Nhớ học sinh, "thèm" được đến trường dạy trực tiếp là cảm xúc, mong muốn của nhiều thầy cô giáo sau thời gian dài tạm nghỉ do dịch COVID-19.

“Gọi đến 3 - 4 lần mà học sinh không trả lời, dạy học mà không có tương tác, giáo viên nói giáo viên nghe như độc thoại, mệt mỏi, áp lực lắm, thực sự học trực tuyến hiệu quả không cao”, chị Lương Thị Thu Nga, giáo viên một trường THPT ở quận Bình Tân (TP.HCM) chia sẻ. Đây cũng là thực trạng mà nhiều giáo viên dạy online gặp phải.

Giáo viên mệt mỏi khi dạy online

Học sinh không trả lời, không tương tác, giáo viên độc thoại,… kéo dài khiến cô Nga mệt mỏi. Sau nhiều tháng dạy học trực tuyến, cô Nga cảm thấy mệt mỏi và việc dạy học không đem lại nhiều hiệu quả cho học sinh, cô cho rằng phải sớm cho học sinh trở lại trường.

“Khi tiêm đủ vaccine, học sinh đi học lại sớm sẽ giúp các em có tương tác và học tập hiệu quả, thầy cô cũng giảm gánh nặng dạy trực tuyến, thầy cô vì hoàn thành nhiệm vụ. Học online, trực tuyến sẽ không thể hiệu quả, chất lượng như dạy trên lớp, lo các em sẽ hổng kiến thức, kéo dài sẽ tạo ra thế hệ học sinh yếu kém”, cô Nga chia sẻ.

Sân trường vắng lặng 6 tháng, giáo viên mong mỏi học sinh đi học lại - 1
Giáo viên mong sớm được trở lại trường dạy học. (Ảnh minh hoạ: T.T)

Thầy Trần Văn Minh, Phó hiệu trưởng trường THCS -THPT Đào Duy Anh (quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết, nhà trường thực hiện khảo sát ý kiến phụ huynh khi tiêm vaccine cho trẻ em, đồng thời hỏi luôn ý kiến phụ huynh cho con trở lại trường thì hầu như không ai phản đối.

Về việc học online, phụ huynh đánh giá các em và thầy cô cố gắng nhiều, nhà trường có nhiều biện pháp, phương pháp trong giảng dạy, nhưng phần đông phụ huynh cho rằng học trực tiếp tại trường vẫn tốt, hiệu quả và chất lượng hơn. Do đó, phụ huynh, học sinh cũng mong muốn trường học mở cửa trở lại càng sớm càng tốt.

Ông Minh cho biết, gần như 100% học sinh ở trường được tiêm mũi 1 vaccine COVID-19, kể cả phụ huynh ở tỉnh cũng đã sắp xếp cho con em tiêm hết vaccine mũi 1, đây là điều kiện tốt để nhà trường sớm đón học sinh đi học trở lại.

Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng trường THCS Minh Đức (quận 1) cho rằng, việc cho học sinh đi học trở lại hay chưa là quyết định quan trọng, dựa trên tình hình dịch bệnh, y tế, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, phụ huynh đồng tình hay không… thì mới quyết định cho học sinh đi học. “Dưới góc độ quản lý trường học, tôi cho rằng, quyết định cho học sinh đi học trở lại hay không, các cấp lãnh đạo sẽ có quyết định sáng suốt và thấu đáo”, cô An nêu quan điểm.

Thèm được đến trường

"Sáng nào tôi cũng thức dậy lúc 6h15, tranh thủ dọn dẹp cửa nhà. Đến đúng 7h25, tôi đánh thức cô con gái lớp 5 dậy ăn sáng và chuẩn bị cho buổi học trực tuyến. Con yên vị vào bàn học lúc 7h50, cũng là lúc tôi quay trở lại với chiếc máy tính và thực hiện công việc của mình - mở lớp, ổn định sĩ số và triển khai dạy online".

Việc làm này được cô giáo Hoàng Thị Ngọc Mai (giáo viên cấp 2 tại Thanh Xuân, Hà Nội) thực hiện mỗi ngày kể từ khi bắt đầu năm học mới 2021 - 2022 đến nay. Trung bình mỗi ngày cô Mai dạy trực tuyến 8 tiết, chia theo khung giờ sáng, chiều. Mặc dù đã được làm quen với việc dạy online từ năm học trước, nhưng cô Mai thừa nhận bản thân gặp không ít áp lực và khó khăn về tốc độ bài giảng, chất lượng học sinh.

Sân trường vắng lặng 6 tháng, giáo viên mong mỏi học sinh đi học lại - 2
Giáo viên mong được đến trường dạy trực tiếp. (Ảnh minh hoạ: H.Đ)

"Tôi dạy 3 - 4 tiết mỗi buổi nhưng thời gian thực khi dạy online kéo dài phải bằng 5 - 6 tiết trên lớp do nhiều sự cố phát sinh. Nhiều khi trong giờ dạy, gọi học sinh trả lời nhưng em không nghe thấy, phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần. Có khi đường truyền bất ổn, cô nói trò không nghe nên mất thời gian chỉnh sửa. Đáng ra buổi học sẽ kết thúc vào lúc 10h45, nhưng để đảm bảo lượng kiến thức, bất đắc dĩ, giáo viên phải dạy đến 11h hoặc hơn", cô Mai chia sẻ.

Nhớ học sinh, "thèm" được đến trường dạy là những cảm xúc của nữ giáo viên lúc này. Nhiều khi rảnh cô lại đi xe máy qua trường để vơi bớt cảm giác nhớ.

"Tôi mong Hà Nội sớm mở cửa trường học để giáo viên, học sinh được tới trường. Đó vừa là cách giải phóng năng lượng tiêu cực sau thời gian dài nghỉ ở nhà, cũng là cách để tăng chất lượng dạy học", cô Mai mong mỏi.

Ngóng từng ngày

Ông Nguyễn Văn Hoà, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hơn 6 tháng nghỉ dịch, nhà trường mong ngóng từng ngày học sinh đến lớp trở lại. Từ đầu tháng 10, khi tình hình dịch trên địa bàn thàn phố cơ bản được kiểm soát, số ca mắc COVID-19 thấp, nhà trường khẩn trương chuẩn bị các điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh. Chỉ cần thành phố có “lệnh” là trường hoàn toàn có thể đón học sinh đi học trở lại.

Nhưng đã hơn 1,5 tháng trôi qua kể từ khi thành phố "rục rịch" bàn phương án cho học sinh đi học trở lại, đến nay trường vẫn đóng cửa, bàn ghế lại bám dày thêm một lớp bụi. "Thành phố cần mạnh dạn hơn nữa trong việc cho học sinh trở lại trường. Các chuyên gia, cơ quan y tế cũng đã khuyến cáo không nên đóng cửa trường học cục bộ, F0 ở đâu thì đóng cửa ở đó, Hà Nội không nên quá cứng nhắc, tiêu cực", ông Hoà nhấn mạnh.

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng cho rằng, Hà Nội nên quyết liệt hơn trong việc cho học sinh tới lớp. Vì hiện nay, sau nhiều tháng dạy, học trực tuyến, sức khỏe thể chất, tinh thần và kỹ năng giao tiếp của học sinh đều bị ảnh hưởng.

Sân trường vắng lặng 6 tháng, giáo viên mong mỏi học sinh đi học lại - 3
Sân trường vắng bóng học sinh, không còn các hoạt động vui chơi giải trí náo nhiệt. (Ảnh minh hoạ: Trường NBK)

Theo dõi số ca mắc ở Hà Nội hàng ngày, ông Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên, khấp khởi hy vọng mỗi khi thành phố chỉ ghi nhận vài ca mới, lại ở trong khu cách ly.

Dù mong trường học sớm được mở cửa trở lại, ông Dũng cũng có phần lo lắng bởi nếu nóng vội, dịch bệnh bùng phát rồi các em lại quay trở lại học online "thì còn khổ hơn". Với khoảng 2.000 học sinh, thầy hiệu trưởng đánh giá nếu các em sớm được tiêm chủng, áp dụng từ khối 12 trước, việc mở cửa trường học về lâu dài sẽ yên tâm hơn.

Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, một tiết học ở lớp tương đương với 20 - 30 tiết học trực tuyến, bởi học sinh được gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp với bạn bè và giáo viên. Chưa kể, học trực tuyến thường gặp nhiều vấn đề phát sinh như mất kết nối, gián đoạn đường truyền. Do đó việc cho học sinh trở lại trường là mong muốn của nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh nhưng còn nhiều khó khăn, một trong số đó là chưa đủ vaccine.

Trẻ cần được đến trường sớm

BS Trần Thị Sáu, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), trong đại dịch, bệnh nhân đến khám đều chung nguyên nhân do ảnh hưởng dịch bệnh và học online lâu dài. Trong đó xuất hiện người bị biểu hiện rối loạn lo âu, trầm cảm đến mức tự hành hạ cơ thể và trường hợp như nữ sinh lớp 12 trầm cảm, tự rạch tay. Áp lực học tập, cùng với việc ở nhà lâu ảnh hưởng lớn đến tâm lý, tư tưởng của mọi người nói chung và lứa tuổi học sinh nói riêng.

Theo BS Đỗ Văn Thắng, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, đáng lẽ trẻ nên được đến lớp học tập, giao lưu với bạn bè, tham gia những hoạt động thể thao lành mạnh khi có thời gian rảnh ngoài học tập, thì nay lại phải ở nhà vì dịch COVID-19.

Giãn cách quá lâu khiến trẻ chỉ biết “làm bạn” với máy tính, Ipad và điện thoại mà thiếu đi các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài trời. Đây là một trong nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý bình thường của trẻ, khiến nhiều trẻ sa sút về học tập, có các rồi loạn tâm lý kèm theo. Nguy hiểm hơn, do tiếp xúc nhiều với máy tính, điện thoại nên trẻ dễ bị tiếp cận với những văn hoá phẩm không tốt trên mạng như ảnh sex, clip người lớn…dẫn đến tình trạng rối loạn tâm sinh lý, lệch lại về giới tính.

Một bác sĩ tâm thần nhận định, học online ở nhà, không được đến trường và tham gia các hoạt động tập thể về lâu dài nếu không được quan tâm hợp lý sẽ ảnh hưởng tới phát triển chung của trẻ. Trẻ ở nhà quá lâu có thể nhút nhát, dễ sinh tính ích kỷ, hạn chế phát triển kỹ năng giao tiếp, kết quả học tập.

Bên cạnh đó, hạn chế tiếp xúc với bên ngoài trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của trẻ. Đây cũng có thể là yếu tố phát sinh, thúc đẩy một số rối loạn tâm lý liên quan như rối loạn giấc ngủ, rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu và các rối loạn hành vi khác của trẻ.

"Chúng ta cần cân nhắc trong điều kiện có thể cho trẻ em sớm đến trường để được giao tiếp, hoạt động, trò chuyện… giúp trẻ phát triển cả tinh thần lẫn thể chất", bác sĩ này nói.

Tại phiên trả lời chất vấn của Quốc hội đầu tháng 11, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch với lộ trình và phương án cụ thể để từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021.

Việc mở cửa trường học phải bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng, phù hợp tình hình dịch bệnh, đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, chuẩn bị tốt các điều kiện phòng, chống dịch tại trường học, tổ chức dạy học linh hoạt, bằng nhiều phương thức phù hợp với tình hình dịch bệnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục.

Ngày đăng: 08:30 | 25/11/2021

/ vtc.vn