Các tòa nhà xây dựng 30 năm trước ở lõi trung tâm vẫn hút khách thuê mở văn phòng, bán cà phê, ẩm thực, thời trang.
Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam vừa công bố báo cáo về xu hướng thuê các tòa nhà cũ có kiến trúc cổ để cải tạo và kinh doanh tại TP HCM đang ngày càng thịnh hành. Nhiều tòa nhà tưởng chừng đã trở nên lỗi thời vì tuổi đời trên 30 năm, chất lượng công trình xuống cấp, nhưng vẫn được nâng cấp và tái sử dụng, việc kinh doanh rất hút khách.
JLL cho biết, xu hướng này diễn ra trong bối cảnh thị trường bất động sản văn phòng và thương mại khan hiếm nguồn cung ở khu trung tâm hiện hữu (quận 1 hoặc kế cận quận 1). Sự thiếu hụt mặt bằng vị trí trung tâm đô thị khiến cho các nhà đầu tư để mắt đến những tòa nhà cũ nhưng có vị trí đắc địa, như một giải pháp thay thế.
Các tòa chung cư lâu đời có vị trí tiếp giáp mặt tiền đường sầm uất như Nguyễn Huệ, Tôn Thất Thiệp, Tôn Thất Đạm, Lý Tự Trọng... tại quận 1, TP HCM luôn có lưu lượng người qua lại ổn định và thu hút giới trẻ, nhân viên văn phòng. Những tòa chung cư này hiện không có nhiều hộ sinh sống, thay vào đó là các khách thuê mặt bằng tận dụng vị trí trung tâm đắc địa để kinh doanh.
Mặt bằng tại các tòa nhà này nở rộ hàng loạt các tiệm cà phê và quán ăn có phong cách trang trí tối giản, hoài cổ. Những bậc cầu thang khúc quanh chật hẹp nhưng cổ kính được kinh doanh nhiều cửa hàng quần áo nhỏ bên trong đã thu hút khách trong nước lẫn quốc tế đến trải nghiệm và mua sắm.
Tòa nhà cũ trên một tuyến đường trung tâm quận 1 hút khách thuê kinh doanh. Ảnh: Phương Đông |
Các doanh nghiệp phi bán lẻ cũng không đứng ngoài làn sóng săn tìm tòa nhà cũ. Văn phòng chia sẻ Toong đã thành công trong việc thay đổi nhiều không gian chưa được sử dụng trong các tòa nhà cũ, mang hơi thở hiện đại và truyền thống vào nơi làm việc tại đường Nguyễn Thị Minh Khai và sắp tới là Hàm Nghi. Các tòa nhà cũ này đang có sự hiện diện của nhiều công ty khởi nghiệp và có không ít khách thuê mở những quán ăn hoài cổ phục vụ thế hệ trẻ.
Trưởng bộ phận Marketing JLL Việt Nam, Xuân Phạm cho biết, các thành phố lớn của Việt Nam, đặc biệt là TP HCM, sở hữu số lượng khá lớn những tòa nhà di sản, và những con hẻm lớn có mật độ lưu thông tốt. Nhóm khách thuê săn lùng các tòa nhà cũ này trên thực tế phải bỏ ra chi phí tương đương với các tòa nhà mới khi dọn về đây kinh doanh. Lý do là họ vừa phải trả tiền thuê mặt bằng, đồng thời còn phải bỏ thêm khoản chi phí không nhỏ để cải tạo lại, gia cố công trình cũ.
Nhờ vào xu hướng hoài cổ của giới trẻ, các công trình xưa cũ của TP HCM đang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ nhờ cải tạo lại thay vì phải dỡ bỏ để xây dựng một tòa nhà mới. Thế nhưng không phải tòa nhà cũ nào cũng được tái cấu trúc thành công. Vị trí tốt là yếu tố tiên quyết cho sự thành công của mô hình này ngay cả khi công năng ban đầu của tòa nhà không còn phù hợp với nhu cầu hiện tại.
Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn là điều không thể thiếu cho các nhà đầu tư muốn tham gia vào phân khúc này, JLL khuyến cáo. Nhiều tòa nhà cũ đang dần xuống cấp, bị hư hỏng các hệ thống, và ẩm thấp. Sự vắng bóng của ban quản lý tòa nhà và bất kỳ thiếu hụt thiết bị về phòng cháy chữa cháy đều đe dọa an toàn cho người sử dụng. Đơn vị này khuyên các nhà đầu tư cần phải xem xét các vấn đề an toàn cho tòa nhà một cách nghiêm túc trước khi tái vận hành.
Vũ Lê
Ông Nguyễn Đức Chung: "Để đảm bảo kỷ cương thì đập cả tòa nhà Lê Trực cũng phải đập"
Cho rằng nhà 8B Lê Trực sai phạm từ móng, Chủ tịch Hà Nội đã chuyển hồ sơ dự án sang cơ quan công an. |
Tòa nhà 5 tầng trên phố Hà Nội bốc cháy ngùn ngụt lúc sáng sớm
Lực lượng chức năng quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đang khẩn trương dập tắt đắm cháy lớn tại tòa nhà 5 tầng trên phố ... |
Nhiều tòa nhà đang thi công ở rừng Sóc Sơn, chính quyền nói 'là nhà tạm'
Các tòa nhà ở rừng Sóc Sơn (Hà Nội) vẫn được xây dựng, nằm sâu trong núi, ẩn dưới tán cây, lãnh đạo xã cho ... |
Ngày đăng: 10:31 | 01/10/2019
/ vnexpress.net