Tang Guanhua bước trên con đường đất hẹp giữa những bụi cây còn đọng sương sớm tại một nơi hẻo lánh, không dính chút bụi thành thị ở Phúc Kiến

"Hồi chúng tôi mới đến, ở đây không có con đường nào hết, chẳng có gì cả. Cây cối um tùm khắp nơi. Chúng tôi phải phát quang để mở đường, mất rất nhiều thời gian và công sức. Đây là miền đất của chúng tôi", Tang Guanhua, người đàn ông 30 tuổi, cho biết.

Tiếng gà gáy và âm thanh xe cộ hối hả từ một ngôi làng gần đó lùi dần theo từng bước chân giữa không gian xanh mát của cây cỏ. Tang bỗng dừng lại rồi ngắm nhìn những ngọn đồi trập trùng trải đầy hoa dại màu tím, dương xỉ và đỗ quyên. Màn sương bao trùm thung lũng bên dưới, nơi chim đang hót líu lo trên những hàng cây mùa rụng lá. Phải vô cùng chăm chú mới có thể phát hiện dấu vết tồn tại của con người.

Tang Guanhua cùng vợ Xing Zhen làm ruộng tại huyện Mân Hầu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Từ năm 2015, Tang và vợ Xing Zhen đã chuyển tới sống ẩn dật tại vùng núi thuộc huyện Mân Hầu, phía đông nam tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, cách thủ phủ Phúc Châu khoảng hai giờ lái xe. Cùng với một nhóm người đồng chí hướng, hầu hết trong độ tuổi 30, Tang và Xing quay lưng với cuộc sống thành thị để xây dựng dự án có tên "Một Cộng đồng Khác".

Cộng đồng của Tang mới có khoảng hơn 10 người, một số trong đó không sống toàn thời gian ở Mân Hầu bởi chưa thể tự trang trải nếu không đi làm. Từ người thiết kế sách thiếu nhi tới chuyên gia sức khỏe, nhà làm phim và chuyên gia bảo mật công nghệ thông tin, các thành viên của "Một Cộng đồng Khác" đều từng "sống mòn" trong những siêu đô thị của Trung Quốc.

Mục tiêu của nhóm này là tới cuối năm 2020 tập hợp được 30 cư dân, sau đó tăng lên 150 người vào năm 2030 và 300 người vào 2036. "Trong tương lai, khi có đủ người, chúng tôi có thể tự làm mọi thứ", Xing nói.

Việc thành lập "Một Cộng đồng Khác" không mang động cơ chính trị. Các thành viên lấy cảm hứng từ những cộng đồng được cho là lý tưởng như công đoàn Taize ở Pháp, nơi tập hợp hàng trăm tu sĩ tới từ hàng chục quốc gia, hay làng sinh thái ZEGG ở Đức và làng nghiên cứu hòa bình Tamera tại Bồ Đào Nha. Bên cạnh đó, họ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ cuốn sách "Tự túc Toàn tập" của tác giả John Seymour.

Thay vì khoe khoang về sự nghiệp hoặc chụp ảnh bữa ăn trong những nhà hàng sang trọng, các thành viên trong cộng đồng của Tang hướng tới sống hòa hợp với thiên nhiên, thoát khỏi áp lực và kỳ vọng của xã hội, làm việc để tự cung tự cấp từ điện, thực phẩm, quần áo tới xà phòng.

Họ tuyên bố nhiệm vụ của nhóm là "để năng lượng tự nhiên chảy trôi rồi trở về với thiên nhiên", nhưng không phản đối sự tồn tại của đô thị. "Chúng tôi muốn xã hội thấy rằng có nhiều cách sống khác giúp mang lại phẩm giá cho con người", Tang giải thích.

Wang Hailong, 34 tuổi, từng làm quản lý tại một trường tiểu học ở thủ đô Bắc Kinh, sống hạnh phúc cùng gia đình trong căn hộ nhỏ nhưng tiện nghi và thường tận hưởng thời gian cuối tuần bên bạn bè. Tuy nhiên, sâu thẳm bên trong, anh vẫn cảm thấy không thỏa mãn. Khi du lịch qua vùng cao nguyên Tây Tạng, Wang nhận thấy dân du mục nơi đây dù nghèo nhưng dường như an yên, nên bị thu hút bởi ý tưởng mà Tang đăng trên mạng.

"Ban đầu, tôi không biết cộng đồng sẽ như thế nào", Wang cho biết. Tuy nhiên, 4 năm sau ngày lên chuyến bay từ Bắc Kinh tới Phúc Kiến, anh giờ đây trở thành trụ cột của "Một Cộng đồng Khác" và đảm nhiệm công việc đồng áng.

"Ở thành phố, bạn luôn phải so sánh bản thân với người khác. Đó là điều khiến bạn luôn âu lo. Còn ở đây, ngay cả khi có tiền bạn cũng không có chỗ để tiêu", Wang nói. Căn hộ và công việc ở thủ đô của anh không còn, nhưng anh cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm.

Xing Zhen dệt vải tại một căn xưởng trong khu vực của "Một Cộng đồng Khác". Ảnh: SCMP.

"Một Cộng đồng Khác" tọa lạc trên khu đất rộng 202 ha, gần gấp ba lần Tử Cấm Thành, có giá thuê 200.000 nhân dân tệ (28.647 USD) mỗi năm và được tài trợ bởi Quỹ Zhenro, đơn vị hướng tới thúc đẩy xã hội bằng cách hỗ trợ các dự án sáng tạo giúp sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn. Trong số hơn 100 tổ chức mà Tang xin tài trợ, Quỹ Zhenro là nơi duy nhất hồi đáp.

Việc sử dụng đất, chọn cây trồng, tiêu thụ điện hoặc nước được quyết định thông qua các cuộc thảo luận, nơi ý kiến của mỗi thành viên trong cộng đồng đều được lắng nghe và tôn trọng. Cộng đồng không bầu ra người lãnh đạo hoặc phân chia cấp bậc, nhưng việc lao động vẫn được phân công rõ ràng.

Wang, người phụ trách nông nghiệp, từng trồng thảo mộc trong các chậu nhỏ khi sống ở Bắc Kinh, nhưng giờ đây phải trồng cà rốt, khoai tây, đậu và ngô. Anh cần tính toán quy mô, quan sát thời tiết, đánh giá đất và tìm loại cây trồng phù hợp. Không ai trong cộng đồng có kinh nghiệm trồng trọt, nên Wang phải tự học về nông lâm nghiệp và canh tác tại trường đại học địa phương.

Những thành viên khác cũng theo học các lớp về nông nghiệp, may vá và điện. Xing cho biết thách thức lớn nhất là sản xuất quần áo, khi họ tự túc từ khâu trồng, kéo sợi và dệt vải. Mất khoảng hai tuần để may xong một chiếc áo, chưa bao gồm thời gian trồng và thu hoạch cây lấy sợi.

Chất lượng các bữa ăn là một vấn đề khác cho thấy cộng đồng này còn một chặng đường dài để phấn đấu. Họ vẫn phụ thuộc vào nguồn thịt và các loại gia vị mua tại cửa hàng bằng tiền tiết kiệm hoặc quyên góp, trong khi gạo nấu cháo phải mua từ một trang trại hữu cơ gần đó.

Tuy nhiên, tình hình này không khiến họ nản lòng bởi đây là một dự án dài hạn. Việc trở về với "nguyên thủy" sau khi rời bỏ cuộc sống giữa "những bức tường bê tông" chắc chắn mất thời gian. Đây là lần thứ hai Tang nỗ lực tạo ra một cộng đồng tự túc sau khoảng thời gian sống biệt lập trong túp lều nhỏ trên núi Lao Sơn, cách quê nhà của anh ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông khoảng 30 km.

Tang Lin, cha của anh, là một nhà tư vấn kinh tế giàu có, giúp ông chủ các công ty kiếm được nhiều tiền hơn. Ông thường dạy con mình cách suy nghĩ độc lập và không ủng hộ giáo dục kiểu truyền thống. "Tôi cũng nghĩ vậy, bởi tôi cho rằng trường học giúp bạn xin được việc làm, nhưng điều đó chỉ có chức năng kiếm tiền", Tang, người bỏ học từ năm 15 tuổi để kinh doanh riêng, cho biết.

Cha của Tang muốn anh nối nghiệp làm kinh doanh, nhưng anh từ chối. Thay vào đó, Tang tới chốn hoang vu tại Phúc Kiến cùng Xing trên chiếc xe lưu động và cùng nhau cố gắng xây dựng một căn nhà vững chắc. Trước khi tới đây, anh kiếm được khoảng 100.000 nhân dân tệ (14.300 USD) mỗi năm nhờ công việc thiết kế, nhưng sau đó quyết định từ bỏ để thực hiện ước mơ "thay đổi thế giới". Xing cũng bị cuốn theo "giấc mộng" của Tang và bỏ công việc văn phòng. Hai người kết hôn hồi năm 2012.

"Bạn bè đổ lỗi cho tôi không dạy con đúng cách, như buộc thằng bé đi học đại học", ông Tang Lin cho biết. "Họ nói tôi hủy hoại tương lai con trai mình. Nhưng tôi nghĩ Guanhua nên theo đuổi những gì khiến thằng bé hạnh phúc".

Sau những vấp ngã khi sống một mình trên núi Lao Sơn, Tang nhận ra anh cần mạng lưới hỗ trợ phù hợp để có thể xây dựng cuộc sống tự túc đích thực. "Có quá nhiều thứ phải học, khiến tôi nhận ra rằng không thể làm được nếu không có trợ giúp", Tang nói. 

Tại Phúc Kiến, vợ chồng Tang và những người đồng hành cũng gặp muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, Tang cho biết dù chuyện gì xảy ra, anh vẫn muốn sống "bên ngoài chiếc lồng để tạo ra những thế giới khác".

Ánh Ngọc (Theo SCMP)      17/12/2019, 08:18 (GMT+7)                                                                                                       

Ô nhiễm không khí, "sát nhân" thầm lặng trong thành phố

Mười năm lái taxi ở Hà Nội, Nguyễn Gia Thắng chưa từng nghĩ có ngày mình suýt chết ở tuổi 37, chỉ sau vài cơn ...

Thành phố Hà Nội nói rõ điều kiện xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng lâu năm

 Sở Nội vụ Thành phố Hà Nội yêu cầu các Quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê và công bố điều kiện xét đặc ...

Ô nhiễm không khí, sát nhân lặng thầm trong thành phố

Mười năm lái taxi ở Hà Nội, Nguyễn Gia Thắng chưa từng nghĩ có ngày mình suýt chết ở tuổi 37, chỉ sau vài cơn ...

                                                                                                                                

Ngày đăng: 11:24 | 17/12/2019

/ vnexpress.net