Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm viêm gan “bí ẩn”, nhưng nguy cơ bệnh xâm nhập hoàn toàn có thể xảy ra. Viêm gan “bí ẩn” có đáng sợ không, phòng, chống và ứng phó như thế nào khi bệnh đến Việt Nam? Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, bác sĩ (BS) Chuyên khoa 2 Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xung quanh vấn đề này.

Đến nay, WHO xác định có ít nhất 348 trẻ mắc viêm gan “bí ẩn” tại 23 quốc gia, bệnh đã xuất hiện ở Đông Nam Á, tại nước láng giềng Indonesia đã ghi nhận 5 ca tử vong. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu nguyên nhân gây viêm gan “bí ẩn”, tuy nhiên, các xét nghiệm trong tuần qua xác nhận khoảng 70% số ca mắc dương tính với Adeno virus, cụ thể là chủng phụ 41, liên quan đến chứng viêm dạ dày ruột.

Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm viêm gan “bí ẩn”, nhưng nguy cơ bệnh xâm nhập hoàn toàn có thể xảy ra. Viêm gan “bí ẩn” có đáng sợ không, phòng, chống và ứng phó như thế nào khi bệnh đến Việt Nam? Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, bác sĩ (BS) Chuyên khoa 2 Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xung quanh vấn đề này.

Sẵn sàng phương án điều trị khi bệnh viêm gan “bí ẩn” vào Việt Nam -0
BS Nguyễn Trung Cấp.

Phóng viên (PV): Xin bác sĩ giải thích rõ hơn về bệnh viêm gan “bí ẩn” đang xuất hiện trên thế giới?

BS. Nguyễn Trung Cấp: Sự xuất hiện của chùm ca bệnh viêm gan ở trẻ em gần đây đang trở thành một mối lo ngại và nhận được sự quan tâm rất lớn từ giới chuyên môn. Tới nay đã có trên 300 trẻ mắc bệnh viêm gan cấp tính tại 23 quốc gia nhưng nguyên nhân, dịch tễ, nguồn lây và đường lây của bệnh thực sự chưa rõ ràng. Các thông tin về bệnh mới chỉ là những ghi nhận y khoa trên những bệnh nhi mắc bệnh, chưa có đủ dữ liệu để phân tích hệ thống.

Hiện có rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân gây bệnh được đưa ra. Giả thuyết có khả năng nhất cho là liên quan đến Adenovirus, nhưng vẫn chưa loại trừ căn nguyên virus khác, hoặc thậm chí là loại virus mới. Các xét nghiệm trong tuần qua xác nhận khoảng 70% số ca mắc dương tính với Adeno virus, cụ thể là chủng phụ 41, liên quan đến chứng viêm dạ dày ruột. Cơ chế bệnh sinh cũng chưa rõ ràng, để có kết luận chính xác, Tổ chức Y tế thế giới và các nhà chuyên môn đang nỗ lực tìm nguyên nhân.

PV: Vậy, virus Adeno có đáng sợ không, thưa bác sĩ?

BS. Nguyễn Trung Cấp: Họ Virus Adeno không mới, được phát hiện từ năm 1953, nó có 57 type với 7 loài. Chúng có thể gây nhiều bệnh lý ở người như viêm đường hô hấp cấp tính, viêm kết mạc, viêm dạ dày ruột, hay viêm bang quang. Về mức độ phổ biến, các trường hợp viêm đường hô hấp, viêm phế quản ở người lớn do Adenio virus chỉ đứng sau cúm, tổn thương dạ dày, ruột do Adeno virus ở trẻ em cũng chỉ sau Rota virus. Các rối loạn tiêu hoá thường gặp ở trẻ nhỏ do Adeno bao gồm sốt nhẹ, tiêu chảy, nôn, buồn nôn, mệt mỏi và thường tự hồi phục.

Chủng Adeno virus tìm thấy ở những trẻ mắc bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân là type 41. Đây là chủng virus thường gây bệnh đường ruột ở trẻ em như đau bụng, nôn, tiêu chảy. Trước đây cũng có ghi nhận một số trường hợp virus Adeno gây tổn thương gan, tuy nhiên các trường hợp này rất hiếm, chỉ xảy ra ở những bệnh nhi có suy giảm miễn dịch hoặc có cơ địa đặc biệt.

Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh châu Âu cho biết hiện nguyên nhân chính xác gây viêm gan ở những bệnh nhi này vẫn chưa được tìm ra và các cuộc điều tra đang được diễn ra. Tuy nhiên, các trường hợp mắc xảy ra tại những nơi lưu hành cao virus Adeno.

Theo nghiên cứu của WHO, CDC Mỹ ở nhóm trẻ viêm gan cấp tính chữa rõ nguyên nhân, các ca bệnh thường trong độ tuổi từ 0 – 16 tuổi. Tuy nhiên, nhóm trẻ mắc bệnh nhiều hơn là nhóm dưới 10 tuổi. Viêm gan không rõ nguyên nhân đang tăng nhanh số ca mắc và số ca nhập viện. Theo báo cáo của WHO, đến nay có ít nhất 9 trẻ tử vong; phần lớn trẻ mắc phải nhập viện nhưng hầu hết phục hồi hoàn toàn, một số trường hợp phải chuyển nặng, gần 10% phải ghép gan, trong đó tại Mỹ con số này là 14%.

PV: Nhiều phụ huynh thấy con nôn, tiêu chảy đã lo lắng cho đi xét nghiệm men gan. Điều này có cần thiết hay không, thưa bác sĩ?

BS. Nguyễn Trung Cấp: Từ những thống kê các ca bệnh đã được ghi nhận thời gian qua, triệu chứng khởi phát của trẻ em khi mắc bệnh viêm gan “bí ẩn” là tình trạng sốt nhẹ, nôn, tiêu chảy, tổn thương gan và sau đó nhanh chóng diễn biến thành suy gan. Biểu hiện sớm của tình trạng suy gan là chán ăn, mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, đi tiểu sẫm màu. Trường hợp nặng hơn có thể xảy ra tình trạng lơ mơ hoặc hôn mê. Các xét nghiệm có thể cung cấp các chỉ số phản ánh sớm tình trạng tổn thương tế bào gan như tăng men gan hay suy giảm các chức năng của gan.

Tình trạng sốt nhẹ, nôn, tiêu chảy có thể do nhiều căn nguyên khác nhau gây ra, trong đó có cả những nguyên nhân nguy hiểm cần cấp cứu ngay như xoắn ruột, lồng ruột hay tả, lỵ. Vì thế khi trẻ xuất hiện các triệu nôn, đau bụng, tiêu chảy nhiều, cha mẹ cần theo dõi sát và đưa đến cơ sở y tế khám để xác định nguyên nhân và được hướng dẫn điều trị. Trong trường hợp có yếu tố hướng tới tình trạng tổn thương gan, các thầy thuốc sẽ chỉ định làm các xét nghiệm, thăm dò chức năng cần thiết để đánh giá bệnh nhân có tổn thương gan hay không.

Nếu con trẻ có nôn sốt nhẹ, tiêu chảy, các bậc phụ huynh không nên quá hoang mang, cần bình tĩnh và lưu ý đánh giá mức độ trầm trọng của tình trạng nôn, tiêu chảy ở trẻ và theo dõi sát các dấu hiệu chán ăn, hay quấy khóc, mệt lờ đờ bỏ chơi để đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám kịp thời. Các xét nghiệm men gan để sàng lọc chỉ cần thực hiện ở các đối tượng có yếu tố khiến thầy thuốc thấy cần chỉ định; không phải trẻ nào tiêu chảy, nôn cũng phải thực hiện đồng loạt xét nghiệm men gan, chức năng gan vì không cần thiết, gây tốn kém.

PV: Đường lây của viêm gan “bí ẩn” này là gì, thưa bác sĩ?

BS. Nguyễn Trung Cấp: Trong quá khứ chúng ta từng ghi nhận các loại virus gây viêm gan gồm A, B, C, D và E, trong đó một số virus viêm gan lây qua đường máu và sinh hoạt tình dục gồm nhóm B, C và D. Số khác lây qua đường tiêu hóa như virus viêm gan A và E.

Do chưa thể biết virus nào gây tình trạng viêm gan “lạ” này nên chúng ta chưa thể khẳng định được đường lây nhiễm của căn bệnh này là gì. Nếu như lây truyền qua đường tiêu hóa thì thường tốc độ lây truyền chậm hơn. Nếu lây qua đường hô hấp, virus có thể  lây truyền nhanh và tạo ra tình trạng lan rộng dễ dàng hơn. Trong trường hợp nếu nguyên nhân gây ra tình trạng viêm gan bí ẩn là Adeno virus thì có thể lây lan qua đường hô hấp hoặc tiêu hóa, qua tiếp xúc tắm tại các bể nước có ô nhiễm. Chúng ta không loại trừ lúc nào đó dịch bệnh viêm gan “lạ” đó lây sang Việt Nam. Do đó, các cháu nhỏ có khởi phát sốt, nôn, tiêu chảy, sau đó có diễn tiến tiếp tổn thương gan, chán ăn, mệt mỏi, vàng da, đi tiểu sẫm màu cần đưa tới cơ sở y tế đánh giá chức năng gan xem tổn thương không?

PV: Bác sĩ có khuyến cáo gì cho các bậc cha mẹ về biện pháp phòng bệnh?

BS. Nguyễn Trung Cấp: Trong khi chờ các kết quả nghiên cứu khẳng định nguyên nhân gây bệnh, đường lây truyền, các bậc phụ huynh cần lưu ý tuân thủ các nguyên tắc thực hiện vệ sinh cá nhân có thể là nguồn lây bệnh cho trẻ như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường, che miệng khi hắt hơi; thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn đồ sống, vệ sinh đồ dùng cá nhân; đảm bảo nguồn nước sạch và xử lý tốt chất thải của bệnh nhân, vì đó có thể là đường lây truyền. Tại trường học cũng cần lưu ý phòng bệnh cho trẻ như đảm bảo vệ sinh, dùng riêng đồ dùng cá nhân, lau chùi thường xuyên các vật dụng, bề mặt tiếp xúc, đồ chơi...

PV: Để phòng viêm gan “bí ẩn” vào nước ta, Việt Nam phải triển khai những biện pháp gì để phòng dịch, thưa bác sĩ?

BS.Nguyễn Trung Cấp: May mắn đến nay Việt Nam chưa xuất hiện chùm ca bệnh, nhưng ở một thời điểm nào đó, khả năng virus gây ra căn bệnh viêm gan này sẽ xuất hiện ở Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam vẫn phải luôn cảnh giác với tình hình dịch cũng như cập nhật các ca bệnh liên quan trên thế giới.

Kể từ khi WHO thông báo về căn bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân, ngành y tế luôn luôn theo dõi sát tình hình thế giới. Bộ Y tế đã liên tục có văn bản gửi các đơn vị liên quan về tăng cường giám sát, kịp thời triển khai các biện pháp phòng dịch, phân tích dịch tễ, lấy mẫu mẫu và xét nghiệm các trường hợp bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em. Bộ cũng đề nghị Sở Y tế các địa phương báo cáo ngay những trường hợp bất thường, đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng, chống tại Việt Nam nhằm hạn chế tối đa số trẻ mắc bệnh và tử vong. Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế trao đổi, cập nhật thông tin với WHO về căn bệnh này để chủ động có kế hoạch ứng phó, chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị phòng ngừa, điều trị.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chúng tôi cũng luôn theo dõi sát tình hình diễn biến trên thế giới và trong nước, và tuân thủ các chỉ đạo của Bộ Y tế. Nếu Tổ chức Y tế thế giới hay hệ thống y tế các nước khác xác định được loại virus nào là căn nguyên gây bệnh thì chúng tôi cũng sẽ nhanh chóng phối hợp và để triển khai việc xác định virus đó ở Việt Nam.

Trong những ngày qua, các bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có những biểu hiện của sốt, nôn, tiêu chảy đều được theo dõi kỹ, xác định xem có tổn thương gan không? Nếu bệnh nhi được cho về điều trị ngoại trú sẽ tiếp tục theo dõi tiếp có tổn thương gan hay không. Nếu có trường hợp nghi ngờ, chúng tôi sẽ phối hợp với các chuyên gia dịch tễ để phát hiện được sớm ngay từ những ca đầu.

Chúng tôi cũng theo sát các hướng điều trị của các đồng nghiệp ở những nước đã có bệnh nhân để học hỏi kinh nghiệm. Quan trọng nhất hiện nay là tăng cường giám sát, phát hiện sớm để điều trị sớm, hạn chế đến mức thấp nhất tổn thương mà bệnh mang lại cho trẻ. Và phải chuẩn bị sẵn sàng về điều kiện kỹ thuật để nếu trong trường hợp xấu nhất bệnh nhân phải ghép gan, thì chúng ta có thể đáp ứng kịp thời. Ngay cả phương án hỗ trợ tuyến dưới về mặt chuyên môn cũng được chúng tôi tính đến.

Điều quan trọng là các bậc cha mẹ chú ý theo dõi con, đặc biệt là trẻ có bệnh lý chuyển hóa, có viêm gan B, C sẵn, nếu gặp virus này sẽ nguy hiểm hơn. Vì thế, cần phải phát hiện sớm triệu chứng đưa trẻ tới cơ sở y tế, can thiệp kịp thời cho gan không bị tổn thương thêm.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

https://cand.com.vn/y-te/san-sang-phuong-an-dieu-tri-khi-benh-viem-gan-bi-an-vao-viet-nam-i653694/

Ngày đăng: 07:53 | 15/05/2022

Trần Hằng (thực hiện) / cand.com.vn