Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ LĐ, TB&XH không hạn chế rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần song đề xuất hai phương án.

Phương án một là giữ nguyên theo quy định hiện hành, tức là lao động tham gia dưới 20 năm BHXH và sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thì được rút một lần.

Lao động được rút toàn bộ quá trình đóng nếu có nhu cầu, song về lâu dài sẽ chịu thiệt khi không được hưởng lương hưu.

Rút hay không rút BHXH một lần? 1

Ảnh minh họa

Phương án hai là cho lao động rút một lần song tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để sau này lao động đủ tuổi nghỉ hưu được hưởng chế độ BHXH.

Theo đánh giá, cách này giảm được số tiền chi trả ban đầu cho Quỹ BHXH và người lao động chỉ nhận được một nửa tiền cho tổng thời gian đóng.

Thống kê cho thấy, đến hết năm 2022, cả nước có hơn 17 triệu người tham gia BHXH, độ bao phủ mới đạt 38% lực lượng lao động trong độ tuổi và còn khoảng 28,4 triệu người chưa vào hệ thống.

Bình quân cứ hai người vào hệ thống thì một người rời đi.

Giai đoạn 2016-2020 bình quân mỗi năm gần 750.000 lao động hưởng BHXH một lần. Khoảng 10% lao động rút một lần có thời gian đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên.

Với những người ủng hộ quan điểm hưởng BHXH một lần, họ cho rằng cần phải đặt câu hỏi vì sao người lao động lại chỉ muốn nhận một lần mà không chọn nhận lương hưu?

Và cần phải sòng phẳng trong câu chuyện tiền đóng BHXH là của người lao động, họ đóng thì họ cũng có quyền rút.

Luồng ý kiến này không phải không có lý, khi có những người tiền lương hiện nay chỉ đủ sống, không tích góp được nhiều, tuổi nghỉ hưu thì quá cao, họ không thể chờ thêm.

Trong khi hiện tại, họ rất cần một khoản tiền để chi tiêu, trang trải cuộc sống.

Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, nhiều người muốn hưởng BHXH một lần có lẽ chưa hình dung về cuộc sống sau này, khi đã về già.

Đành rằng BHXH một lần là quyền lợi chính đáng của người lao động theo nguyên tắc “có đóng, có hưởng”, tuy nhiên việc này sẽ ảnh hưởng đến mục đích tốt đẹp của chính sách an sinh xã hội, ảnh hưởng đến nỗ lực bao phủ BHXH toàn dân.

Để bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trong dài hạn, nhiều nước trên thế giới không cho phép người tham gia BHXH được rút một lần, trừ trường hợp đặc biệt, như ra nước ngoài định cư hay hết tuổi lao động nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu.

Cả hai phương án mà Bộ LĐ, TB&XH đưa ra đều có ưu điểm và nhược điểm. Tuy nhiên, nếu đặt lên bàn cân, có lẽ phương án thứ hai sẽ có lợi cho người lao động hơn.

Bởi khi khó khăn, họ vẫn được rút 50% để giải quyết các vấn đề trước mắt. Còn lại 50%, họ có thể tiếp tục đóng thêm để khi về già vẫn có lương hưu, giải quyết những vấn đề áp lực tài chính mà họ có thể phải đối mặt.

Vấn đề cần nhất hiện nay là phải đẩy mạnh tuyên truyền, để người lao động thấy được lợi, hại của việc rút BHXH một lần, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

 https://www.baogiaothong.vn/rut-hay-khong-rut-bhxh-mot-lan-d583818.html

Ngày đăng: 10:02 | 08/03/2023

TS Phạm Quang Long / Giao thông