Trong nhiều năm qua, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) luôn phát huy vai trò xung kích trong lao động sản xuất, kinh doanh; đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật; đóng góp quan trọng trong đề xuất, áp dụng các ý tưởng, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào việc duy trì, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tuyệt đối an toàn, ổn định, hiệu quả.
Đặc biệt, trong phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” đã có 30 ý tưởng, đề tài khoa học, sáng kiến, giải pháp hợp lý hóa sản xuất được Hội đồng sáng kiến sáng chế của Công ty phê duyệt. Tính đến nay, đã có 28 công trình thanh niên được đăng ký lên Đoàn BSR, trong đó có 02 công trình cấp Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương, 05 công trình cấp Đoàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và 21 công trình cấp cơ sở với tổng giá trị làm lợi trên 3 tỷ đồng.
Sáng kiến... 1 tỷ đồng/năm
Trong số những đề tài, sáng kiến đó, nổi bật là đề tài nghiên cứu “Giải pháp phân tích hàm lượng Asen (As) trong các dòng mẫu tại Nhà máy Lọc dầu nhằm chủ động phòng ngừa, kiểm soát ảnh hưởng của Asen tại phân xưởng công nghệ”.
Tại NMLD Dung Quất, trên cơ sở thiết kế và bàn giao từ Nhà thầu TPC, đối với việc phân tích và kiểm soát hàm lượng Asen đã và đang thực hiện tại 3 dòng mẫu sau: Dòng naptha nguyên liệu của phân xưởng NHT (NHT feed) SC-1201; Dòng LPG đã xử lí (treated LPG) 16-SC-12-004; Dòng propylene vào A-2101 21-SC-12-111 và sản phẩm propylene (propylene product) 21-SC-12-112.
Kỹ sư Võ Tấn Phương đang thực hiện công việc tại phòng Thí nghiệm
Trong đó, việc phân tích hàm lượng Asen trong naptha sử dụng phương pháp UOP 946 với nồng độ ppb đã đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của công nghệ; việc phân tích hàm lượng arsine (AsH3) trong LPG và propylene sử dụng phương pháp ASTM D4599 (sử dụng dragger tube, so màu) với giới hạn phát hiện từ 0.05 ppm (tương đương 50 ppb) trong khi yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm propylene tại điểm 21-SC-12-112 là 0.03 ppm max (tương đương 30 ppb). Như vậy, phương pháp ASTM D4599 chưa phù hợp với việc phân tích Arsine ở hàm lượng thấp ppb theo yêu cầu kỹ thuật.
Ngoài ra, đối với nguyên liệu dầu thô đầu vào và dầu cặn (residue) - nguyên liệu của phân xưởng RFCC vẫn chưa được kiểm soát hàm lượng asen. Như vậy, việc chủ động kiểm soát hàm lượng asen tại các phân xưởng công nghệ vẫn còn để ngỏ, chưa được hoàn thiện.
Kỹ sư Võ Tấn Phương và đồng nghiệp đã nghiên cứu, triển khai phân tích và kiểm soát hàm lượng Asen từ dòng nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối liên quan tại các phân xưởng công nghệ của Nhà máy. Việc nghiên cứu tập trung phát triển phương pháp xác định arsine ở hàm lượng ppb đối với dòng mẫu khí (LPG, propylene) đáp ứng kiểm soát được ở ngưỡng của quy định kỹ thuật là 30 ppb. Tối ưu hóa phương pháp xác định asen trong dầu thô, cặn chưng cất (residue) theo UOP 986 trong thực tế phòng thí nghiệm BSR. Tối ưu hóa các thông số kỹ thuật trên thiết bị AAS nhằm đạt được kết quả tốt nhất.
Để phân tích asen hàm lượng ppb với công nghệ hiện nay thì dựa vào 2 thiết bị: thiết bị quang phổ hấp thu nguyên tử không ngọn lửa Graphite Furnace - AAS và thiết bị quang phổ phát xạ plasma khối phổ ICP-MS. Tại phòng thí nghiệm BSR, thiết bị hiện có là Graphite Furnace - AAS với đèn Asen sẽ được sử dụng để phát hiện và tính toán hàm lượng Asen trong mẫu đã xử lí.
Đồng thời, nghiên cứu này cũng dựa trên nguyên tắc Asen trong các dòng mẫu dù tồn tại ở dạng hợp chất nào cũng cần được xử lí, phá mẫu để chuyển về dạng ion hòa tan trong nước để phân tích trên thiết bị AAS. Có hai kiểu mẫu chính cần nghiên cứu là: mẫu khí LPG/Propylene chứa arsine (AsH3) và mẫu dầu thô/dầu cặn (petroleum products) chứa các hợp chất asen hữu cơ và vô cơ.
Nhóm kỹ sư đã Tối ưu hóa các thông số kỹ thuật như quá trình xử lý mẫu propylene, LPG; Tối ưu hóa các thông số kỹ thuật trên thiết bị AAS-Graphite. Kết quả thu được sau quá trình tối ưu hóa là Đường chuẩn có hệ số tuyến tính R > 0.99, đạt theo yêu cầu. Giá trị RSD của 2 lần đo luôn nhỏ hơn 5%, đạt yêu cầu của thiết bị. Độ lặp lại của kết quả phân tích đạt yêu cầu.
Kỹ sư Võ Tấn Phương nhận định: Ý nghĩa khoa học của đề tài vô cùng to lớn. Đề tài nhằm giúp chủ động kiểm soát hàm lượng asen trong các dòng mẫu từ nguyên liệu đến sản phẩm cuối. Trên cơ sở đó tính toán cân bằng vật chất đối với asen ở Nhà máy. Kết quả của đề tài giúp Công ty chủ động kiểm soát nguồn dầu thô nguyên liệu, cảnh báo sớm cho các Ban liên quan như Điều độ sản xuất, Nghiên cứu phát triển, Vận hành Sản xuất đối với các lô dầu thô có hàm lượng asen cao. Từ đó, có thể đưa ra tỉ lệ phối trộn phù hợp cũng như chủ động kiểm soát hàm lượng asen ở các dòng mẫu công nghệ. Kiểm soát lifetime của tháp A2101 tại phân xưởng PRU bằng việc tính toán tổng số arsine đã hấp thụ vào A2101 dựa trên kết quả phân tích của mẫu propylene vào A-2101 21-SC-12-111 và các thông số vấn hành để đưa ra các phương án phù hợp nhằm đảm bảo an toàn vận hành. Đồng thời, khi triển khai giải pháp này cũng đảm bảo chất lượng sản phẩm propylene cung cấp cho phân xưởng polypropylene (PP) và bán ra thị trường. Khi giải pháp này được áp dụng sẽ tiết kiệm chi phí gửi mẫu thử nghiệm bên ngoài khoảng 1 tỷ đồng/năm.
So sánh liên phòng phòng thí nghiệm để khẳng định giá trị!
Hơn 10 năm sản xuất và cung ứng 40% nhu cầu thị trường; sản phẩm xăng dầu của BSR đã và đang đứng vững trên thị trường trong nước. Trong các năm tới, khi sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa sản phẩm của BSR với sản phẩm của Nghi Sơn và sản phẩm nhập khẩu khác thì việc xác định tính chính xác và độ tin cậy của kết quả thử nghiệm của các Phòng Thí nghiệm (PTN) là vô cùng quan trọng.
Kỹ sư trẻ Phạm Thị Thêm nhiều năm nay đã tham gia vào nhiều đề tài, sáng kiến của Ban Quản lý chất lượng
Bên cạnh đó, có một số trường hợp Khách hàng phân tích lại một số chỉ tiêu trên mẫu xăng, dầu của BSR tại các phòng thí nghiệm xăng dầu của các đơn vị khác. Kết quả thử nghiệm của phòng thí nghiệm đó sai lệch đáng kể so với kết quả thử nghiệm của BSR. Dựa trên kết quả này, khách hàng đã gửi phàn nàn đến BSR yêu cầu giải quyết và BSR đã phải tốn nhiều công sức, chi phí cho các vụ việc như vậy. Hơn nữa, kết quả tranh chấp phải phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả thử nghiệm của đơn vị trọng tài nên tiềm ẩn nguy cơ rất lớn cho BSR. Tuy nhiên, hiện nay BSR vẫn chưa đánh giá được mức độ tin cậy của kết quả thử nghiệm do đơn vị trọng tài, giám định và khách hàng cung cấp để chủ động tránh những trường hợp bất lợi cho BSR. Nguyên nhân chính của việc này là do chưa xây dựng được mối liên hệ về năng lực phân tích, mức độ tương quan về độ chụm, độ chính xác của kết quả phân tích giữa các phòng thí nghiệm bên ngoài với phòng thí nghiệm của BSR.
Với tính cần thiết nêu trên, Lãnh đạo Ban Quản lý Chất lượng đã có nhiều trăn trở làm sao để gắn kết tất cả các PTN cùng lĩnh vực trong cả nước kể cả các PTN cùng Tập đoàn hoặc bên ngoài Tâp đoàn với mục đích hiểu biết lẫn nhau hơn nữa giữa các đơn vị trong cùng ngành, tạo cơ hội đánh giá độ tin cậy, tính chính xác của kết quả thử nghiệm giữa các phòng thí nghiệm xăng dầu;
Chị Thêm cho biết: Để làm được điều này, ngoài sự Lãnh đạo chỉ đạo của Trưởng ban QLCL, thì nhóm nghiên cứu rất nỗ lực trong việc tìm kiếm phương hướng và cách thức triển khai thực hiện, chị Thêm cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu tài liệu quốc tế và trong nước để soạn thảo Quy trình về cách thức triển khai thực hiện, cách thức đồng nhất mẫu, cách thức xử lý số liệu và phối hợp triển khai thực hiện thực tế tại Ban Quản lý chất lượng (từ khâu lập kế hoạch thực hiện được Tổng Giám đốc phê duyệt, gửi công văn kêu gọi các đơn vi tham gia, triển khai lấy mẫu ổn định, thực hiện đồng nhất mẫu, sang chiết mẫu, đóng gói và phân phối đến các PTN, thu thập kết quả, xử lý đánh giá số liệu, lập báo cáo). Bước đầu, với 15 PTN tham gia chương trình, số lượng mẫu phải chuẩn bị và gửi đi đồng thời là rất lớn, trong đó yêu cầu các mẫu phải thật sự đồng nhất về chất lượng theo tiêu chuẩn đã đòi hỏi các nhân sự QLCL phải thật sự thành thạo trong từng thao tác. Việc lập chương trình, quy trình, tổng hợp kết quả và phân tích, đánh giá theo đúng tiêu chuẩn quốc tế ISO 13528:2005 cũng đã đặt ra nhiều thách thức nghiên cứu và sáng tạo. Tuy nhiên, bằng sự quyết liệt, tâm huyết, dám nghĩ dám làm, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngay từ đợt so sánh liên phòng (SSLP) đầu tiên. Và đơn vị QLCL thuộc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn tự hào là đơn vị đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình so sánh liên phòng các chỉ tiêu xăng, dầu trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đây là thành quả của toàn Ban Quản lý Chất lượng.
Đến nay Ban QLCL đã triển khai được 5 đợt mẫu, mỗi đợt có khoảng 17 PTN tham gia, vậy tổng lượt PTN tham gia là 85 lượt với 340 lít mẫu được gửi đi, đây là 1 con số mang rất nhiều ý nghĩa . Hiện tại vẫn đang tiếp tục triển khai các đợt mẫu xăng dầu trong năm 2019.
Chị Thêm cho biết: Năm 2018 sáng kiến này có sức lan tỏa đến các đơn vị PTN trên cả nước, có rất nhiều đơn vị biết được chương trình so sánh liên phòng của BSR đã gửi thư điện tử hoặc công văn xin tham gia chương trình.
Chị Thêm và nhóm nghiên cứu còn nhận định: Sáng kiến này mang lại giá trị to lớn và ý nghĩa khoa học thực tiễn như sau: Kết quả thu được từ Chương trình là thông tin rất quan trọng để BSR có định hướng trong việc tìm chọn đơn vị giám định, đơn vị trọng tài và giải quyết những phàn nàn, khiếu nại về chất lượng của khách hàng liên quan đến sản phẩm; Kết quả SSLP cũng góp phần khẳng định PTN BSR là một trong những PTN chính xác nhất, tin cậy nhất Việt Nam hiện nay. Với định hướng “Chất lượng là yếu tố sống còn của một doanh nghiệp”, sự thành công của Chương trình này góp phần vào việc thực hiện thành công KPI quan trọng của BSR “100% lô hàng xuất bán ra thị trường đạt chất lượng”, đem lại thành công chung của BSR trong các năm qua.
Kỹ trẻ Võ Tấn Phương và Phạm Thị Thêm – cán bộ nguồn trẻ trung, giàu sáng tạo của Công ty BSR
Bên cạnh sự nỗ lực cá nhân, Võ Tấn Phương và Phạm Thị Thêm còn được các đồng nghiệp giàu kinh nghiệm và chuyên môn sâu hỗ trợ, đồng tác giả như: Nguyễn Phú Dung, Phạm Công Nguyên, Trương Thị Thu Hà, Lê Thị Phương Trang, Bùi Xuân Lực, Nguyễn Thị Hồng Yến; Đoàn Thị Hồng Đào, Trần Thị Khánh Linh, Bùi Hoàng Nguyên.
Sự thành công của hai tác giả trẻ của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã được Đoàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia khen tặng trong cuộc thi Sáng tạo trẻ 2018.
Đ.Chính
Doanh thu năm 2018 của Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt trên 112 nghìn tỷ đồng
Ngày 22/3/2019, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) công bố Báo cáo tài chính riêng và Báo cáo tài chính hợp ... |
Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn: Tối ưu hóa & môi trường “no paper”
Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất thuộc Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là một tổ hợp công nghiệp phức tạp ... |
Giá dầu giảm và chuyện “vượt bão” của Lọc hóa dầu Bình Sơn
Bức tranh kinh tế năm 2018 của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) có nhiều mảng sáng. Hòa vào bức tranh ... |
Ngày đăng: 15:00 | 28/03/2019
/