Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng vừa ký báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về công tác chuẩn bị và kế hoạch triển khai xây dựng, hình thành Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc (gọi tắt là đặc khu Phú Quốc), tỉnh Kiên Giang.

UBND tỉnh Kiên Giang khẳng định các bước chuẩn bị đã sẵn sàng, chỉ chờ sau khi Quốc hội thông qua luật và nghị quyết thành lập đặc khu thì tỉnh sẽ triển khai ngay. Đến nay, về hạ tầng giao thông, tỉnh đã phối hợp với Tổng Công ty Cảng hàng không Miền Nam hoàn thành việc nâng công suất của nhà ga sân bay quốc tế Phú Quốc, đáp ứng khoảng 5 triệu lượt khách/năm; phối hợp với nhà đầu tư BOT dự án cảng hành khách quốc tế Dương Đông hoàn thiện các thủ tục pháp lý để mở cảng và đăng ký thủ tục hàng hải quốc tế, đáp ứng cho các tàu du lịch quốc tế trọng tải lớn cập cảng. Bên cạnh đó, tỉnh đang phối hợp với Tổng Công ty Điện lực Miền Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện đường dây 220 KV thứ 2 vượt biển để cấp điện cho Phú Quốc. Các dự án xây dựng hồ và nhà máy cấp nước cũng đang được gấp rút triển khai, dự kiến hoàn thành trước năm 2020.

san sang cho dac khu phu quoc

Sân bay quốc tế Phú Quốc sẽ được nâng công suất lên 5 triệu lượt khách/năm Ảnh: HOÀNG TUẤN

Về các dự án tạo động lực, đến nay dự án cáp treo vượt biển dài nhất thế giới đã được đưa vào hoạt động giai đoạn 1. Dự kiến trong quý 2 này, tổ hợp casino Phú Quốc sẽ hoàn tất các thủ tục theo quy định. Khi dự án này hoàn thành sẽ mang lại cho Phú Quốc một diện mạo mới đối với khu vực và cả thế giới.

Cũng tại báo cáo này, tỉnh Kiên Giang cho biết đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong công tác chuẩn bị. Cụ thể, trong Đề án về tổ chức bộ máy chính, việc thiết kế cơ cấu tổ chức bộ máy khối Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và khối các cơ quan ngành dọc do trung ương đóng trên địa bàn hiện gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương. Trên cơ sở này, UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị cơ quan thẩm quyền sớm có hướng dẫn cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy khối Đảng, đoàn thể, MTTQ và các ngành dọc do trung ương đóng trên địa bàn nhằm bảo đảm tính pháp lý, đồng bộ khi triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, cần có văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn, tiêu chí cho các chức danh chủ chốt của bộ máy đặc khu. Tỉnh cũng kiến nghị tăng thêm một cấp phó (không quá 3 cấp phó) ở cấp đặc khu, các cơ quan trực thuộc đặc khu và khu hành chính để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Đối với chính sách thu hồi đất, hiện nay, theo dự thảo luật thì có 8 trường hợp mà chủ tịch UBND đặc khu quyết định thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Như vậy, có thể hiểu các trường hợp còn lại nhà đầu tư phải tự thỏa thuận bồi thường hoặc phải tự bảo đảm có quyền sử dụng đất hợp pháp thì mới thực hiện được dự án. Để tránh gây vướng mắc, xáo trộn trong thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và triển khai các dự án, UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị bổ sung trường hợp chủ tịch UBND đặc khu quyết định thu hồi đất tại đặc khu.

san sang cho dac khu phu quoc Kiên Giang muốn thêm quyền cho Chủ tịch đặc khu Phú Quốc

Tỉnh Kiên Giang cho rằng dự thảo luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã hạn chế quyền của chủ tịch đặc ...

san sang cho dac khu phu quoc Bí thư Nguyễn Thanh Nghị: Lên phương án nhân sự đặc khu Phú Quốc

Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị cho biết, để chuẩn bị cho đặc khu Phú Quốc đi vào hoạt động sau khi ...

Công Tuấn

Ngày đăng: 16:30 | 21/04/2018

/ https://nld.com.vn