Một trong những mục đích cao nhất của Nghị định 49/2017/NĐ-CP, trong đó có việc chụp ảnh chân dung chủ thuê bao là ngăn chặn SIM rác. Thế nhưng, lúc cao điểm, các nhà mạng thực hiện truy bức khách hàng thực hiện hoàn thiện thông tin thì việc mua SIM rác quá dễ dàng.
Khảo sát của PV Lao Động cho thấy, các điểm bán SIM kích hoạt sẵn vẫn hoạt động tràn lan. Ảnh: PV |
Thoải mái mua sim rác
Theo Bộ Thông tin - Truyền thông, mục đích của Nghị định 49/2017/NĐ-CP là thắt chặt quản lý thuê bao di động trả trước, loại bỏ tình trạng sim rác, sim ảo. Theo đó, nghị định này quy định rất nhiều điểm ràng buộc trách nhiệm nhà mạng.
Trong đó đáng chú ý quy định: Trong thời gian 3 tháng kể từ ngày nghị định có hiệu lực, các doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm ký hợp đồng với các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền; rà soát, thông báo, thanh lý hợp đồng, thu hồi toàn bộ các SIM thuê bao di động đã được doanh nghiệp phân phối cho các đại lý.
Sau thời gian này, các điểm đăng ký thông tin thuê bao, đại lý phân phối SIM thuê bao đang hoạt động nếu không được doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại nghị định này phải ngừng hoạt động tiếp nhận, đăng ký thông tin thuê bao, bán SIM.
Như vậy, tính từ thời điểm Nghị định 49 có hiệu lực thì tới ngày 24.7.2017, nhà mạng phải có trách nhiệm dẹp bỏ hoàn toàn các đại lý không có uỷ quyền đang bán SIM chui, sim rác. Tuy nhiên thực tế, hơn 1 năm sau hoàn toàn ngược lại, khảo sát của PV Lao Động cho thấy, các điểm bán SIM kích hoạt sẵn vẫn hoạt động tràn lan, bất cứ ai cũng có thể mua SIM rác.
Tại cửa hàng sửa điện thoại trên đường Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội), khi chúng tôi hỏi mua SIM rác thì nhân viên nhanh nhảu lấy ra 3 cột SIM rồi bảo chọn số. Mỗi cột SIM lên tới 100 SIM 11 số của 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone, mỗi SIM có giá 100 ngàn đồng. Với các SIM này đều có hạn dùng tới 31.12.2019, theo hướng dẫn của chủ cửa hàng, chỉ cần nạp vào là dùng được.
Khi được hỏi có cần đăng ký thông tin gì không, chủ cửa hàng bảo: SIM rác đăng ký làm gì cho mất công, dùng vài cuộc, hết khuyến mại thì mua SIM khác mà dùng.
Trong khi đó, tại phố chợ SIM trên đường Kim Mã, tại đây khách hàng có thể chọn mọi loại SIM mà không cần làm bất cứ thủ tục gì. Nếu muốn mua SIM số đẹp, muốn đảm bảo chính chủ, thì để lại thông tin, cho chủ cửa hàng chụp ảnh để làm thủ tục, nếu không thì cứ cầm SIM về dùng.
Đặc biệt, muốn mua SIM rác thì chủ quán đưa cả rổ ra chọn, trong đó bạt ngàn SIM rác của đủ các nhà mạng. Giá tại đây cũng rẻ hơn, từ 60 nghìn đến 100 nghìn/SIM rác. Tại cửa hàng sim số đẹp địa chỉ 282 Kim Mã, chốc chốc lại có khách hàng đến lấy theo dạng mua sỉ vài trăm SIM, hầu hết giao dịch đều thoả thuận trước đó nên khách hàng chỉ đưa tiền trả rồi nhận cả túi nilon SIM mà không cần phải mặc cả hay kiểm tra gì.
Với việc dễ dàng như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 giờ, PV Lao Động mua 3 SIM chưa kích hoạt của 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone và Mobifone mà không gặp bất cứ khó khăn hay phải làm bất cứ thủ tục gì. Trả tiền là có SIM. Và với cả 3 SIM trên, khi nạp tiền 20 nghìn đồng thì SIM kích hoạt, nghe, gọi, nhắn tin thoải mái, thậm chí nếu muốn có thể đăng ký tin nhắn để sử dụng dịch vụ 3G, 4G.
Phải nhắc lại tỉ mỉ như vậy để thấy, việc cả vài vạn người đang vật vã xếp hàng đăng ký thông tin tại các điểm giao dịch của các nhà mạng với mục đích giúp cho các nhà mạng thực hiện theo Nghị định 49 là điều khó chấp nhận. Khi nó làm đảo lộn công việc, làm khổ sở biết bao người chỉ vì tin nhắn “nếu không hoàn thiện thông tin thuê bao thì có thể bị khoá chiều đi sau ngày 24.4”.
Chính cái ngày 24.4 khiến các điểm đăng ký giao dịch các nhà mạng luôn trong tình trạng quá tải, có những khách hàng là người trung niên, cao tuổi lo sợ bị khoá thuê bao phải vật vã chờ nửa ngày xếp hàng mới đến lượt đăng ký.
SIM “rác” của 3 nhà mạng mà phóng viên Báo Lao Động dễ dàng mua ngày 26.4 mà không có đăng ký ràng buộc gì. |
Anh Lưu Văn Hùng - một chủ thuê bao - cho rằng: Đúng là nhà mạng hành hạ khách hàng. Tôi đã bổ sung thông tin từ lâu không đăng kí danh mục quảng cáo nhưng ngày nào cũng vài tin nhắn quảng cáo làm tôi khó chịu. Tôi nói thật, tất cả sim rác là do nhà mạng mà ra. Nhà nước ta cứ qui trách nhiệm cho nhà mạng và xử lý nghiêm nhà mạng là ổn hết. Tôi bức xúc lắm”.
Còn bạn đọc Minh Hạnh ở Tiền Giang chia sẻ: “Đến nay nhà mạng vẫn đang cho nhân viên đi bán dạo sim rác thì hỏi sao sự việc không ồn ào. Bộ phải mạnh tay xử nhà mạng thì mới ổn được”.
Khoản 11 tại Nghị định 49 quy định những hành vi của các nhà mạng bị cấm sau khi nghị định có hiệu lực. Đó là các hành vi:
a) Giả mạo; sử dụng giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận pháp nhân của cá nhân, tổ chức khác để giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;
b) Nhập sẵn thông tin thuê bao; kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho SIM thuê bao khi chưa thực hiện, hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định;
c) Mua bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước;
d) Tiết lộ, sử dụng thông tin thuê bao di động trái pháp luật;
đ) Sử dụng SIM đa năng, thiết bị có chức năng kích hoạt SIM thuê bao không cần phải bẻ SIM để nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước cho SIM thuê bao.”
Với hành vi này nhà mạng sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước; bán, lưu thông trên thị trường thiết bị đầu cuối không dùng SIM đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước; mua bán, trao đổi hoặc sử dụng SIM đa năng, thiết bị có chức năng kích hoạt sẵn dịch vụ cho SIM thuê bao không cần phải bẻ SIM để nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước cho SIM thuê bao... (bổ sung, sửa đổi khoản 5 điều 30 Nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông).
Phải chăng, do mức phạt còn quá thấp so với những khoản thu kếch xù mà nhà mạng đã thu được để rồi vẫn thả nổi cho sim rác hoành hành và khi không quản lý được thì quay sang yêu cầu khách hàng phải chụp ảnh bổ sung thông tin gây phiền hà, rắc rối.
Nhà mạng báo cáo đẹp, nhưng thực tế thì ngược lại Ngày 28.10.2016, 5 doanh nghiệp di động Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, Gtel đã ký cam kết với Bộ TTTT về việc thu hồi sim kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối áp dụng từ ngày 1.11.2016. Tới giữa tháng 3.2017, 5 nhà mạng lại ký thêm cam kết cắt hợp đồng đối với đại lý vi phạm đăng ký thuê bao. Theo cam kết của 5 nhà mạng này, nếu đại lý vi phạm quy định về quản lý thuê bao thì sẽ bị các nhà mạng đồng loạt cắt hợp đồng. Và sau đó, Nghị định 49 có hiệu lực từ 24.4.2017 thực chất là văn bản pháp lý hoá tất cả nhưng cam kết trước đó của các nhà mạng về việc thu hồi SIM rác. Và mỗi quý từ năm 2017 đến nay, các nhà mạng lại có những báo cáo về việc thu hồi SIM rác. Cụ thể, theo báo cáo, thời điểm hết quý I.2017, sau 3 đợt ra quân xử lý SIM rác kéo dài từ cuối tháng 11.2016 tới nay, 5 nhà mạng thu hồi tổng cộng hơn 19 triệu SIM kích hoạt sẵn. Và tính đến hết năm 2017, tổng số SIM thuê bao có dấu hiệu nghi vấn được các nhà mạng phát hiện hơn 28 triệu. Tuy nhiên, tới trước ngày 24.4, vẫn còn khoảng 30 triệu thuê bao chưa đăng ký lại thông tin cá nhân. |
Bắt chủ thuê bao di động phải chụp ảnh: Nhà mạng có thể bị kiện
Các nhà mạng đưa ra việc chụp ảnh bổ sung thông tin đối với chủ thuê bao di động là nhằm thực hiện Nghị định ... |
Phải nộp ảnh chân dung, khách phát hiện mình đứng tên SIM rác
Kiểm tra thông tin qua tổng đài 1414, khách hàng tá hỏa nhận ra CMND của mình được đem đăng ký cho những số thuê ... |
Tin nhắn rác hoành hành trở lại
Ngăn chặn quyết liệt, thậm chí thu hồi tới 28 triệu sim rác trong năm 2017, tuy nhiên những tháng đầu năm 2018 (đặc biệt ... |
Ngày đăng: 09:48 | 27/04/2018
/ Báo Lao Động