Tổng cộng 11.088 km2 rừng Amazon thuộc lãnh thổ Brazil đã bị đốn hạ trong năm qua, cơ quan không gian PRODES của nước này hôm 30/11 cho biết.
Đây là mức phá rừng Amazon cao nhất trong hơn một thập kỷ qua, tăng 9,5% so với năm ngoái và chỉ thấp hơn kỷ lục 12.911 km2 vào năm 2008. Diện tích rừng bị phá hủy trong năm 2020 ở Brazil còn lớn hơn diện tích của Jamaica.
"Với nạn phá rừng như vậy, Brazil có lẽ là quốc gia duy nhất có lượng phát thải khí nhà kính gia tăng trong năm qua bất chấp Covid-19 làm tê liệt hoạt động kinh tế toàn cầu", Đài quan sát khí hậu Brazil nhấn mạnh.
Các khu rừng nhiệt đới như Amazon đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát biến đổi khí hậu vì chúng hút carbon từ khí quyển. Tuy nhiên, khi cây chết hoặc cháy, chúng sẽ phát thải carbon trở lại môi trường.
Một cánh rừng bị chặt phá trái phép ở lưu vực Amazon. Ảnh: AP. |
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2019, chính phủ của Tổng thống Jair Bolsonaro đã thúc đẩy hoạt động khai thác mỏ và kinh doanh nông nghiệp, đồng thời cắt giảm tài trợ cho các chương trình bảo vệ môi trường. Các nhà bảo tồn cho rằng những chính sách này đã trực tiếp gia tăng nạn phá rừng Amazon với 60% diện tích rừng bị đốn hạ nằm trong lãnh thổ Brazil.
"Tầm nhìn của chính phủ Bolsonaro đang đưa chúng ta trở lại thời kỳ phá rừng tràn lan trong quá khứ. Đó là một tầm nhìn thoái trào, khác xa với nỗ lực cần thiết để đối phó với khủng hoảng khí hậu", phát ngôn viên của tổ chức môi trường Greenpeace Cristiane Mazzetti lên án.
Mặc dù vậy, Phó Tổng thống Hamilton Mourao trong một cuộc họp báo đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc và cam kết chính phủ dưới thời Bolsonaro sẽ tiếp tục làm việc với các tổ chức khoa học và công nghệ để hỗ trợ công việc của cơ quan bảo vệ môi trường.
Đoàn Dương (Theo AFP)
Ngày đăng: 13:50 | 01/12/2020
/ vnexpress.net