Học viện Quân y chuyển cho Công ty Việt Á một số tài liệu, quy trình liên quan đến kit test, Việt Á dựa vào đó để tối ưu, nghiên cứu ra sản phẩm của mình.
Sáng 4/1, HĐXX TAND Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo trong đại án Việt Á.
Trước đó, trả lời thẩm vấn trong phiên toà chiều 3/1, bị cáo Phan Quốc Việt (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) cho hay, công ty này thành lập năm 2007, hoạt động trong lĩnh vực mua bán sinh phẩm y tế. Ngoài ra, Việt còn điều hành nhiều công ty khác cùng lĩnh vực.
Việt khai quen Trịnh Thanh Hùng (cựu Vụ phó thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) khoảng năm 2012, 2013 khi Công ty Việt Á tham gia đề tài cùng Học viện Quân y.
Khoảng cuối tháng 1, đầu tháng 2/2020, bị cáo Hùng gọi điện cho Việt tham gia phối hợp với Học viện Quân y để nghiên cứu kit test COVID-19.
"Ông Hùng thuyết phục bị cáo tham gia vì lúc đó chỉ Việt Á đủ điều kiện được yêu cầu. Mặt khác, thời điểm cấp bách, trong vòng một tháng phải có kit test và phải được Bộ Y tế cấp phép", bị cáo Việt khai và cho biết sau đó nhận lời Hùng.
Đầu tháng 2/2020, Việt và cấp dưới ra Hà Nội họp về đề tài nghiên cứu sản xuất kit test COVID-19 do ông Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) chủ trì.
Sau cuộc họp này, Việt Á tham gia vào việc nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm 20.000 kit test COVID-19 trong vòng một tháng.
Tại tòa, Phan Quốc Việt khai, khi đó Học viện Quân y chuyển cho Công ty Việt Á một số tài liệu, quy trình liên quan đến kit test. Việt Á sau đó dựa vào tài liệu, quy trình này để tối ưu, nghiên cứu ra kit test COVID-19.
"Việt Á nhận tiền công 1 tỷ đồng từ Học viện Quân y, phần còn lại là nguyên vật liệu trị giá khoảng 8-9 tỷ đồng", bị cáo Việt khai.
Giữa tháng 2/2020, Việt Á nghiên cứu ra kit test. Sau đó, Phan Quốc Việt cùng cấp dưới mang sản phẩm ra Hà Nội, đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để kiểm nghiệm, kết quả "đạt".
Cùng thời điểm này, Học viện Quân y cũng nghiên cứu kit test nhưng sản phẩm không tối ưu bằng Việt Á.
Sau khi nhận kết quả "đạt" từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Việt Á đã trình để được Bộ Y tế cấp số lưu hành tạm thời. Song Bộ này đã yêu cầu phải có nghiệm thu đề tài.
Lúc này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức thực hiện nghiệm thu giai đoạn 1 là "đạt", sau đó hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Y tế ký cấp phép.
Ngày 4/3/2020, kit test của Việt Á được cấp phép lưu hành tạm thời, đến ngày 4/12/2020 thì được cấp phép lưu hành chính thức.
- "Khi được Bộ Y tế cấp phép thì đó là sản phẩm của Việt Á hay Học viện Quân y?", chủ toạ hỏi.
- "Đều ghi của Việt Á", Việt trả lời.
Chủ toạ hỏi Việt về quá trình từ khi hợp tác đến khi cấp phép lưu hành kit test có khó khăn gì, bị cáo cho hay, giai đoạn cấp số lưu hành tạm thời hồ sơ bị trả đi trả lại.
"Bị cáo có nhờ ông Huỳnh gửi gắm Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương", Việt cho biết. Đến giai đoạn cấp phép chính thức, bị cáo tiếp tục nhờ Nguyễn Huỳnh (cựu Phó phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) giúp, để hồ sơ được thông qua nhanh, kịp thời có kit test.
Ngoài ra, Việt còn nhờ Trịnh Thanh Hùng tác động bên Bộ Y tế, "ông Hùng tác động như thế nào thì bị cáo không rõ", Phan Quốc Việt khai.
Tại toà, Chủ tịch Việt Á thừa nhận đã đưa cho Trịnh Thanh Hùng 350.000 USD, hơn 2 triệu USD và 4 tỷ đồng cho Nguyễn Huỳnh để ông này đưa lại hơn 2 triệu USD cho cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long.
Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị công trình) nhận 300.000 USD, Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Tài chính, kế hoạch) nhận 100.000 USD.
Bị can Nguyễn Văn Trịnh (cựu Trợ lý Phó Thủ tướng) và cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cũng được Phan Quốc Việt "cảm ơn" 200.000 USD.
Trường hợp ông Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt khẳng định đưa 50.000 USD nhưng ông Tạc khai chỉ nhận 100 triệu đồng.
Ngày đăng: 07:49 | 04/01/2024
Minh Tuệ / VTC News