Ngày mai 29.7, là thời hạn các sở GD-ĐT phải báo cáo với Bộ GD-ĐT về việc rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi tại địa phương, nhất là khâu coi thi, chấm thi. Sở dĩ có việc rà soát này là do gian lận thi cử ở Hà Giang và Sơn La.
Ông Đặng Hồng Quang (Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT) công bố biên bản chấm thẩm định kết quả thi tỉnh Lâm Đồng vào cuối tuần qua- GIA BÌNH
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, một số địa phương đang triển khai yêu cầu trên.
Đảm bảo công bằng cho học sinh
Ban Chỉ đạo thi THPT TP.Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu của kỳ thi trên tinh thần trung thực, nghiêm túc; phổ biến, quán triệt, rút kinh nghiệm tới toàn thể cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên để tổ chức tốt hơn kỳ thi tiếp theo; tăng cường công tác thông tin, truyền thông bảo đảm chính xác, khách quan, kịp thời; không để những sai phạm (nếu có) trong kỳ thi làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của các thầy giáo, cô giáo và gây tâm lý hoang mang cho học sinh (HS), phụ huynh và xã hội.
TIN LIÊN QUAN
Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các phó trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT TP.Hà Nội khẩn trương thực hiện nghiêm túc các nội dung nói trên và gửi văn bản báo cáo kết quả trước ngày 29.7 để tổng hợp, báo cáo Bộ.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Hà Nội, cho biết đang tích cực triển khai công tác này với mong muốn đảm bảo công bằng cho HS không chỉ ở Hà Nội mà còn trên toàn quốc.
Tự rà soát trước khi bộ yêu cầu
Tại Phú Thọ, một số kết quả của kỳ thi năm nay vượt trội so với các năm trước. Cụ thể, tỷ lệ tốt nghiệp của toàn tỉnh đạt 99,03%, điểm trung bình các môn thi cao hơn trung bình toàn quốc là 0,19.
Ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ, cho biết: “Trước khi Bộ có văn bản yêu cầu, Ban chỉ đạo thi của tỉnh đã tiến hành tự rà soát toàn bộ công tác coi thi, chấm thi của tỉnh. Tất cả các khâu đều thực hiện nghiêm ngặt theo quy chế, không để bất kỳ cá nhân nào làm việc độc lập. Chủ tịch hội đồng thi trực tiếp quản lý dữ liệu gốc bài thi. Đồng thời, tiến hành rà soát kỹ tất cả các thí sinh (TS) đạt điểm giỏi ở tất cả các môn”.
Phối hợp với lực lượng công an kiểm tra Tại TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ, Sở đã tiến hành rà soát các khâu trong quá trình tổ chức thi, coi thi và chấm thi. Đối với quy trình chấm thi, Sở phối hợp với lực lượng công an kiểm tra, xét lại từng hội đồng chấm bài tự luận và trắc nghiệm. Kiểm tra các biên bản thực hiện trong thời gian chấm bài (nếu có). Qua quá trình rà soát, ông Hiếu khẳng định công tác coi thi và chấm thi của TP.HCM thực hiện theo đúng quy trình và quy định. |
Khi phân tích phổ điểm của tỉnh Phú Thọ so với phổ điểm chung của toàn quốc thì thấy rằng điểm trung bình các môn đều cao hơn điểm trung bình toàn quốc (trừ môn ngoại ngữ kém 0,17 điểm và môn toán kém 0,19 điểm so với mặt bằng chung). Tỷ lệ phần trăm điểm giỏi (từ 8 trở lên) của các môn đều cao hơn tỷ lệ chung của toàn quốc (ngoại trừ môn ngoại ngữ). HS tỉnh Phú Thọ đạt 29 điểm 10 tuyệt đối (môn toán toàn quốc có 2 điểm 10 thì Phú Thọ có 1). Môn ngữ văn cũng có 1 HS đạt 9,75 điểm, nằm trong số các TS đạt điểm cao dẫn đầu toàn quốc. Có 2 HS nằm trong tốp 10 TS đạt điểm bài thi tổ hợp khối cao nhất toàn quốc. Đặc biệt, có 1 TS đạt 29,55 điểm, cao nhất toàn quốc ở tổ hợp xét tuyển khối B.
Ông Tường khẳng định kết quả trên đã phản ánh chính xác trình độ HS toàn tỉnh nói chung và của các vùng, miền nói riêng.
Rà soát lại bài thi đạt điểm cao
Tại Bắc Giang, theo ông Trần Tuấn Nam, Giám đốc Sở GD-ĐT, việc rà soát cho thấy công tác nhận đề, in sao đề, coi, chấm thi đều thực hiện nghiêm túc, có sự giám sát chặt chẽ của các cán bộ liên quan; không có cá nhân làm việc độc lập. Riêng khâu in sao đề cách ly 3 vòng độc lập; khi bàn giao đề cho các điểm thi có lực lượng công an giám sát. Ở công đoạn chấm thi có sự giám sát của các thành viên gồm: thanh tra cắm chốt do Bộ GD-ĐT phân công, cán bộ của các trường ĐH, CĐ do Bộ GD-ĐT cử về làm nhiệm vụ, Thanh tra của Sở GD-ĐT và nhân viên an ninh của công an tỉnh. Đồng thời, Sở cũng tiến hành kiểm tra, rà soát lại phổ điểm thi THPT quốc gia và toàn bộ bài thi đạt điểm cao.
Tại Nghệ An, bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết Sở đang tiến hành rà soát, dự kiến đến hôm nay sẽ có báo cáo chính thức. Trong kết quả thi đã được công bố, Nghệ An xếp thứ 42/63 tỉnh thành. Cụ thể, số bài thi đạt từ 9 điểm trở lên là 1.098 (chiếm 0,59%). Số bài có điểm thi dưới 5 là 99.949 (53,82%).
Ngoài ra, Nghệ An có 141 bài thi dưới 1 điểm. Về tỷ lệ xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018, Nghệ An đạt 97,93%, thấp hơn năm trước 0,32%. Năm nay, Nghệ An không có TS dẫn đầu các tổ hợp môn trên toàn quốc. Số điểm 10 cũng giảm từ 207 (năm 2017) xuống còn 11 (năm 2018). Toàn tỉnh có 3 TS đạt 27,5 điểm trở lên (không có TS từ 28 điểm trở lên). Số TS từ 25 điểm trở lên có 270/31.204.
Thí sinh ở Đắk Lắk tăng từ 0,6 lên 7,2 điểm sau phúc khảo môn Toán
Một thí sinh ở Đắk Lắk có điểm môn Toán THPT quốc gia 2018 được nâng từ 0,6 lên 7,2 sau khi chấm phúc khảo. ... |
Cần minh bạch 42 bài thi có điểm cao bất thường ở Sơn La
Trong danh sách 42 thí sinh này, bao nhiêu thí sinh đạt điểm thật, bao nhiêu thí sinh nằm trong nhóm điểm cao bất thường |
Gian lận điểm thi chấn động ở Hà Giang, Sơn La: Những lỗ hổng nguy hiểm
Nhiều lỗ hổng được các chuyên gia, người có kinh nghiệm trong ngành giáo dục vạch ra có thể dẫn tới sai phạm thi cử ... |
Ngày đăng: 15:20 | 28/07/2018
/ Thanh niên