Thông tin Cty CP Thế giới di động (TGDĐ - sở hữu của các chuỗi Thegioididong.com, Điện máy xanh, Bách hóa xanh) sẽ mua lại Trần Anh – chuỗi bán lẻ hàng điện máy lớn nhất miền Bắc – râm ran từ tháng 7.2017 đến nay dần được chính thức xác nhận.

Thế Giới Di Động càng ngày càng bành trướng thế lực (ảnh: PK).

Thông tin chính thức được “xác nhận” từ ban lãnh đạo Trần Anh, là họ đang xin ý kiến cổ đông về việc bán trên 25% vốn điều lệ Cty cho TGDĐ, tuy nhiên theo một số nguồn tin là sẽ bán toàn bộ.

Cho dù rằng, Trần Anh là chuỗi hàng đầu ở miền Bắc nhưng về đường hướng phát triển khó mà rộng mở. Dung lượng thị trường điện máy phía bắc giới hạn, lại có nhiều chuỗi cạnh tranh trong đó có cả chuỗi Điện máy xanh, Nguyễn Kim… từ phía nam ra; trong khi tương lai của các chuỗi phía Bắc vào phía Nam gần như bế tắc.

Trần Anh mạnh ở phía bắc nhưng khó thống lĩnh thị trường cả nước (ảnh: CafeF).

Điển hình là Pico đã “nam tiến” cách đây mấy năm mở siêu thị rất to trên đường Cộng Hòa quận Tân Bình (TPHCM), nhưng chỉ sau hơn một năm phải đóng cửa. Một chuỗi bán lẻ, nếu không mở được vào thị trường phía Nam, thì tương lai phát triển không có gì sáng sủa. Mà cố mở thì lại đụng toàn các “ông lớn” như Thế giới di động và Điện máy xanh (đang đứng đầu hai mảng bán lẻ smartphone, máy tính bảng và điện máy), FPT Shop, Viễn Thông A, Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Điện máy Chợ Lớn…

Theo thông tin “rò rỉ” từ TGDĐ, họ quyết định mua Trần Anh vì đối tác là doanh nghiệp niêm yết trên sàn, phù hợp với các chuẩn mực và thuận lợi cho TGDĐ cũng đang là một doanh nghiệp niêm yết. Mặt khác, đã mua thì mua chuỗi hùng mạnh để từ đó gia cố lên mạnh hơn nữa.

Nếu TGDĐ xong thương vụ Trần Anh, vấn đề lợi nhuận của chuỗi Trần Anh cũng sẽ được cải thiện khi TGDĐ đưa mô hình kinh doanh và cung cấp dịch vụ của họ vào triển khai (6 tháng đầu năm Trần Anh đạt doanh thu khoảng 1.000 tỉ đồng và lợi nhuận chỉ đạt 2,6 tỉ đồng; trong khi lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2017 của TGDĐ là hơn 1.400 tỉ đồng). Bởi theo thống kê, hiện FPT Shop là chuỗi đạt hiệu quả doanh thu/m2 hiệu quả nhất, nhưng chính TGDĐ chứ không phải ai khác giật ngôi đạt lợi nhuận/m2 hiệu quả nhất.

TGDĐ hùng mạnh là thế, nhưng ở thị trường phía bắc vẫn còn ngổn ngang vấn đề. Không nghi ngờ gì về tốc độ dựng siêu thị nhanh trên cùng một mặt bằng so với các Cty bán lẻ khác, nhưng vấn đề là mặt bằng đắc địa thì TGDĐ gặp gian nan, và đây cũng là thực tế càng ngày càng khó đối với các chuỗi bán lẻ khác.

Trong khi đó, nếu mua Trần Anh, TGDĐ có thêm 35 siêu thị ở 11 tỉnh, thành phố miền Bắc và miền Trung; trong đó riêng khu vực Hà Nội có 11 siêu thị nhưng là những siêu thị có mặt bằng lên đến hàng ngàn m2, rất thuận lợi để TGDĐ đưa mô hình Điện máy xanh vào, và có thể tăng tốc nhanh hơn thay vì tự phát triển siêu thị. Và với cú sáp nhập này, không còn xa nữa TGDĐ sẽ thống lĩnh cả thị trường bán lẻ điện thoại và điện máy phía bắc.

Tất nhiên, cổ đông Trần Anh nếu bán cho TGDĐ cũng phải được giá hời, và nếu được mua lại hoặc chuyển đổi sang cổ phiếu của TGDĐ (mã: MWG) thì chẳng khác nào sự “đổi đời” về vị thế cổ phiếu.

Cách đây chưa lâu, HĐQT của TGDĐ đã xin ý kiến cổ đông về việc gia tăng ngân sách cho các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) từ 500 tỉ đồng lên 2.500 tỉ đồng. Trước đây, ngân sách 500 tỉ đồng nhằm phục vụ chính cho kế hoạch mua một chuỗi bán lẻ dược phẩm. Nhưng bây giờ, với ngân khoản được chuẩn y “phình” lên gấp 5 lần, có lẽ TGDĐ toan tính, tham vọng nhiều hơn. Đó là dẫn dắt cả thị trường bán lẻ ở Việt Nam với vị thế “ông lớn” trong ngành hàng bán lẻ điện thoại di động, điện máy, nhu yếu phẩm, dược phẩm…

Ngày đăng: 18:40 | 22/08/2017

/ Thế Lâm/laodong.com.vn