Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên các trường học trên cả nước triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10. Một trong những điểm mới cơ bản, ngoài các môn học bắt buộc, học sinh được lựa chọn một số môn học.
Cùng với cả nước, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang khẩn trương chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và các điều kiện cần thiết, sẵn sàng triển khai chương trình mới với lớp 10, quyết tâm dạy học chất lượng ngay từ năm đầu tiên.
Theo lộ trình, năm học 2022-2023, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu được triển khai với lớp 10 và được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu (năm học 2023-2024 sẽ triển khai ở lớp 11; năm học 2024-2025 tiếp tục triển khai ở lớp 12).
So với chương trình hiện hành, điểm mới đáng chú ý của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là mỗi học sinh đều phải học một số môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Bên cạnh đó, học sinh được tự chọn một số môn học, chia thành các nhóm môn cơ bản: Nhóm môn khoa học xã hội (địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật...); nhóm môn khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học); nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật). Riêng môn lịch sử sẽ bao gồm nội dung bắt buộc với tất cả học sinh (52 tiết/năm học) và nội dung tự chọn, dành cho những em yêu thích môn học này.
Em Trần Nguyễn Thái An, học sinh lớp 10, Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) chia sẻ: “So với các anh, chị khóa trước, chúng em có nhiều thuận lợi hơn. Em khá hào hứng là trong chương trình có các môn học, chuyên đề nâng cao để em lựa chọn. Việc này giúp chúng em có thêm kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về các môn học mà mình yêu thích...”.
Liên quan đến việc xây dựng các nhóm môn học tự chọn ở lớp 10 năm học 2022-2023, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ đã có hướng dẫn về việc này. Mỗi trường trung học phổ thông xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn gồm 5 môn học, được chọn từ 3 nhóm môn học lựa chọn cơ bản (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học), vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh, vừa phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.
“Về thời lượng, mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút. Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.
Trực tiếp kiểm tra tại các trường học vào tháng 4-2022, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đánh giá, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã sẵn sàng các điều kiện cơ bản để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 từ năm học 2022-2023.
Kể từ thời điểm đó đến nay, các nhà trường tiếp tục hoàn thiện các điều kiện, chú trọng đến việc xây dựng các nhóm môn học tự chọn với tinh thần phát huy tối đa các cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đáp ứng tốt nhất nguyện vọng của học sinh.
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) Lê Trung Kiên, mục tiêu của trường là cố gắng đáp ứng tối đa nguyện vọng học tập của học sinh. Nhà trường xây dựng 6 nhóm các môn học lựa chọn, trong đó có cả nhóm môn nghệ thuật. Hiện tại, các phòng chức năng của nhóm môn này đang được hoàn thiện; phương án ký hợp đồng với giáo viên cũng đã sẵn sàng. Trong quá trình tư vấn, hướng dẫn học sinh đăng ký chọn môn học, nhà trường không chỉ quan tâm đến nguyện vọng, mà còn lưu ý học sinh về sở trường và định hướng nghề nghiệp.
Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chương Mỹ A (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Hồng Quang, nhà trường xây dựng các nhóm môn học theo khối thi đại học. Nhà trường đang hướng dẫn học sinh đăng ký lựa chọn nhóm môn học và sẽ chốt danh sách vào tháng 8 tới. Chủ trương của trường là xây dựng kế hoạch giáo dục các môn học, vừa bảo đảm tính khoa học, sư phạm, vừa không gây áp lực với học sinh.
Nhằm giải quyết hiện tượng thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) Hà Xuân Nhâm cho rằng, cần sự tham gia của nhiều sở, ban, ngành. Các trường cần chủ động đề xuất, thực hiện các giải pháp phù hợp, tháo gỡ khó khăn trước mắt, ưu tiên nguồn nhân lực hiện có để tổ chức dạy học hiệu quả. Căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường xây dựng các nhóm môn học bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế, cố gắng đáp ứng ngày càng nhiều nguyện vọng của học sinh. Sở luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, kịp thời tháo gỡ khó khăn với các nhà trường trong quá trình chuẩn bị, tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ngày đăng: 10:09 | 22/07/2022
THỐNG NHẤT / HNM.com.vn