Việc Nga tuyên bố đình chỉ New START có nguy cơ gia tăng chạy đua vũ trang và rủi ro hạt nhân trên phạm vi toàn cầu.

Hôm 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đính chỉ tham gia New START. Dự luật đình chỉ tham gia hiệp ước New START đã được đệ trình lên Hạ viện Nga để cơ quan này xem xét trong phiên họp hôm 22/2. Sau đó, Thượng viện Nga sẽ phê chuẩn dự luật trước khi chính thức có hiệu lực.

Quyết định khó đảo ngược

Một khi New START bị đình chỉ, hai cường quốc sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân nhất thế giới Nga và Mỹ sẽ không còn bất cứ khuôn khổ pháp lý ổn định và có thể dự đoán nào để kiểm soát năng lực hạt nhân của nhau.

nga-14371121
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Sputnik)

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho hay, đầu năm 2022, Nga và Mỹ sở hữu 90% số đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới, trong đó Moskva có 5.977 đầu đạn, còn Mỹ biên chế 5.428 đầu đạn.

Theo nội dung hiệp ước, Nga và Mỹ cam kết triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và tối đa 700 tên lửa tầm xa và máy bay ném bom. Mỗi bên có thể tiến hành tới 18 cuộc kiểm tra các địa điểm vũ khí hạt nhân chiến lược hàng năm để đảm bảo bên kia không vi phạm các giới hạn của hiệp ước.

Hiệp ước New START có hiệu lực vào năm 2011 và được gia hạn vào năm 2021 sau khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ.

Các cuộc kiểm tra theo thỏa thuận đã bị tạm dừng vào tháng 3/2020 vì đại dịch COVID-19. Đàm phán giữa Moskva và Washington về việc nối lại các cuộc thanh tra dự kiến ​​diễn ra vào tháng 11 năm ngoái tại Ai Cập, nhưng sau đó đã trì hoãn.

Phương Tây chỉ trích gay gắt quyết định của Nga, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết quyết định của Nga về việc đình chỉ Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược New START khiến thế giới trở thành một nơi nguy hiểm, đồng thời kêu gọi Moskva xem xét lại vấn đề này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết quyết định của Nga là "vô trách nhiệm" và Washington sẽ theo dõi để xem Moskva thực sự muốn làm gì. Ông cho biết Mỹ vẫn sẵn sàng thảo luận về các hạn chế vũ khí chiến lược với Nga “bất cứ lúc nào”, bất chấp những diễn biến ở Ukraine.

Còn Cơ quan chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Nga khi đình chỉ tham gia hiệp ước New START với Mỹ, cho rằng, việc Nga quyết định rút khỏi hiệp ước New START với Mỹ sẽ làm suy yếu khuôn khổ an ninh châu Âu, cùng như kêu gọi Moskva tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của hiệp ước.

Bộ Ngoại giao Nga sau đó cho biết quyết định này có thể được đảo ngược nếu Mỹ nỗ lực nối lại hoạt động đầy đủ của hiệp ước. Ngoài ra, Nga sẽ tiếp tục cam kết thực hiện các hạn chế đối với vũ khí tấn công chiến lược theo hiệp ước khi New START vẫn còn hiệu lực.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, Moskva sẽ tiếp tục trao đổi thông báo với Washington về các vụ phóng ICBM (tên lửa đạn đạo xuyên lục địa) và SLBM (tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm) trên cơ sở thỏa thuận tương ứng giữa Liên Xô và Mỹ năm 1988.

Nhiều rủi ro

Giới phân tích cho rằng, mặc dù Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moskva sẽ tiếp tục tuân thủ các hạn chế của hiệp ước, nhưng việc đình chỉ hiệp ước có thể đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ khó giám sát việc tuân thủ hơn.

Guardian dẫn lời ông Andrey Baklitskiy, nhà nghiên cứu cấp cao về vũ khí hủy diệt hàng loạt và chương trình vũ khí chiến lược khác tại Viện Nghiên cứu Giải trừ quân bị của Liên hợp quốc, cho biết hiện tại "Nga có thể sẽ tuân thủ các giới hạn của hiệp ước New START", nhưng “Mỹ sẽ khó xác minh sự tuân thủ của Nga, và Mỹ cũng sẽ đình chỉ các nghĩa vụ của mình".

ten-lua-14391095
Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga tham gia duyệt binh tại Quảng trường Đỏ. (Ảnh: New York Times).

Theo vị này, Mỹ và Nga có thể quay lại thực thi hiệp ước New START nếu giải quyết được các vấn đề khúc mắc chính trị trong quan hệ song phương. "Hiệp ước đã tồn tại, nên việc quay trở lại thực thi sẽ rất đơn giản", ông Andrey Baklitskiy cho hay.

Trả lời phỏng vấn Washington Post, ông John Erath, Giám đốc chính sách cấp cao của Trung tâm kiểm soát và không phổ biến vũ khí, cho rằng động thái này "hoàn toàn mang tính biểu tượng". Theo ông, Tổng thống Putin đưa ra thông báo này để gây áp lực lên chính quyền Mỹ, buộc ông Biden phải cân nhắc, nhượng bộ trước Nga để dàn xếp chấm dứt xung đột Ukraine.

Động thái của Nga một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo và làm dấy lên lo ngại rằng căng thẳng đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Những rủi ro liên quan đến hiệp ước New START sẽ trở nên nghiêm trọng nếu Nga ngừng báo cáo và trao đổi dữ liệu thường lệ về vũ khí hạt nhân của nước này.

Alicia Sanders-Zakre, điều phối viên chính sách và nghiên cứu của Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân, cho biết đây là “động thái nguy hiểm và liều lĩnh của Nga  khi đẩy căng thẳng lên mức cao nhất”.

"Những mối đe dọa hạt nhân rõ ràng đã thực sự khiến mức độ rủi ro hạt nhân gia tăng", ông Sanders-Zakre nói, đồng thời kêu gọi toàn cầu “lên án trước mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân".

Nếu hiệp ước New START sụp đổ hoặc không được gia hạn trước tháng 2/2026 có thể châm ngòi một cuộc chạy đua nguy hiểm, thúc đẩy các nước đã sở hữu đầu đạn hạt nhân tăng cường kho vũ khí hủy diệt của mình.

Monica Montgomery, nhà phân tích chính sách của Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí, cho biết tuyên bố của Nga là sự chính thức hóa các diễn biến gần đây. Theo bà Montgomery, ông Putin đang muốn sử dụng lời lẽ đe doạ chiến tranh hạt nhân để khiến Mỹ và NATO ngừng hỗ trợ cho Kiev.

Chuyên gia này cho rằng, việc đình chỉ hiệp ước làm tăng nguy cơ vũ khí hạt nhân được sử dụng cho các mưu đồ chính trị và quân sự trên toàn thế giới, đặc biệt là từ các cường quốc hạt nhân đang lên như Triều Tiên và Iran.

Ông James Cameron, chuyên gia tại Dự án Nghiên cứu Hạt nhân Oslo, cho hay khi không còn công cụ thanh sát được quy định trong New START, Mỹ và Nga sẽ phải quay lại với cách thức "phỏng đoán năng lực và ý định đối phương" như dưới thời Chiến tranh Lạnh.

"Hai bên khi đó sẽ hành động dựa trên giả định về kịch bản xấu nhất, tăng cường các hệ thống và kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân phức tạp hơn", ông nói.

 

Ngày đăng: 15:30 | 22/02/2023

KÔNG ANH / VTC NEWS