Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi đã từng đón Tết ở rất nhiều nơi trên khắp mọi miền tổ quốc tươi đẹp. Nhưng được đón Tết tại đảo Trường Sa luôn mang lại cảm xúc đặc biệt nhất cho mỗi người làm báo.
Sáng mùng một Tết dương lịch, sau nghi lễ chào cờ trang nghiêm trên đảo Trường Sa, quân và dân trên đảo đi thắp hương tại Tượng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, Nhà tưởng niệm Bác Hồ…Cùng với việc đi chúc mừng năm mới nhau, mọi người cũng vào chùa Trường Sa để thắp hương, cầu cho năm mới gia đình, đất nước an khang, thịnh vượng, bình an.
Gói bánh chưng trên đảo
Được lưu lại trên đảo Trường Sa 2 ngày lại đúng vào dịp Tết, đó là khoảng thời gian quý giá để chúng tôi có cơ hội tìm hiểu, cảm nhận phần nào không khí chuẩn bị và đón Tết của quân và dân trên đảo quê hương. Đảo Trường Sa được xem là trái tim của cả quần đảo Trường Sa. Trên đảo, có đầy đủ từ nhà dân, cơ quan, UBND huyện…, cho đến trường học, bệnh viện. Những ngôi nhà của người dân trên đảo với mái ngói đỏ tươi, sáng rực trên nền trời xanh biếc. Cách không xa là khu cầu cảng và nhìn ra xa hơn nữa là mênh mông một màu xanh thẫm của biển. Những màu sắc của tự nhiên và nhân tạo ấy hòa quện vào nhau tạo nên một sắc màu tươi mới, dịu ấm, thân thuộc.
Ngoài những cây đặc trưng như bàng vuông, tra, phong ba…, gần như trước cổng nhà dân nào cũng có một cây dừa. Những cây dừa không quá cao, được trồng ở trước cổng với tán dừa cong xuống, như những chiếc lược xanh, là nơi chơi đùa yêu thích của lũ trẻ nhỏ sau giờ học trên lớp. Những ngày này, từ trong nhà cho đến ngoài ngõ, được người dân quét dọn tinh tươm.
Quân và dân trên quần đảo Trường Sa rộn ràng gói bánh chưng đón Tết Canh Tý 2020
Trên mái nhà dân và tường rào được người dân trên đảo treo cờ Tổ quốc. Trong nhà, mâm ngũ quả xinh xắn, ấm cúng được đặt trang trọng trên bàn thờ gia tiên, bàn thờ Bác Hồ. Mọi người trang trí đèn nhấp nháy trên cây mai, đào được làm bằng vô số vỏ sò, vỏ ốc biển. Những ánh sáng xanh, đỏ, tím, vàng trông thật vui mắt. Đám trẻ vừa đá bóng, vừa đạp xe chạy tung tăng khắp nơi, háo hức, vui mừng khoe nhau áo mới mẹ mua để đón Tết.
Không khí chuẩn bị cho năm mới của những người lính đảo và dân trên đảo dù giản đơn nhưng vô cùng ấm cúng và rộn ràng. Sáng sớm, bộ đội thịt một con lợn to. Con lợn này trước đó được đưa từ đất liền ra đảo để nuôi vài ngày. Buổi sáng hôm bộ đội thịt lợn được xem là một trong những ngày vui rộn ràng nhất trong năm. Mấy đứa trẻ con nhà dân ở cạnh đó biết tin hôm nay thịt lợn, háo hức chạy lên chơi với các chú bộ đội từ sáng sớm.
Từng tảng thịt lợn được xẻ ra chia đều cho các đơn vị để bộ đội liên hoan ăn Tết. Số còn lại được quy định cụ thể để làm nhân gói bánh chưng. Quý hơn nữa là bộ lòng lợn, nó được cánh lính làm vô cùng cẩn thận, sạch sẽ. Từ đứa trẻ nhỏ trên đảo cho đến cánh lính mới hay cũ, ai cũng háo hức chờ đến giờ ngọn lửa được nhóm lên luộc nồi bánh chưng xanh. Mấy cậu lính trẻ xong ca trực dù khá mệt nhưng vẫn giành nhau để xung phong ngồi canh nồi bánh chưng dưới ánh lửa bập bùng.
Người dân trang trí nhà cửa bằng những quà tặng từ biển cả với cây ốc, san hô
Khói đưa mùi củi thơm quện với mùi lá nếp bánh chưng đang dần chín tạo nên một cảm xúc rất đặc biệt. Nó như xua tan đi những vất vả, mệt mỏi sau một ngày làm nhiệm vụ, đưa lính trẻ như trở về với bầu trời tuổi thơ nơi quê nhà. Đón Tết giữa Trường Sa nhưng vẫn thấy ấm áp lạ thường, tưởng như đang ở bên gia đình, bởi đây cũng là phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, như quê nhà thơm mùi nắng, se lạnh gió Bắc, cục tác tiếng gà ban trưa…
Gói bánh chưng trên đảo Trường Sa cũng không khác nhiều là mấy so với những chiếc bánh chưng ở trong đất liền. Lá dong, dây buộc được Vùng 4 hải quân chuyển ra trong đợt thay, thu quân vừa qua. Những chiếc lá dong này được bộ đội bảo quản rất cẩn thận. Từng chiếc lá được cắt rất khéo, tận dụng tối đa, gần như không bỏ phần nào ngoài cuống.
Trong trường hợp nếu thiếu lá dong, bộ đội sáng tạo bằng cách lựa chọn ngắt những lá bàng vuông thật lớn mang xuống rửa sạch, khéo léo gấp lại để gói bánh trưng. Những chiếc bánh chưng được gói mà không cần khuôn gỗ vẫn vuông thành sắc cạnh, đều chằn chặn như sinh đôi từ bàn tay khéo léo của người chiến sĩ. Mấy đứa trẻ con đứng lăng xăng bên cạnh các chú bộ đội, lại được chiến sĩ gói cho những cái bánh chưng nhỏ xíu, xỏ lạt vào, đeo lên vai lúc lỉu chạy về nhà khoe với bố mẹ.
Đi lễ đầu năm
Ngày đặt chân lên đảo Trường Sa, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là cổng chào uy nghi, bề thế. Ở phía trên cổng chào ghi dòng chữ: “ Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Thị trấn Trường Sa”. Đảo Trường Sa được coi như là trái tim của cả quần đảo Trường Sa. Trong thị trấn Trường Sa ấy, có ngôi chùa Trường Sa là điểm đến không thể bỏ qua của bất cứ ai lên đảo cũng như cư dân sinh sống tại thị trấn này. Trong những ngày lễ, Tết, cùng với Tượng đài các anh hùng liệt sỹ, Nhà tưởng niệm Bác Hồ, đây là một trong địa chỉ mà người dân và lính đảo ghé thăm nhiều nhất.
Ngôi chùa trên đảo Trường Sa được đặt ở vị trí trung tâm của đảo. Nó nằm gần đối diện với khu tượng đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Chùa được thiết kế theo đúng lối kiến trúc phật giáo với mái chùa cong rất đặc trưng của chùa Việt. Những cột chùa được làm bằng gỗ quý chắc chắn để có thể chống chọi lại với gió bão, nắng lửa khắc nghiệt. Trên các xà, cột được trang trí, điêu khắc những hình thù có liên quan đến truyền thuyết của đức Phật với hoa sen, hình mây, nước... Trong khuôn viên ngôi chùa còn có những bức tượng bồ Tát lớn đặt trang trọng phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của quân và dân trên đảo cũng như ngư dân đánh cá từ đất liền ra.
Người dân đi lễ chùa đầu năm mới cầu mong gia đình, đất nước an khang, cường thịnh
Cùng đi với chúng tôi trên con tàu KN 491 là thầy trụ trì của chùa Trường Sa. Thầy Thích Tuệ Nhân dáng người cao lớn, khuôn mặt hiền hòa. Trước khi ra đảo Trường Sa làm phật sự, thầy Thích Tuệ Nhân cũng đã có thời gian trụ trì chùa trên đảo Phan Vinh. Việc được ra đảo Trường Sa làm phật sự, thầy coi đó là cơ duyên lớn để tiếp duyên lành của trụ trì trước đó. Không chỉ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của quân và dân bao đời nay trên đảo, ngôi chùa cũng là điểm đến của những ngư dân đi biển sau những ngày tháng lênh đênh trên biển cả, vào thắp hương lễ Phật, cầu bình an cho chuyến hải trình tiếp theo.
Buổi chiều trên đảo Trường Sa mang lại cho chúng tôi cảm giác thật đặc biệt. Ánh hoàng hôn chiếu xuống mặt biển như đan dệt một lớp vàng bạc lấp lánh. Từng đợt sóng từ xa nối tiếp nhau dội vào đảo, bị những lớp kè bằng bê tông xung quanh chặn lại khiến cho sóng biển bắn lên trắng xóa màu nước. Hình ảnh những người lính hải quân chắc tay súng đi tuần tra trên những bờ kè xung quanh đảo ấy được cánh phóng viên vô cùng ưa thích để săn tìm, sáng tác những bức ảnh đẹp.
Bộ đội tổ chức những trò chơi rèn luyện sức khỏe trên đảo trong dịp Tết
Đang ngồi ngắm biển, bỗng nhiên tiếng chuông chùa chợt ngân lên khiến cho chúng tôi không khỏi bồi hồi. Tiếng chuông ngân vang trong gió, kéo dài mãi như không dứt. Nó khắc khoải, da diết, thanh khiết, trầm mặc, như hòa quện giữa nắng, gió, sóng của biển đảo quê hương, thẫm đẫm trong mỗi trái tim của những người trên đảo quê hương.
Sáng mùng một Tết, người dân và cán bộ chiến sỹ sau lễ chào cờ, thắp hương trước Tượng đài các anh hùng liệt sỹ, Nhà tưởng niệm Bác Hồ, thường lên chùa để lễ Phật, cầu mong cho một năm mới gia đình an khang, thịnh vượng, đất nước cường thịnh. Sau khi thắp hương lễ Phật xong, mọi người thường đi vãn cảnh chùa.
Đón Tết nhưng nhiệm vụ canh giữ bảo vệ biển đảo vẫn được cán bộ chiến sỹ trên các đảo của Tổ quốc hoàn thành xuất sắc
Những chậu hoa, khóm cây cảnh được nhà chùa cẩn thận chăm chút trước đó, nở bừng hoa vào đúng dịp Tết đem thêm lại cảm giác thư thái cho mỗi người khi đặt chân vào đây. Đám trẻ con sau khi cùng bố mẹ vào chùa thắp hương lại rủ nhau chạy khắp nơi để đạp xe, nô đùa giữa cái nắng vàng lộng gió của Trường Sa trong tiếng chuông chùa ngân vang, tiết trời xuân thanh khiết.
Hoàng Phong
Việt Nam lên tiếng việc Trung Quốc bị nghi đưa khí cầu ra Trường Sa
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định chủ quyền của Việt Nam khi được hỏi thông tin Trung Quốc đưa khí cầu ra Trường ... |
Hành trình "Biển ngọt" tại giải gôn Swing for Truong Sa 2019
Giải gôn Swing for Truong Sa được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa như triển lãm ảnh, đấu giá, quyên góp gây quỹ. ... |
Hai tàu chiến Mỹ áp sát Hoàng Sa, Trường Sa
Hai tàu chiến của Hải quân Mỹ thực hiện các chuyến đi liên tiếp tới quần đảo Hoàng Sa và đá Vành Khăn thuộc quần ... |
Ngày đăng: 19:03 | 12/01/2020
/ anninhthudo.vn