'Tôi đã báo cáo Ủy ban kiểm tra TƯ về cách làm không đúng, áp đặt... của Thành ủy Đà Nẵng' - ông Nguyễn Điểu.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận những sai phạm của ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng là nghiêm trọng đến mức phải thi hành kỷ luật.

Ông Nguyễn Xuân Anh với những phát ngôn để đời

Trong nhiều sai phạm được chỉ ra có nội dung kết luận, ông Xuân Anh khi xem xét, quyết định luân chuyển, bổ nhiệm một số cán bộ đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, có biểu hiện áp đặt gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự mất đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ Thành ủy.

Trường hợp điều động ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Đà Nẵng từng gây nhiều dư luận.

Ông Điểu từ một Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường bị điều sang làm Phó Ban Tổ chức Thành ủy, Phó Ban Công nghệ cao. Thời điểm đề xuất, ông Điểu cũng chỉ còn chưa đầy 2 năm nữa là về hưu.

Nói với Đất Việt, ông Điểu cho biết, ông rất bức xúc và đã phản ứng quyết liệt, thà chấp nhận nghỉ việc chứ không chịu chuyển sang một lĩnh vực mới mà ông hoàn toàn không được học, không biết gì.

"Việc này sau đó cũng được tôi báo cáo lại với Ủy ban Kiểm tra Trung ương về cách làm không đúng quy định, mang tính áp đặt, có nhiều dấu hiệu cá nhân của Thành ủy Đà Nẵng", ông Điểu nói.

Ông Điểu cho biết, nếu theo đúng lộ trình thời gian công tác của ông còn đến tháng 2/2018, ông sẽ về hưu đúng tuổi quy định.

Tuy nhiên, khoảng tháng 6/2016, Ban Thường vụ Thành ủy điều động ông sang làm Phó Ban Tổ chức Thành ủy, Phó Ban Công nghệ cao...

"Họ đã sắp xếp cho tôi một vị trí không đúng, không hợp lý, nên tôi không đồng ý. Đó là vị trí mà tôi chưa được học bao giờ, chưa được làm bao giờ thì làm sao tôi nhận được.

Đối với tôi, bắt tôi phải làm một công việc tôi không có chuyên môn, trái ngành nghề là rất tàn nhẫn, mất tính nhân văn và sai nguyên tắc", ông Điểu chia sẻ.

Ông Điểu bức xúc nói tiếp, thành phố Đà Nẵng những năm gần đây có rất nhiều vấn đề phức tạp, nhất là trong công tác quy hoạch xây dựng, bảo vệ môi trường. Do đó, UBND thành phố rất mực bảo vệ và mong muốn giữ một người có thâm niên, có kinh nghiệm như ông ở lại tiếp tục làm việc.

Tuy nhiên, vì lo ngại điều gì đó nên quyết định cho ông nghỉ việc vẫn được đưa ra.

"Trước quyết định của Thường vụ Thành ủy, tôi đã xin nghỉ việc từ tháng 7/2016. Thành ủy sau đó đã chấp nhận và cho tôi nghỉ việc tại chỗ.

Như vậy, tôi đã được giải quyết cho nghỉ việc sớm hơn 19 tháng so với tuổi nghỉ hưu nhưng tôi vẫn được hưởng lương như một Giám đốc đương chức.

Hàng ngày tôi vẫn phải đi lại, đến cơ quan, tham gia họp hoặc khi có việc tôi vẫn tham gia giải quyết. Rất là lãng phí", ông Điểu kể.

Cùng với ông Điểu, hàng loạt những vụ việc điều động, luân chuyển cán bộ khác gây bức xúc cũng nhanh chóng diễn ra.

Cụ thể là, sau khi ông Điểu được cho nghỉ việc, ông Lê Quang Nam, người vừa được điều động giữ chức Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ chưa được 7 tháng lại tiếp tục được điều sang giữ chức giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Trường hợp tiếp là ông Lê Minh Trung, từ Bí thư Quận ủy Thanh Khê, về làm Hiệu trưởng Trường Chính trị. Quyết định trên cũng khiến dư luận bàn ra, tán vào, xót xa cho một bí thư năng nổ, nhiệt tình nhưng được quy hoạch về Trường Chính trị.

Đặc biệt, vụ điều chuyển Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng, từ một người có trình độ chuyên môn là tiến sĩ Kỹ thuật, thạc sĩ ngành Thủy lợi, kỹ sư ngành Đường ô tô và đã từng đảm nhiệm Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Đà Nẵng rồi Bí thư Quận ủy Hải Châu nên giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng.

"Việc điều chuyển này cũng khiến nhiều người bức xúc, không hài lòng. Một người có chuyên môn kỹ thuật giỏi lại đưa về lĩnh vực tuyên giáo tuyên truyền, rất lãng phí", ông Điểu nói.

Cùng với ông Điểu, còn nhiều trường hợp khác cũng bị điều động, luân chuyển chóng vánh như: Ông Hồ Kỳ Minh - từng là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ nhiệm kỳ 2011-2016 sang giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP.

Ông Võ Ngọc Đồng đang giữ chức Chánh Văn phòng Thành ủy cũng được cho nghỉ việc để nhận nhiệm vụ mới là Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa; ông Đào Tấn Bằng thôi giữ chức Bí thư Quận ủy quận Ngũ Hành Sơn để giữ chức Chánh Văn phòng Thành ủy.

Ngoài ra, cũng khoảng thời gian này, Đà Nẵng công bố quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều nhân sự tại các sở, ban, ngành và địa phương khác.

Bắt đầu từ ngày 16/10/2015, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng khóa 21 tại cuộc họp phiên thứ nhất đã bầu ông Nguyễn Xuân Anh giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020.

Chỉ sau khi ông Anh nhậm chức vài tháng, sự thay đổi về nhân sự của Đà Nẵng bắt đầu diễn ra nhanh.

Liên quan tới những sai phạm của ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương còn chỉ ra ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm.

Thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 02 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định một số vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Xuân Anh là nghiêm trọng, phải xử lý kỷ luật.

(http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/sai-pham-cua-bi-thu-nguyen-xuan-anh-rat-buc-xuc-3343433/)

Nên truy hết các loại bằng cấp “dỏm”

Sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố về sai phạm của Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, riêng việc kê khai ...

Văn bằng do trường nước ngoài cấp như thế nào thì được Bộ GD-ĐT công nhận?

Dư luận hiện đang quan tâm thông tin bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Xuân Anh do trường nước ngoài cấp nhưng không được Bộ GD-ĐT ...

Những phát ngôn ấn tượng của Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh

Là một trong những Bí thư Thành ủy trẻ nhất nước, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã có những phát ...

Ngày đăng: 10:55 | 20/09/2017

/ Theo Hoài An/Báo Đất việt