TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng có đủ yếu tố để khởi tố những sai phạm tại các dự án BOT của Bộ GTVT.

Buổi tọa đàm khoa học "Các dự án BOT – Chính sách và giải pháp" được tổ chức sáng nay với góp kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về tình trạng đầu tư BOT ở Việt Nam.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH dẫn kết luận của Thanh tra Chính phủ khi đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) trong lĩnh vực giao thông, môi trường tại Bộ GTVT.

TS Nguyễn Sĩ Dũng

Kết luận nêu, Bộ GTVT còn coi nặng tiêu chí hoàn vốn dự án, thiếu nghiên cứu hợp lý về khả năng nộp phí của người tham gia giao thông.

Thời gian gần đây, trên cả nước có nhiều trạm BOT bị người dân phản ứng gay gắt, TS Dũng chỉ ra nguyên nhân do khi đầu tư BOT người dân và các doanh nghiệp vận tải - hai đối tượng lớn nhất bị chủ đầu tư và cơ quan NN phớt lờ. Họ không được tham vấn ý kiến.

Hơn nữa, phần lớn dự án đầu tư theo hình thức BOT là cải tạo nâng cấp tuyến đường cũ, từ đó dẫn đến tình trạng gia tăng, dồn tích phương tiện giao thông, việc phê duyệt chi phí giải phóng mặt bằng không sát, sai lệch lớn so với thực tế.

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, Thanh tra Chính phủ nên chỉ rõ những sai sót ở một số dự án BOT của Bộ GTVT, các cơ quan điều tra cũng cần chủ động.

"Với những sai phạm mà Thanh tra Chính phủ công bố về các dự án BOT, BT có thể đề nghị khởi tố theo quy định của pháp luật" - ông Dũng đề xuất.

Tài xế trả tiền lẻ qua trạm thu phí

Người dân phản ứng các trạm BOT là đúng

TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế TƯ cho biết, BOT dùng vốn xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng, song ở nước ta toàn bộ quá trình đó được bảo mật, không cho người dân giám sát, cũng không có sự giám sát trực tiếp của Quốc hội hay Hội đồng nhân dân.

Trạm BOT bất hợp lý tác động không nhỏ đến DN, người tiêu dùng và người nghèo. Chúng tôi sẽ kiến nghị lên Chính phủ giám sát, rà soát lại các dự án BOT cũng như việc thực hiện đấu thầu các dự án này”, ông Doanh cho hay.

Đối với trạm thu phí số 1 trên QL 5, ông Doanh đặt vấn đề: "Dự án này vay vốn của Ngân hàng Thế giới để xây dựng, người dân đã đóng chi phí xăng dầu, đường bộ, vậy tại sao lại thu phí ở tuyến quốc lộ này.

Người dân ở QL 5, buổi sáng đưa con đi học chẳng nhẽ lại thu phí BOT thì không ai chấp nhận cả. Đây là vấn đề về kinh tế, cạnh tranh quốc tế, vấn đề của xã hội cho nên cần nhận thức đúng”.

Buổi tọa đàm sáng nay

Ông Nguyễn Nam Cường - nguyên Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Lào nêu quan điểm, người dân phản ứng tại các trạm BOT Cai Lậy, QL 5 là đúng. Bởi họ đã nộp phí bảo trì đường bộ và cũng không biết sẽ bị thu phí đến bao giờ.

Ông dẫn chứng ở nước Lào không có trạm BOT giao thông bởi lưu lượng giao thông không đáng thu. Nhà nước bỏ ra toàn bộ kinh phí để xây các công trình giao thông và không lập trạm thu phí.

"Tại vùng Đông Bắc Thái Lan, cả 18 tỉnh thuộc khu vực này không có trạm BOT nào dù chất lượng đường giao thông nước này rất tốt. Thỉnh thoảng họ bảo dưỡng, sửa chữa nhưng không thu" - lời ông Cường.

Theo TS Dũng: Người dân không đi trên đường BOT thì không thể thu phí và không thể đường tránh một chỗ, đặt trạm thu phí chỗ khác. Trạm BOT ở đó nhưng người dân sống xung quanh đó không đi trên đường anh làm mà mỗi lần người ta đi qua, anh thu tiền của người ta, tức là anh đang "cân điêu".

(http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-toan-giao-thong/sai-pham-tai-nhung-du-an-bot-co-the-khoi-to-397664.html)

Ngày đăng: 08:02 | 09/09/2017

/ Theo Trần Hường/Báo VietNamnet.vn