Công Phượng của đội tuyển Việt Nam với lối chơi hoa mỹ được tung hô nhưng cũng có thể nhận về vô số chửi rủa, chế nhạo.
Sau chức vô địch AFF Cup 2018, toàn đội tuyển lại được triệu tập sau chỉ bốn ngày nghỉ, lúc đó họ là tâm điểm của mọi sự chú ý, chưa bao giờ người ta yêu thương và dõi theo các cầu thủ nhiều đến vậy.
Và trong ngày hội quân đấy, người tạo ra sự chú ý của mọi sự chú ý, như thường lệ, Công Phượng. Cậu ta thực sự có tài trong việc khiến mọi ánh mắt đổ về phía mình, dù không phải theo cách của nàng công chúa lộng lẫy trong đêm dạ hội.
Xuất hiện với mái tóc khiến người ta liên tưởng tới cái nùi cọ nồi, và khi nó kết hợp với gương mặt cậu ấy thì không khác gì một bà cụ của một gia đình bình dân đang ngồi muối kim chi và tám chuyện với các bạn đồng niên, cảnh xuất hiện gần như trong mọi bộ phim truyền hình Hàn Quốc.
Công Phượng gây chú ý ở Asian Cup với kiểu tóc xù. |
Và nó đã thực sự thành trend rất hot, dĩ nhiên không phải như khi David Beckham thay mốt và cả thế giới học theo; mái tóc của Phượng thành niềm cảm hứng cho hàng ngàn bức ảnh chế. Và chuyện như thế, đối với Phượng là vô số.
Cũng vậy, ở trên sân cỏ, Công Phượng luôn là tâm điểm khi xuất hiện. Lần đầu tiên cậu ấy tạo ra cơn chấn động là khi đi bóng qua sáu cầu thủ Australia và ghi bàn trong một giải đấu của lứa U-19 năm 2014. Hình ảnh một một cậu trai bé nhỏ đùa giỡn với những gã to lớn lực lưỡng, mang tính biểu trưng và hình tượng rất cao. Nó tạo ra sự phấn khích, truyền đi niềm cảm hứng, và khi đó Phượng là đại diện cho thứ bóng đá hoa mỹ nhất.
Dĩ nhiên rồi con trai, câu chuyện luôn được tiếp tục bằng chữ nhưng, thời gian sau đó, đi kèm với thất bại của các cấp độ đội tuyển, Phượng bị chỉ trích nặng nề vì chính lối chơi của mình. Hoa mỹ lúc này được diễn đạt thành rườm rà, cá nhân và tăm tối.
Chưa hết, nghi vấn gian lận tuổi tác, lùm xùm tình ái với một cô ca sĩ, cùng nhiều phiền phức khác đến từ sự tấn công của truyền thông, Phượng từ chỗ là biểu tượng lại trở thành ví dụ cho thành ngữ lắm tài nhiều tật. Nặng nề hơn thì "mới võ vẽ được vài đường, chưa gì đã ...", câu nói được bỏ lửng như thể đoán chắc người nghe ai cũng hiểu.
Khởi đầu của người hùng luôn như vậy, họ làm quen với thất bại, hoài nghi và ruồng bỏ để cuối cùng quay lại mạnh mẽ và kiêu hãnh hơn. Phượng cũng có một cái kết có hậu tương tự.
Bốn năm trôi qua, bỏ qua chuyện tình ồn ào... Phượng lại lên đường. Và vinh quang đã đợi để chào đón cậu ấy. Khá long trọng.
Vẫn là cách chơi bóng dựa nhiều vào kỹ thuật cá nhân, nhưng Phượng lúc này gọn gàng hơn, hiệu quả hơn. Và dù phải thường xuyên nhường vị trí xuất phát cho những cái tên có khả năng tổ chức tốt hơn, xây dựng lối chơi tốt hơn như Quang Hải, Văn Đức, nhưng Phượng luôn biết cách chứng tỏ giá trị bằng những bàn thắng quý giá.
Công Phượng ghi bàn góp phần giúp Việt Nam thắng Jordan, vào tứ kết Asian Cup 2019.
Điều duy nhất không thay đổi, con trai, mỗi người khi đi qua thăng giáng cuộc đời đều luôn có một thứ phẩm vị không bao giờ thay đổi, nó làm nên lõi giá trị của người đấy. Đối với Phượng thì đó là khả năng tạo ra cảm xúc và sự phấn khích, cho dù đó là một pha bóng lỗi. Phượng có tư chất thực sự của một người nghệ sĩ.
Cậu ấy đưa người ta lên, cậu ấy kéo người ta xuống. Những pha đảo bóng như là chiếc gậy của người nhạc trưởng làm nên bản nhạc của cảm xúc lúc cao vút, khi trầm lắng. Ngày đó, sau vài lần đi bóng loại bỏ hàng hậu vệ, khiến những trái tim trên khán đài, trước màn hình rộn ràng đập mạnh, chờ đợi để vỡ òa nhưng cuối cùng bóng lại được sút ra ngoài, thì người hâm mộ đùa nhau rằng "Phượng lừa cả 90 triệu đồng bào", biệt danh "Phượng cú lừa" có từ đấy.
Tiền đạo đội tuyển Việt Nam luôn mang đến cho người hâm mộ những giây phút thăng hoa. Ảnh: Đức Đồng. |
Sự đời xoay vần như vậy, lúc con đã chứng minh được hiệu quả thì những lần bỏ lỡ sẽ được nhìn dưới con mắt bao dung. Tuy nhiên điều ta muốn kể cho con, cũng chính ở trò đùa đó, nó không chỉ khiến mọi người vui vẻ thay vì hà khắc mà nó thể hiện rằng Phượng là người khó đoán. Người xem không đoán được cậu ấy, đối thủ cũng không đoán được cậu ấy, không ai đoán được người nghệ sĩ sẽ làm gì, sẽ tạo nên sự ngoạn mục nào tiếp theo. Đó cũng là lý do Phượng được tung vào sân để giải quyết thế bế tắc. Có hai thứ có thể phá vỡ sự giằng co, một là mũi khoan bén nhọn, cái còn lại là những cảm hứng khó đoán định.
Người có kỹ thuật cá nhân tốt như Công Phượng, thời điểm đấy phải kể đến Quang Hải. Nhưng Quang Hải là mẫu cầu thủ mà người ta sẽ đứng lên vỗ tay tán thưởng khi cậu ấy rời sân. Còn Phượng là kẻ mà người ta sẽ vỗ tay vì những cảm xúc hứa hẹn khi cậu ấy vào sân. Hải là người của sự đảm bảo, sự gánh vác; Phượng là người của màn trình diễn, của sự bùng nổ.
Có khi xem một trận đấu, thứ chờ đợi nhất là giây phút Phượng vào sân, người ta ồ lên và tiếng vọng râm ran, ai mà wifi yếu lại tưởng đội nhà ghi bàn mà mình chưa kịp chứng kiến. Và nếu Phượng không được vào sân thì nửa số comment trên mạng sau khi trận đấu kết thúc là "Tiếc quá, Phượng không được đá!". Rồi cuối cùng thì họ, những người từng phê bình, cũng phải thừa nhận dù thế nào cũng muốn xem Phượng thi đấu, dù thế nào cũng không ghét cậu ấy được.
Công Phượng đã làm cách nào?
Trở lại hai năm trước đó, mùa đông 2016, Google nhẹ một cái với từ khóa "Công Phượng và Panenka", con sẽ nhận thấy hai đường link nằm cạnh sát nhau:
- Công Phượng nhận mưa gạch đá sau cú sút penalty kiểu Panenka (từ một ngày trước).
- Ngả mũ trước cú sút Panenka của Công Phượng vào lưới U-19 Nhật Bản (từ một ngày chưa hề cũ).
Nó giống như việc bạn thấy Happy Polla ngồi uống trà sữa với Jessica Alba vậy. "Thiên thần bóng tối" thật khó có cơ hội gặp gỡ với "quỹ dữ ban ngày", nhưng sự đối nghịch trong câu chuyện của Phượng thì hoàn toàn dễ hiểu.
Panenka là kiểu sút penalty đặc biệt. Khi con thành công, không chỉ biến thủ môn đối phương thành trò cười mà còn nâng cao sự tự tin cho đội nhà, áp chế tinh thần đối phương bởi hiệu ứng tâm lý nó mang lại. Như cách Andrea Pirlo (tiền vệ người Italy, được xem là một trong những cầu thủ xuất sắc chơi ở vị trí này) hóa phép Tam sư (biệt danh của Đội tuyển bóng đá Anh) thành ba con mèo ở Euro 2012 vậy. Ngược lại khi thất bại, con trở thành gã mặt trắng, mắt bầm úp quả cà chua lên mũi, chạy vòng quanh rạp xiếc với một con khỉ cái mặc váy xanh lá cây và tô son môi màu hồng. Thiên hạ cười và Phượng chỉ có thể trách mình không thể "nở" vào mùa đông.
Chính vì thế, trong loạt đấu súng cân não, con không cần nhiều lực, cũng không cần kỹ thuật cao để thực hiện một cú Panenka, cái con cần là dũng khí, rất nhiều dũng khí. Dũng khí để đưa ra quyết định trong giây phút quan trọng nhất của trận đấu. Dũng khí để làm một điều khác biệt khi người ta không mong chờ sự khác biệt. Và dũng khí để lựa chọn, đối mặt: người hùng hay thằng hề.
Ở bên ngoài thảm cỏ xanh với những vạch vôi, cuộc sống của chúng ta, chắc chắn rồi cũng có những điều khiến ta cần dũng khí. Mạnh mẽ khác biệt để thành công rực rỡ, hay cứ theo cách thông thường để đảm bảo rằng nếu có thất bại sẽ được lãng quên, chẳng ai dòm ngó bĩu môi?
Con sẽ nói với nhà tuyển dụng rằng "Tôi là người thực sự giúp được ông" thay vì đính kèm bằng cấp trong một bản CV nhàm chán?
Con có thể tìm clip trên Youtube xem lại và sau khi cười ha hả vào mặt Công Phượng, hãy nhẩm đếm xem bao nhiêu lần trong đời con thử đủ dũng khí để làm một cú Panenka?
Phượng có thứ dũng khí đấy một cách rất tự nhiên, hỏi có dám không, câu trả lời luôn là có. Cuộc sống như là cây cầu bấp bênh nối liền nhau, hầu hết mọi người đều chọn đứng và đi ở giữa, nơi cân bằng nhất, an toàn nhất. Phượng chọn khác, bên này cầu bấp bênh là Phượng, người hùng, bên kia cũng là Phượng, thằng hề.
Câu chuyện về "truyền cảm hứng", tận cùng của nó chính là kẻ sống trong sự bất cân bằng, làm cho những người trong vùng cân bằng thấy phấn khích.
Và Công Phượng sinh ra từ sự bất cân bằng đó.
Đan Du
Còn tiếp...
Sách Việt Nam vô địch do TriVietBooks và Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch thực hiện nhằm tri ân toàn thể đội tuyển Việt Nam tham dự giải AFF Cup 2018. Sách tập hợp hơn 30 bài viết của nhiều ngòi bút thể thao có tiếng, những tác giả yêu trái bóng tròn cùng hơn 300 bức ảnh ghi lại chân dung, khoảnh khắc ấn tượng của từng cầu thủ qua các trận đấu. VnExpress trích đăng ấn phẩm. Tên các phần trích đăng do tòa soạn đặt. |
Sách \'Việt Nam vô địch\': Lâm Tây từ kẻ bị chối bỏ tới người hùng
Đặng Văn Lâm từng viết thư xin huấn luyện viên Miura để mắt tới mình trước khi cùng đội tuyển Việt Nam dưới thời Park ... |
Ngày đăng: 19:00 | 25/01/2019
/ VnExpress