Minh bạch và trách nhiệm là yếu tố tiên quyết để đảm bảo quản lý tốt nợ công nên cần tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý nợ công. 

“Là một nước đang phát triển, quy mô ngân sách nhỏ thì không thể không vay nợ. Không vay thì lấy gì để đầu tư”, PGS-TS.Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) phát biểu. Không lo về con số nợ nhiều hay ít, điều đáng lo là sự công khai, minh bạch và tính hiệu quả của nợ công.

Nợ công đã bằng 206% tổng thu ngân sách

Đáng lo hơn nữa là cơ chế hiện nay “không quy được trách nhiệm cho ai” bởi đó là chi tiêu chung, là do nhiều cơ quan quản lý và sử dụng. Vì thế dường như nợ vẫn cứ tăng lên và rủi ro đang ngày một lớn. Ông Cường đã chỉ ra 6 rủi ro lớn của nợ công. Một là, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ Chính phủ/thu NSNN và nghĩa vụ trả nợ công/thu NSNN đang ở mức cao và có xu hướng tăng, ảnh hưởng lớn đến sự an toàn nợ công.

Hai là, cân đối nguồn trả nợ trong NSNN không đủ, vay để trả nợ gốc ngày càng tăng. Vay trả nợ gốc năm 2014 gần 80.000 tỷ đồng; năm 2015 là 130.000 tỷ đồng. Ngân sách luôn thâm hụt không đủ trả nợ nên đã phải đảo nợ, vay nợ mới để trả cho nợ cũ.

Ba là, bội chi lớn hơn đầu tư phát triển, làm giảm tính bền vững nợ công và tạo ra rủi ro lớn cho NSNN trong trung và dài hạn. Nợ công của Việt Nam tính theo GDP thì có thể chưa cao nhưng theo thu ngân sách thì đã là cao. Xếp hạng của Ngân hàng Thế giới cho thấy, giá trị nợ công Việt Nam năm 2015 đã lên tới 206% thu NSNN.

Tuy tỷ lệ nợ công là bao nhiêu không phải là vấn đề, quan trọng là vay về phải được sử dụng hiệu quả, minh bạch, phải được giải trình gắn với trách nhiệm rõ ràng. Nhưng ở Việt Nam chi thường xuyên cứ tăng liên tục khiến ngân sách cũng liên tục bội chi nên phải tiếp tục vay nợ. Cho dù mức bội chi đã được Quốc hội quyết định nhưng nhiều năm bội chi vẫn vượt mức trần mà Việt Nam chưa có cơ chế bắt dừng không cho chi khi đã tới trần. Lỡ chi nhiều, bội chi vượt ngưỡng Quốc hội quyết, lại được Quốc hội cho phép nâng bội chi.

Nợ công: vay tiền về để trong kho?

Bốn là, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam cao hơn nhiều so với mức bình quân của các nước đang phát triển và các nước trong khu vực. Năm 2016 dư nợ công ước khoảng 64,73% GDP đã sát trần 65% GDP. Nợ công lúc nào cũng sát ngưỡng nên không còn cho dự phòng bất trắc. Với nợ đã ở mức này thì muốn vay thêm cũng khó vay, vay được thì cũng chịu lãi suất cao. Đã vậy, tỷ lệ nợ công này chưa tính đến các khoản nợ NHNN, nợ của DNNN tài chính và phi tài chính, nợ của tổ chức bảo hiểm và an sinh xã hội…

Và còn các khoản nợ khác như: Nợ ngầm định (là các khoản nợ tự vay, tự trả mất khả năng thanh toán của các đơn vị khu vực công (các đơn vị hành chính sự nghiệp công tự chủ về tài chính, DNNN, TCTD nhà nước và cổ phần nhà nước chi phối) mà nếu rủi ro thì nhà nước phải chịu trách nhiệm trả thay nên cần phải tính vào nợ công; Nợ bất thường: NSNN phải chi như hỗ trợ thiên tai, thảm họa quốc gia, hỗ trợ nhân đạo vượt quá mức dự trữ nhà nước; các chi phí đột xuất về an ninh quốc phòng… Dự phòng cho nợ bất khả kháng thông thường tối đa khoảng 5% tổng nợ công trong nước.

Đồng tình với phân tích của ông Cường, bà Nguyễn Thu Hương - Quản lý cao cấp, Tổ chức Oxfam cho rằng “Nếu tính đủ các khoản trên thì nợ công có khi lên tới 200% GDP”.

Năm là, rủi ro trong quản lý và sử dụng nợ công. Tỷ lệ nợ công Việt Nam đang tăng nhanh, mức tăng trung bình trong 5 năm qua là 18,4%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đã vậy, vay tiền về nhưng phân bổ không kịp, giải ngân chậm không khác gì vay tiền về để trong kho. Giải ngân chậm một ngày là nợ đó không tạo ra tài sản mới làm nợ công tăng lên. Vấn đề này cần rõ ràng hơn trong quản lý, nếu không tự nhiên làm tăng nợ công.

Nợ phải được báo cáo chi tiết đến từng chủ nợ

Sáu là, nguy cơ “chưa giàu, đã già lại nợ nần nhiều”. Việt Nam có thu nhập trung bình thấp, dân số đang già hóa nhanh, năng suất lao động bình quân thấp và đã giảm dần gây áp lực lớn lên tăng quy mô nợ công nhanh hơn. Vay nợ của Việt Nam chắc chắn còn tăng nữa khi mà dân số già đi, gánh nặng các quỹ sẽ đè nặng, còn khả năng tạo thu nhập mới giảm đi.

Bên cạnh 6 rủi ro chính nêu trên còn có các rủi ro khác nữa như: rủi ro thông thường; Rủi ro không trả được nợ từ các khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh cho các DN; Rủi ro lớn từ nợ xấu có khả năng mất vốn của DNNN và DN tư nhân vay vốn ngân hàng trực tiếp hoặc gián tiếp sẽ chuyển thành nợ công; Rủi ro hoạt động của hệ thống NHTM sẽ tác động tiêu cực đến nợ công và ngược lại; Rủi ro nợ đọng BHXH, BHYT của các DN chuyển thành nợ công; Rủi ro quản lý và sử dụng vốn vay kém hiệu quả, dẫn đến khả năng trả nợ khó khăn; Rủi ro về tỷ giá, lãi suất làm tăng nghĩa vụ trả nợ công; Rủi ro tăng trưởng kinh tế giảm sút và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam thấp đẩy tỷ lệ nợ lên cao.

Để có sự công khai, minh bạch và gắn được trách nhiệm với nợ công, để nợ công được vay, sử dụng hiệu quả, an toàn, cần áp dụng thông lệ quốc tế về thống kê nợ công, có cơ chế quản lý tốt hơn nợ của DNNN và nợ từ hệ thống tín dụng. Minh bạch và trách nhiệm là yếu tố tiên quyết để đảm bảo quản lý tốt nợ công nên cần tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý nợ công. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, hàng tháng phải có báo cáo nợ công rất chi tiết theo từng chủ nợ, công cụ nợ, đồng tiền nợ, kỳ hạn và lãi suất. Và cần phân định chức năng nhiệm vụ và trách nhiệm giữa Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và NHNN Việt Nam trong việc vay và phân bổ, sử dụng nợ công.

http://thoibaonganhang.vn/rui-ro-cua-no-cong-69187.html

Ngày đăng: 08:55 | 29/10/2017

/ Theo Thời báo Ngân hàng