Việc Trung Quốc phóng liền một lúc 4 quả tên lửa tầm trung “Đông Phong” DF-21D và DF-26 từ sâu trong lục địa ra Biển Đông trong khi các biên đội tàu sân bay của Mỹ thường xuyên xuất hiện ở đây được xem nhằm răn đe đối với Mỹ. Song theo giới chuyên môn, loại tên lửa mà Trung Quốc xem như “sát thủ tàu sân bay” chỉ hữu danh vô thực, chưa đủ khả năng đe dọa tàu sân bay của Mỹ.

“Sát thủ tàu sân bay” Trung Quốc gây thêm căng thẳng ở Biển Đông ảnh 1
Các loại tên lửa tầm trung DF-21D và DF-26 của Trung Quốc hiện được xem là chưa đủ khả năng tiêu diệt tàu sân bay của Mỹ

Tham vọng của “sát thủ tàu sân bay” của Trung Quốc

Giới quân sự những ngày này vẫn không ngớt bàn luận về việc quân đội Trung Quốc phóng 2 hay 4 quả tên lửa tầm trung từ lục địa Trung Quốc ra khu vực biển nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong một cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Đông. Trong khi tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post) đưa tin Trung Quốc trong ngày 26-8 vừa qua đã bắn 2 tên lửa đạn đạo tầm trung chống hạm, gồm tên lửa Đông Phong 21 (DF-21D) và Đông Phong 26 (DF-26), xuống một khu vực biển ở Biển Đông thì Bộ Quốc phòng Trung Quốc lại khẳng định Trung Quốc đã khai hỏa tới 4 quả tên lửa DF-21D và DF-26 từ sâu trong lục địa ra Biển Đông.

Việc Trung Quốc cùng một lúc phóng nhiều quả tên lửa tầm trung DF-21D và DF-26, loại tên lửa mà quốc gia này cho rằng là “sát thủ tàu sân bay” hay “sát thủ đảo Guam”, được xem khá hy hữu dù chúng được bắn trong một cuộc tập trận quy mô lớn của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông. Bởi đây là hai loại tên lửa đạn đạo chống tàu (ASBM) duy nhất của quân đội Trung Quốc hiện nay.

Để đối phó với ưu thế tuyệt đối của biên đội tác chiến tàu sân bay của Mỹ trên biển, Trung Quốc từ hơn 20 năm trước đã dồn sức để nghiên cứu chế tạo ra một loại tên lửa đủ khả năng xuyên thủng tầng tầng lớp lớp phòng thủ của con “át chủ bài” của Mỹ trên đại dương này. Xuất phát từ mong muốn “dùng mặt đất để kiểm soát biển”, Trung Quốc “sao chép” ý tưởng và công nghệ của tên lửa đạn đạo MGM-31B Pershing II của Mỹ - loại tên lửa tầm trung có độ chính xác cao và khả năng cơ động trong giai đoạn bay cuối - để chế tạo ra loại tên lửa có khả năng tấn công mục tiêu di động trên biển và trên đất liền.

Giới quân sự cho rằng, “đầu bài” được giao cho việc chế tạo tên lửa ASBM của Trung Quốc với mục tiêu chính là tàu sân bay của Mỹ. Theo đó, Trung Quốc đã cân nhắc một số phương thức để có thể sử dụng loại tên lửa ASBM chống lại nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ, bao gồm: Quấy rối bằng hỏa lực nhằm vào các nhóm tác chiến tàu sân bay; Bắn các loạt đạn thị uy phía trước nhóm tàu sân bay để cảnh cáo; Bắn loạt đạn cảnh cáo về phía nhóm tàu sân bay theo hướng đối diện với mạn sườn đang yếu thế của Trung Quốc; Tấn công hỏa lực tập trung vào tàu sân bay…

Sau hàng chục năm nghiên cứu chế tạo, hai loại tên lửa ASBM của Trung Quốc được chính thức công bố lần đầu tiên trong cuộc duyệt binh tại Thủ đô Bắc Kinh năm 2015 với hai cái tên “Đông Phong” 21D và “Đông Phong” 26, ký hiệu lần lượt DF-21D và DF-26, cùng có khả năng mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân. Trong khi DF-21D có tầm bắn khoảng 1.500 km thì DF-26 có tầm bắn xa nhất tới 4.000 km nên đủ sức tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam giữa Thái Bình Dương.

Giới quân sự cho rằng, hai loại tên lửa đạn đạo tầm trung chống hạm DF-21D và DF-26 là một phần trong chiến lược phong tỏa, chống tiếp cận (A2/AD) của Trung Quốc nhằm đẩy Mỹ ra khỏi các vùng biển ở Tây Thái Bình Dương, trong đó Biển Đông là một trọng tâm. Vì thế, việc phóng liên tiếp các tên lửa 21D và DF-26 trong cuộc tập trận ở Biển Đông vào ngày 26-8 vừa qua được xem nhằm thực hiện chiến lược 21D và DF-26 mà Trung Quốc theo đuổi lâu nay cùng với sự trỗi dậy các tham vọng trên biển của quốc gia này.

Tàu sân bay Mỹ không hoảng sợ

Thời gian gần đây Trung Quốc đã phản ứng mạnh trước việc Mỹ tăng sự hiện diện về quân sự ở Tây Thái Bình Dương, nhất là ở Biển Đông. Trong đó, động thái rõ nhất là việc Lầu Năm góc cùng một lúc triển khai 3 biên đội tác chiến tàu sân bay: USS Ronald Reagan, USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz cùng lúc diễn tập ở Biển Đông.

Trong một phản ứng được cho là “diều hâu nhất” trước việc các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ gần như hiện diện thường trực ở Biển Đông thời gian qua, giới quân sự Trung Quốc cảnh báo nước này không hề hoảng sợ trước tàu sân bay Mỹ và có những thứ vũ khí đủ sức tiêu diệt biên đội tác chiến tàu sân bay Mỹ, ám chỉ tới hai loại tên lửa “sát thủ tàu sân bay” 21D và DF-26. Do vậy, giới quan sát cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc liên tiếp phóng các quả tên lửa 21D và DF-26 trong cuộc tập quân sự trên quy mô lớn ở Biển Đông mới đây.

Về phản ứng chính thức, trong thông cáo, Lầu Năm góc nhấn mạnh, Bộ Quốc phòng Mỹ lo ngại về việc Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự, bao gồm cả việc bắn tên lửa đạn đạo, xung quanh quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông. Lầu Năm góc cũng cho rằng, hành động này của Trung Quốc là “phản tác dụng” trong bối cảnh cần làm dịu căng thẳng và duy trì sự ổn định, còn việc phóng tên lửa chỉ càng gây thêm căng thẳng ở Biển Đông.

Chính thức là vậy, song giới quân sự Mỹ dường như không quá lo lắng trước việc Trung Quốc phóng các tên lửa 21D và DF-26 từ sâu trong lục địa ra Biển Đông trong khi tàu sân bay thường xuyên hiện diện ở vùng biển này.

Dù mang danh “sát thủ tàu sân bay” nhưng hai loại tên lửa 21D và DF-26 có đủ sức đe dọa hay phá hủy tàu sân bay của Mỹ lại là điều cần bàn. Trước hết, có thể thấy ngay rằng trong khi tờ “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” dẫn nguồn tin quân sự Trung Quốc đưa tin nước này đã bắn 2 quả tên lửa 21D và DF-26 thì Lầu Năm góc, dựa trên dữ liệu thu thập được của máy bay do thám U-2, lại khẳng định Trung Quốc đã bắn tổng cộng 4 quả tên lửa 21D và DF-26 trong ngày 26-8.

Sở dĩ có sự khác biệt về số liệu này là do nằm ở điều được cho là thất bại của việc phóng tên lửa 21D và DF-26 trong cuộc tập trận. 2 trong số 4 quả tên lửa phóng đi từ căn cứ nằm sâu trong lục địa đã bị rơi không lâu sau khi rời bệ phóng, được cho rơi ở khu tự trị Choang ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), 2 quả còn lại dù có bắn tới Biển Đông, song theo như Lầu Năm góc khẳng định cũng rơi chệch mục tiêu.

Ngay việc bắn còn chưa trúng mục tiêu thì còn nói gì tới việc tiêu diệt được tàu sân bay của Mỹ. Tàu sân bay Mỹ là “trái tim” của biên đội tác chiến tàu sân bay Mỹ, luôn được hộ tống bởi các tàu khu trục, tàu tuần dương vốn tích hợp hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis rất hiện đại, hoàn toàn đủ sức phát hiện, ngăn chặn và tiêu diệt các loại tên lửa tấn công sân bay, dù đó là tên lửa tầm trung, tên lửa chống hạm tầm ngắn hay tên lửa hành trình… Đó là chưa kể tới hệ thống tác chiến điện tử và khả năng tự phòng thủ của chính tàu sân bay. Vì thế, giới quân sự quốc tế cho rằng, gọi là “sát thủ tàu sân bay” nhưng 21D và DF-26 hiện chưa có khả năng tiêu diệt được tàu sân bay của Mỹ.

Mỹ - Trung nguy cơ căng thẳng sau vụ phóng tên lửa ra Biển Đông Mỹ - Trung nguy cơ căng thẳng sau vụ phóng tên lửa ra Biển Đông

Vụ Trung Quốc phóng tên lửa ra Biển Đông có thể khiến Mỹ có lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh, làm tăng ...

Mỹ nói Trung Quốc phóng 4 tên lửa đạn đạo ở Biển Đông Mỹ nói Trung Quốc phóng 4 tên lửa đạn đạo ở Biển Đông

Lầu Năm Góc xác nhận Trung Quốc phóng 4 tên lửa đạn đạo ở Biển Đông, chỉ trích động thái này đe dọa hòa bình ...

Ngày đăng: 20:37 | 01/09/2020

/ anninhthudo.vn