Sau 4 năm triển khai, đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã giúp đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây có nhiều mới mẻ, tiến bộ. Tuy vậy, vẫn còn đó nhiều lo lắng, trăn trở cần có giải pháp tháo gỡ tận gốc, nhất là vấn đề hôn nhân cận huyết.
Nụ cười ở bản mới
Trở lại bản Rào Tre vào dịp hè này, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống của 42 hộ dân (với 147 nhân khẩu toàn bản) ở đây đã có nhiều đổi thay tích cực. Rõ nhất là những ngôi nhà cao, rộng, sáng màu ngói mới đã xuất hiện ngày càng nhiều bên những ngôi nhà gỗ thấp nhỏ, cũ kĩ trước đây. Đặc biệt, 11 ngôi nhà mới tại bản mới, cách bản cũ tầm 1km đã mang đến một khung cảnh tươi mới, sáng bừng một góc rừng.
Trong ngôi nhà mới, khang trang, chị Hồ Thị Đình Xuân (25 tuổi) phấn khởi nói: “Vợ chồng em cùng với 10 hộ khác về nhận nhà tại bản mới này đã được 2 tháng rồi. Cả bản có 11 ngôi nhà giống hệt nhau với thiết kế kiểu nhà sàn kiên cố, cao, thoáng, thích lắm”. Vợ chồng Xuân cưới nhau năm 2015, nay đã có 1 con được 2 tuổi. Đây là cặp vợ chồng thuộc diện đặc biệt ở bản vì chồng Xuân là người dân tộc Kinh.
Việc 1 người Kinh lấy gái bản ở đây là rất hiếm, rất được chính quyền cổ vũ vì góp phần giảm tình trạng hôn nhân cận huyết khi trai gái trong bản hầu hết đã là anh em, họ hàng với nhau. Bởi vậy, ngày cưới, theo chính sách của đề án, vợ chồng Xuân được nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng làm đám cưới, vốn liếng làm ăn sau hôn nhân.
Chưa hết vui vì đám cưới không phải mất tiền, nay, vợ chồng Xuân lại được tặng hẳn 1 ngôi nhà mới khang trang nên với họ, không còn gì hạnh phúc hơn. “Không có nhà của nhà nước, thì không biết đến hết đời, vợ chồng em có làm nổi ngôi nhà như thế này không nữa. Chắc là không thể” - Xuân phấn khởi trải lòng.
Ở bản mới, cuộc sống của vợ chồng Xuân đã “đổi đời” trông thấy so với hàng chục năm nay sống ở bản cũ cùng cha, mẹ. Trong căn nhà đẹp, họ đã sắm thêm bộ giàn nhạc để giải trí, phòng bếp sử dụng bếp ga để nấu ăn, trông rất sạch sẽ. Để bắt kịp thời đại, 2 vợ chồng từ lâu đã sắm điện thoại smartphone để lướt mạng xem phim, đọc tin tức.
Ở ngôi nhà liền bên cạnh, chị Hồ Thị Kiên (30 tuổi, trưởng bản Rào Tre) cũng rất phấn khởi với ngôi nhà mới chắc chắn do nhà nước cấp. “Vui lắm. Sướng lắm. Rứa là không lo chi mưa, bão nữa rồi” - chị Kiên hào hứng chia sẻ khi chúng tôi hỏi thăm.
Chị Kiên còn phấn khởi khoe, sau khi được cho không ngôi nhà mới, gia đình chị đã lấy tiền tích cóp lâu nay mua 1 giàn loa nghe nhạc 14 triệu đồng, 1 xe máy 22 triệu đồng, sắm thêm bộ bếp ga để nấu ăn cho sạch sẽ, nhanh gọn mà không phải hì hục nhóm bếp, thổi lửa vùi trong tro bụi, toát mồ hôi mới có bữa cơm như trước đây.
Hỏi, lâu nay làm gì mà nuôi 2 đứa con (lớn 6 tuổi, nhỏ 3 tuổi), vợ chồng vẫn còn có tiền tích lũy, chị Kiên nói, chị nuôi trâu, nuôi lợn, còn chồng làm thợ hồ, lúc hết việc, nhàn rỗi thì đi rừng khai thác sản vật phụ như lấy mật ong, lấy lá nón, lấy mây, giang về bán.
“Cuộc sống như hôm nay là tốt lắm rồi. Nhưng mà em muốn còn tốt hơn nữa, nên đang tính sẽ vay vốn để nuôi 1 đàn lợn, đàn gà để có nhiều tiền hơn chứ chưa hài lòng với hiện tại” - chị Kiên chia sẻ ý tưởng của mình. Trong câu chuyện với chúng tôi, thi thoảng, điện thoại đổ chuông, chị Kiên lại lấy smartphone trong túi ra vuốt rồi alo, trả lời khi người dân trong bản có việc cần hỏi.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thiên - Tổ trưởng Tổ biên phòng Rào Tre - cho biết, nằm trong đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt ở Rào Tre, việc xây dựng 11 ngôi nhà ở bản mới để giãn dân đã được chính quyền hoàn thành, bàn giao cho 11 hộ dân thuộc diện mới kết hôn chưa có nhà ở, hoặc nhà tạm chưa đảm bảo ở bản cũ lên định cư tại bản mới.
Theo lời thiếu tá Thiên, lên bản mới, ngoài được cấp nhà (mỗi căn hơn 200 triệu đồng), các hộ dân nơi đây còn được cấp gần 2ha đất rừng để trồng keo. Đến nay, đã có 6 hộ nhận đất trồng cây, những hộ còn lại đang tiếp tục được bàn giao. Còn ở bản cũ, tháng 8.2017, lực lượng Biên phòng Hà Tĩnh cũng đã làm 6 ngôi nhà tặng những hộ khó khăn, nhà ở hư hỏng trị giá mỗi căn là 200 triệu đồng.
Phải làm đường để chống... hôn nhân cận huyết
“Cuộc sống của đồng bào nơi đây đã có nhiều tiến bộ so với trước đây. Tuy nhiên, vẫn đang còn nhiều điều trăn trở” - Tổ trưởng Tổ Biên phòng Rào Tre nhìn nhận. Theo lời thiếu tá Thiên, trước đây xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết, để lại hệ lụy nặng nề.
Nhờ nỗ lực tuyên truyền và có chính sách khuyến khích trai, gái trong bản lấy người Kinh hoặc người ở bản Cà Xèng ở Thanh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình, nên từ năm 2015 đến nay, đã chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, hiện nay rất đáng lo ngại là bản đang mất cân bằng giới tính nghiêm trọng khi có đến 16 nam, nhưng chỉ có 5 nữ ở độ tuổi thanh, thiếu niên. Mà trong bản thì nhiều hộ đã là anh em, họ hàng với nhau.
Thời gian qua, có 5 cặp kết hôn với người Kinh thì 4 trường hợp là gái bản lấy trai Kinh. Việc trai bản lấy được gái người Kinh hoặc gái ở bản khác là rất khó vì gái Kinh hay “chê” trai bản, mà trai bản sang tán gái ở Quảng Bình thì đường xa, lại hay bị đánh nên đây đang là vấn đề “nóng” chưa có giải pháp tối ưu giải quyết.
Thượng tá Nguyễn Văn Sâm - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bản Giàng - nói thêm, ngoài lo ngại về mất cân bằng giới tính, thì còn có thêm trăn trở khác là đồng bào dân tộc Chứt nơi đây dù đã biết trồng lúa nước thay đốt nương, làm rẫy, nhưng vẫn chưa tự túc được lương thực. Hàng năm, vẫn phải nhờ nhà nước cấp gạo hỗ trợ là chủ yếu. Thêm nữa, sức khỏe và trí tuệ của bà con vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông Đinh Văn Sánh - Chủ tịch UBND xã Hương Liên - cho biết, thời gian qua, dù đã được chính quyền các cấp, lực lượng biên phòng và các tổ chức xã hội quan tâm hỗ trợ rất nhiều, nhưng hiện nay, cuộc sống của đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre vẫn còn rất nhiều khó khăn. Hiện, 100% số hộ dân ở đây vẫn đang là hộ nghèo.
Sau 4 năm triển khai đề án phát triển dân tộc Chứt (phê duyệt tháng 9.2014), đời sống vật chất, tinh thần người dân có bước tiến, nhưng vẫn còn chậm. Hiện, bà con vẫn chưa thể tự chủ động được trong lao động, sản xuất. Đến vụ gieo trồng, vẫn phải có cán bộ xã phối hợp với bộ đội biên phòng hướng dẫn cách bắc mạ, gieo sạ. Từ chỗ trợ cấp hoàn toàn lương thực, nay họ cũng chỉ mới tự túc được 3 - 4 tháng ăn trong năm, còn lại vẫn trông chờ gạo, mắm muối trợ cấp của nhà nước.
“Nguyện vọng mở con đường từ Rào Tre sang xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình để giúp nam nữ 2 bên thuận tiện qua lại giao lưu, tìm hiểu, yêu nhau mà chúng tôi đề xuất từ lâu thì không được đưa vào đề án. Chính sách hỗ trợ 30 triệu đồng cho trường hợp người Kinh lấy người dân tộc Chứt của đề án cũng đã kết thúc sau 2 năm triển khai.
Trong khi hiện nay, ở Rào Tre, tình trạng mất cân bằng giới tính, nam nhiều gấp 3 lần nữ nên chắc chắn thời gian tới, sẽ tái diễn hôn nhân cận huyết. Vấn đề này chúng tôi đang rất băn khoăn, lo lắng” - ông Sánh bày tỏ.
Ông Sánh cho rằng, giải pháp hữu hiệu nhất để tránh hôn nhân cận huyết tái diễn vẫn phải là mở con đường từ bản Rào Tre sang Quảng Bình, bởi ở xã Thanh Hóa cũng là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số nên họ dễ đồng cảm, dễ đi đến hôn nhân. Do vậy, xã tiếp tục đề xuất cấp trên quan tâm kiến nghị này. Có như vậy, mới hy vọng giải quyết được mối lo tái diễn hôn nhân cận huyết.
Quái kiệt trên cao nguyên
Tôi là người từng viết về con đường đưa hạt cà phê “lên một tầm cao mới” của Đặng Lê Nguyên Vũ qua phóng sự ... |
Lớp học miễn phí trên cao nguyên của cô giáo khuyết tật
Thương những đứa trẻ J\'rai không có điều kiện học tập, cô Rmah H’Blao (Gia Lai) miệt mài đứng lớp trên đôi chân tật nguyền, ... |
Ngày đăng: 14:31 | 21/08/2018
/ https://laodong.vn