát bóng, đá sòng phẳng với các đối thủ mạnh nếu nền tảng thể lực, tốc độ vẫn yếu như hiện nay.
Sau Troussier là gì?
Đánh giá khách quan về thất bại của HLV Troussier có thể gói gọn trong hai từ: “ảo tưởng”. Thành công vang dội của HLV Park Hang-seo khiến kỳ vọng đặt vào đội tuyển Việt Nam được nâng lên cao chưa từng thấy. Từ một đội bóng chưa từng lọt vào vòng loại World Cup cuối cùng trước đây, tuyển Việt Nam đặt mục tiêu tham dự World Cup và tất cả xem mục tiêu đó là “điều hiển nhiên”, đặc biệt khi vòng chung kết mở rộng cho 48 đội tuyển. Chưa kể đến tham vọng lọt vào tốp 5 châu Á.
Không chỉ người hâm mộ, mà ngay cả những người làm bóng đá, lãnh đạo VFF cũng bị kết quả dưới thời HLV Park Hang-seo đánh lừa. Đó chính là lý do VFF tìm đến HLV Troussier, một chiến lược gia có hồ sơ đẹp, từng dự World Cup nhưng có mức lương chấp nhận được.
Nếu không có ảo tưởng và cần một cuộc cách mạng thực sự để nâng tầm, người ta sẽ tìm đến các HLV trẻ, những người có tư tưởng táo bạo và nhiệt huyết. Không ai trông đợi điều đó vào một HLV đã gần 70 tuổi và gần 20 năm không còn cầm quân ở cấp độ cao nhất.
HLV Troussier rõ ràng đã lỗi thời. Triết lý bóng đá kiểm soát của ông chỉ được thể hiện bằng lời nói, không bằng hành động thực trên sân. Hơn nữa, triết lý bóng đá là khái niệm gì đó rất mơ hồ, là mục tiêu cho cả quá trình dài, trong khi HLV cần phải thích nghi với từng thời điểm, điều chỉnh chiến thuật theo từng đối thủ. HLV người Pháp không làm được điều đó, và thất bại của tuyển Việt Nam là lẽ đương nhiên.
Điều tích cực sau thất bại này là kỳ vọng vào đội tuyển Việt Nam sẽ được hạ xuống đúng với thực tế. Giới mộ điệu sẽ không còn nhìn Indonesia, Malaysia là đối thủ mà đội tuyển Việt Nam chắc thắng, và không còn xem việc theo đuổi Hàn Quốc, Nhật Bản là điều trong tầm với.
Nó cũng giống như thời điểm HLV Park Hang-seo được lựa chọn. Khi VFF tìm đến HLV người Hàn Quốc, đội tuyển Việt Nam đã chạm đáy thất vọng và bị người hâm mộ quay lưng. Trong hoàn cảnh như vậy, VFF chỉ cần tìm được HLV phù hợp và hiểu rõ bóng đá Việt Nam là đủ.
VFF sẽ “chọn HLV giỏi, phù hợp văn hoá, cầu thị”
Sau khi chia tay HLV Troussier, VFF buộc phải tìm kiếm người thay thế lập tức dẫn dắt U23 Việt Nam tham dự vòng chung kết U23 châu Á 2024 sắp tới. Tuy nhiên, thời gian gấp gáp buộc họ phải tạm thời bổ nhiệm HLV Hoàng Anh Tuấn. Quyết định này giúp VFF có khoảng 2 tháng để tìm kiếm người kế nhiệm HLV Troussier dẫn dắt đội tuyển vào tháng 6/2024.
Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú cho biết HLV trưởng đội tuyển quốc gia sẽ được xem xét, đánh giá dựa trên tiêu chí về uy tín, về trình độ chuyên môn và điều quan trọng nữa là phải phù hợp với bóng đá Việt Nam. Như vậy có thể thấy VFF đã rút ra bài học nhanh chóng với HLV Troussier. Với đặc thù của bóng đá Việt Nam, chỉ giỏi chuyên môn là không đủ. Các HLV cần có sự am hiểu, phù hợp văn hóa.
Bên cạnh đó, ông Trần Anh Tú tiết lộ VFF sẵn sàng tính đến phương án HLV tạm quyền như năm 2017 để tìm kiếm ứng cử viên phù hợp nhất. Hiện tại, cơ hội vượt qua vòng loại 2 World Cup 2026 của tuyển Việt Nam gần như không còn. Vì vậy, VFF thực tế cũng không chịu áp lực phải bổ nhiệm HLV đội tuyển quốc gia nhanh chóng.
Ngày đăng: 09:32 | 29/03/2024
PV / CAND