Nhiều người nhầm tưởng mua hàng trong mùa Black Friday sẽ được hưởng mức giảm giá "khủng" mà không biết rằng nếu không cẩn trọng sẽ mắc chiêu thổi giá, xả hàng tồn.
Sau nhiều năm "đổ bộ" vào Việt Nam, cơn lốc giảm giá Black Friday - Thứ 6 đen tối - đã trở nên quen thuộc với các tín đồ mua sắm. Đây cũng là dịp để các cửa hàng, trung tâm thương mại hút khách, nên từ nhiều ngày nay, các biển giảm giá hấp dẫn được giăng khắp đường phố Hà Nội.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều thương hiệu, cửa hàng uy tín, giảm giá để kích cầu thì không ít cửa hàng nhỏ lẻ "ăn theo" dịp này để xả hàng tồn, hàng kém chất lượng, thậm chí trà trộn hàng lỗi để bán cho khách. Nếu không cẩn trọng, khách dễ bị hớ khi săn hàng giảm giá Black Friday.
Đủ chiêu trò bẫy khách
Theo khảo sát của PV VTC News trong ngày 26/11, tại nhiều shop thời trang trên đường Phạm Ngọc Thạch, chùa Bộc (quận Đống Đa, Hà Nội), không ít mặt hàng khá lỗi mốt, thậm chí nhìn cũ kỹ vẫn được bày bán. Đáng nói là mức giá của những mặt hàng này khá cao trong chương trình Black Friday. Như vậy, nếu so với giá cũ, giá của sản phẩm chỉ giảm khoảng 20%, trong khi cửa hàng vẫn vô tư treo quảng cáo trưng bày ở ngoài là giảm đến giảm 70%.
Nhiều mặt hàng cũ vẫn đang được bày bán với giá khá cao trong mùa Black Friday năm nay. |
Bên cạnh đó, nhiều chủ shop thời trang hồn nhiên treo quảng cáo "sales upto lên tới 80%". Tuy nhiên, kỳ thực việc giảm giá "khủng" này chỉ áp dụng với những sản phẩm đã quá cũ, xấu, thậm chí bị lỗi. Vì thế, nhiều khách hàng phàn nàn gần như không chọn được bất cứ món đồ nào ưng ý. Ngược lại, những sản phẩm còn mới, đẹp thì thực tế chỉ được giảm từ 5-10% và chiếm số lượng không nhiều.
"Mức giảm giá các mặt hàng khác nhau, tuy nhiên chủ cửa hàng vẫn treo biển quảng cáo sales 80% dễ khiến khách hàng nhầm tưởng là giảm giá đồng loạt các sản phẩm. Người vào rất nhiều nhưng mua được món hàng như mong muốn là không dễ. Điều này vừa khiến khách hàng mất thời gian, vừa không hài lòng vì cách quảng cáo mập mờ và chất lượng hàng không tốt", chị An Tú (Hoàng Mai - Hà Nội) chia sẻ.
"Thế này thì khác nào cửa hàng lợi dụng Black Friday để xả hàng tồn?", chị Tú đặt câu hỏi.
Bạn Lan Chi ở Khương Thượng, quận Đống Đa nói: "Quả thật bây giờ khó để biết đâu là hàng giảm giá thật, đâu là hàng mạo danh. Bởi việc có giảm giá hay không, giảm giá thực tế bao nhiêu thì chỉ cửa hàng biết. Khách không có bất cứ tiêu chí, số liệu nào để so sánh. Đã có không ít trường hợp shop kích giá lên rồi sau đó treo biển khuyến mại, khiến khách hàng có cảm giác đang được mua rẻ, song thực tế cửa hàng vẫn có lời".
Trong khi các shop thời trang tranh thủ xả hàng tồn, hàng cũ thì các shop mỹ phẩm lại tranh thủ thanh lý các sản phẩm đã cận ngày hạn sử dụng.
Lựa chọn mua hàng trên một trang điện tử, chị Tuyết Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, vừa đặt một lọ sữa rửa mặt gạo nâu Hàn Quốc 100ml vì thấy sản phẩm được giới thiệu giảm giá lên đến 49% từ 65.000 đồng xuống còn 33.400 đồng. Tuy nhiên, đến khi nhận sản phẩm, chị mới biết chỉ còn vài tháng nữa là hết hạn sử dụng. "Mua hàng kiểu này thì vừa dùng vừa lo vì biết đâu sản phẩm gần hết hạn sử dụng có thể gây dị ứng cho da", chị Mai nói.
Dù quảng cáo giảm giá 70% nhưng những mặt hàng đẹp lại chỉ giảm giá rất thấp, thậm chí giữ nguyên giá. |
Một chiêu nữa mà nhiều shop đang áp dụng trong dịp Black Friday năm nay là hàng giảm giá không cho đổi, trả. Chính sách này khiến khách hàng nhiều phen... dở khóc dở cười. Chị Hà Trang, khách hàng của một shop thời trang trên phố Cầu Giấy - Hà Nội cho biết, chị mua một chiếc váy giảm giá tại đây, khi về nhà thử lại thấy hơi chật và muốn đổi sang kích cỡ lớn hơn hoặc đổi sang loại khác và chấp nhận trả thêm phí. Tuy nhiên, nhân viên cửa hàng cho biết không thể hỗ trợ do chính sách của chương trình là không được đổi trả sản phẩm dưới bất kỳ hình thức nào.
"Chiêu bài này thường không phải cửa hàng nào cũng nói cho khách trước khi mua. Vì vậy, Rút kinh nghiệm khi mua hàng giảm giá, phải cẩn trọng khi chọn lựa, không chạy theo xu hướng của đám đông và chỉ mua những gì mình cần", chị Trang khuyến cáo.
Không còn cảnh xếp hàng, chen lấn
Khảo sát của PV VTC News cho thấy, càng sát ngày Black Friday, các cửa hàng khuyến mại càng nhiều và mức giảm giá càng được nâng lên. Theo đó, mặt hàng giảm giá mạnh nhất phải kể tới thời trang và hàng tiêu dùng, lên tới 70 - 80%.
Nhân viên liên tục đưa đồ mới ra trưng bày để phục vụ khách. |
Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là tuy các thương hiệu đua nhau giảm giá "sập sàn" nhưng lượng người mua không như kỳ vọng. Mai Lan, nhân viên một cửa hàng thời trang trên phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, năm nay do ảnh hưởng của COVID-19 nên người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, khiến thị trường ảm đạm hơn hẳn mọi năm.
"Nếu những năm trước, thời điểm này, khách đã náo nhiệt đi săn hàng thì năm nay lại rất trầm lắng, dù các cửa hàng tìm mọi cách khuấy động như giăng biển, trang trí bắt mắt, bật loa quảng cáo rộn ràng. Đặc biệt không còn cảnh chen lấn, xếp hàng như mọi năm. Khách đến có đông hơn ngày thường nhưng phần lớn trong đó chỉ là khảo giá", Mai Lan nói.
Trả lời VTC News, nhân viên kinh doanh nhãn hàng thời trang NEM thông tin: "Để chuẩn bị cho dịp Black Friday, từ nhiều ngày trước chúng tôi đã huy động nhân viên, lên các kế hoạch kinh doanh, phân loại sản phẩm...để đưa ra các mức giá ưu đãi hấp dẫn nhất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Lượng hàng mới luôn được bổ sung hàng ngày, nhân viên cũng chuẩn bị tinh thần để làm tăng ca. Tuy nhiên, sức mua đến giờ vẫn chưa như kỳ vọng. Chỉ mong dịp cuối tuần sẽ đông đúc hơn".
Một cửa hàng trong trung tâm thương mại vắng vẻ. |
Tại trung tâm thương mại, tình hình cũng không khả quan hơn. Sát ngày thứ 6 (27/11), nhiều cửa hàng trong trung tâm thương mại Tràng Tiền vẫn khá yên ắng. Đại diện một quầy hàng mỹ phẩm nhận xét: "Năm nay, tâm lý, xu hướng mua hàng của khách khác hẳn mọi năm. Một phần vì COVID-19 khiến mọi người tiết kiệm hơn và chuyển sang chuộng mua sắm online hơn, một phần vì khách ngày càng cảnh giác với những chiêu giảm giá "ảo" của một bộ phận cửa hàng nhỏ lẻ hay "ăn theo" dịp Black Friday để xả hàng tồn, hàng kém chất lượng. Chính vì thế, người tiêu dùng ngày càng không mặn mà với những chương trình khuyến mại lớn".
Giảm giá tới 70%, gian hàng này vẫn chưa hút khách. |
Chính vì nhiều người chuyển sang mua sắm online nên năm nay, nhiều thương hiệu đẩy mạnh việc bán hàng trên web, fanpage để kích cầu.
Trang web một thương hiệu thời trang chạy chương trình Black Friday. (Ảnh chụp màn hình). |
"Năm nay khách hàng có xu hướng mua hàng online mạnh hơn mọi năm, thậm chí nhiều hơn cả lượng khách đến trực tiếp mua. Vì vậy, cửa hàng phải bố trí bộ phận chăm sóc khách hàng online để phục vụ mọi nhu cầu", nhân viên bán hàng của IVY moda chia sẻ.
Không chỉ sở hữu nhiều mặt hàng đa dạng mà các sàn thương mại điện tử cũng tung ra các chương trình khuyến mãi hàng ngày. Chương trình Flash Sale, Deal 1K được diễn ra hàng ngày trong nhiều khung giờ đã thu hút được khá nhiều khách.
Black Friday: Nhận diện những cái "bẫy" đánh lừa khách hàng
Là ngày hội giảm giá lớn nhất năm nhưng người tiêu dùng cũng nên cẩn trọng trước hàng loạt "bẫy mua sắm" từ các nhà ... |
Săn vé 0 đồng bay khắp đất nước cùng Vietjet
Đón mừng lễ hội mua sắm khắp toàn cầu Black Friday 2020, Vietjet dành tặng khách hàng ba ngày siêu khuyến mãi bay "chất" khắp ... |
Ngày đăng: 06:57 | 27/11/2020
/ vtc.vn