Chính quyền Trung Quốc muốn tăng tỷ lệ sinh để đối phó nguy cơ già hóa dân số, nhưng vấp phải nhiều trở ngại về kinh tế, xã hội.
Nữ hộ lý chăm sóc trẻ sơ sinh tại một bệnh viện phụ sản ở Bắc Kinh. Ảnh: NYTimes.
Gần ba năm sau khi nới lỏng chính sách "một con" đã được áp dụng nghiêm ngặt nhiều thập kỷ qua, chính phủ Trung Quốc đang thừa nhận một thực tế rằng nỗ lực khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con để tăng tỷ lệ sinh của đất nước đang trở nên bế tắc, khi ngày càng có nhiều người không muốn có thêm con thứ hai, theo NYTimes.
Chính sách "một con" được đưa ra vào năm 1979 nhằm kiềm chế tình trạng tăng dân số và thúc đẩy sự bùng nổ kinh tế ở giai đoạn đầu, với đội ngũ nhân viên kế hoạch hóa gia đình hùng hậu để kiểm soát mức sinh của các gia đình và trừng phạt những trường hợp vi phạm.
Đến năm 1984, chính phủ bắt đầu cho phép các gia đình ở nông thôn có con gái đầu lòng được phép sinh thêm một con. Năm 2013, Bắc Kinh bắt đầu nhận ra dấu hiệu về nền dân số đang già hóa và cho phép các cặp vợ chồng là con một được đẻ hai con. Hai năm sau, mọi gia đình Trung Quốc đều được quyền sinh hai con, có hiệu lực từ 1/1/2016.
Tỷ lệ sinh tăng mạnh trong năm đó, phản ánh nỗi khát khao có thêm con của nhiều gia đình Trung Quốc, nhưng lại sụt giảm vào năm 2017, khiến các quan chức Trung Quốc loay hoay tìm cách phát động một cuộc bùng nổ dân số, với quan ngại rằng một cuộc khủng hoảng "dân số già" trong tương lai có thể kéo tụt tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng tới các nỗ lực phát triển quốc gia của Chủ tịch Tập Cận Bình.
"Nói thẳng ra, việc sinh đẻ em bé giờ đây không còn là vấn đề riêng của gia đình, mà còn là chuyện quốc gia", People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, viết trong bài xã luận tuần trước.
Chính quyền tỉnh Thiểm Tây tháng trước còn kêu gọi Bắc Kinh bỏ mọi hạn chế về sinh đẻ và để người dân có bao nhiêu con tùy thích. Đề xuất này là một đề tài nhạy cảm ở Trung Quốc, bởi nó có thể cho thấy rằng chính sách một con được áp dụng với hàng triệu gia đình trên cả nước và thực hiện nghiêm ngặt suốt hàng chục năm qua đã tồn tại những khiếm khuyết nghiêm trọng.
"Người bình thường cũng như các học giả đều đã có đủ nhận thức chung về chính sách này", Wang Huiyao, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa ở Bắc Kinh, nói. "Việc dỡ bỏ mọi hạn chế với sinh đẻ chỉ còn là vấn đề thời gian".
Sức ép về dân số lớn đến mức quốc hội Trung Quốc trong phiên họp ở Bắc Kinh hồi đầu năm đã đề ra kế hoạch bỏ giới hạn mỗi gia đình chỉ được sinh hai con để tìm các biện pháp khuyến khích sinh đẻ hiệu quả hơn. Các chuyên gia cũng cho rằng đây gần như là lựa chọn duy nhất của chính phủ nước này.
Dân số với 1,4 tỷ người của Trung Quốc đang già hóa nhanh chóng, khiến lực lượng trong độ tuổi lao động ngày càng ít đi, trong khi số người già phụ thuộc lại tăng cao. Điều này dẫn đến tình trạng một số tỉnh thành đã bắt đầu gặp khó khăn trong việc chi trả lương hưu cho người dân.
Tuy nhiên, việc bãi bỏ giới hạn hai con nhiều khả năng sẽ không tạo ra bước đột phát trong tỷ lệ sinh của Trung Quốc, bởi một thực tế rằng phụ nữ trẻ tại các thành phố của nước này giờ chú trọng nhiều hơn vào sự nghiệp và không muốn bị ràng buộc quá nhiều bởi chuyện con cái. Các gia đình trẻ cũng đang chịu áp lực kinh tế ngày càng lớn như giá nhà tăng cao, chi phí giáo dục tăng vọt, khiến họ ngại sinh thêm con.
Bên trong một hội chợ Mẹ và Bé ở Thượng Hải tháng 7/2018. Ảnh: NYTimes.
Một hậu quả của chính sách một con trong hàng chục năm qua là tình trạng thừa nam thiếu nữ trầm trọng ở Trung Quốc, do quan niệm muốn có con trai nối dõi trong các gia đình. Chuyên gia nhân khẩu học He Yafu dự đoán số phụ nữ Trung Quốc trong độ tuổi sinh đẻ (20-39) sẽ giảm từ 202 triệu hiện nay xuống 163 triệu trong một thập niên tiếp theo.
"Nếu không có các biện pháp khuyến khích việc sinh đẻ, dân số Trung Quốc sẽ giảm mạnh trong tương lai", ông cảnh báo.
Một nghiên cứu gần đây của chính phủ cho thấy lực lượng lao động Trung Quốc có thể giảm tới 100 triệu người trong giai đoạn 2020-2035 và giảm tiếp 100 triệu người nữa vào năm 2050, gây nên áp lực rất lớn về phát triển kinh tế xã hội, nguồn thu ngân sách và môi trường.
Nỗ lực tăng sinh đẻ
Trong lúc Bắc Kinh đang nỗ lực tìm ra một giải pháp toàn quốc, chính quyền các địa phương đã có những bước đi nhất định nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh. Liêu Ninh, một trong những tỉnh có tỷ lệ sinh đẻ thấp nhất Trung Quốc, hồi tháng trước đã đưa ra một loạt ưu đãi cho các gia đình trẻ như giảm thuế, trợ cấp chi phí nhà ở và giáo dục, tăng thời gian nghỉ thai sản cũng như đầu tư vào các phòng khám và nhà trẻ.
Chính quyền tỉnh Giang Tây thì có hướng đi quyết liệt hơn, khi đưa ra quy định mới về các trường hợp phụ nữ được phép phá thai, trong đó yêu cầu những phụ nữ mang bầu hơn 14 tuần phải có sự chấp thuận của ba nhân viên y tế mới được phép phá thai. Các quan chức nói rằng quy định đó nhằm chấm dứt tình trạng các cặp vợ chồng bỏ thai khi phát hiện đó là con gái, đồng thời thừa nhận tăng tỷ lệ sinh cũng là mục đích của họ khi đề ra chính sách mới này.
Hai tỉnh khác thì thắt chặt các quy định về ly hôn, khiến quá trình ly dị giữa các cặp vợ chồng trở nên khó khăn hơn, với hy vọng điều này sẽ giúp tăng tỷ lệ sinh trong các gia đình.
Bên cạnh các biện pháp của chính quyền, nhiều công ty tư nhân Trung Quốc cũng bắt đầu ra tay để khuyến khích nhân viên sinh đẻ. Ctrip, công ty lữ hành trực tuyến lớn thứ hai thế giới, đã đưa ra một loạt lợi ích cho các bà mẹ trẻ, như cho taxi đưa đón trong thời gian mang thai và trợ cấp cho con em nhân viên đến tuổi đi học. Hồi tháng trước, công ty tuyên bố sẽ hỗ trợ chi phí đông lạnh trứng cho một số cán bộ quản lý, trở thành đơn vị tiên phong ở Trung Quốc thực hiện chính sách này.
Tổng giám đốc Jane Sun cho biết Ctrip hành động không chỉ vì trách nhiệm xã hội, mà còn để đối phó với áp lực kinh tế do dân số già hóa. "Thế hệ trước chúng tôi chỉ có một con, nên họ luôn cho rằng sinh một con là điều bình thường", Sun nói. "Tôi nghĩ chúng ta, từ trên xuống dưới, cần phải thấy mức độ cấp bách của vấn đề khuyến khích các gia đình có tỷ lệ sinh hợp lý".
Các chuyên gia cảnh báo rằng việc thay đổi hành vi sinh đẻ của người dân Trung Quốc sau hàng chục năm áp dụng chính sách một con là không dễ dàng chút nào. "Các ưu đãi và dịch vụ là không đủ để thuyết phục mọi người sinh thêm con thứ hai hay thứ ba, mà họ cần sự hỗ trợ tốt hơn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho những đứa trẻ sẽ được sinh ra", Shang Xiaoyuan, giáo sư tại Đại học New South Wales ở Australia, nói.
Bảo mẫu (phải) hướng dẫn bà mẹ trẻ cách chăm sóc trẻ sơ sinh ở Bắc Kinh năm 2015. Ảnh: NYTimes.
Sun Zhongyue, nhân viên văn phòng 27 tuổi ở Bắc Kinh, cho biết cô đã quyết định không sinh thêm con thứ hai với lý do tình trạng phân biệt đối xử tại chỗ làm, chi phí giáo dục cao và sức ép xã hội với những gia đình lớn.
Theo Sun, những người lớn lên từ thời kỳ "chính sách một con" như bà đang phải đối mặt với áp lực lớn từ công việc, trong khi bố mẹ ngày càng già yếu, cần nhiều sự chăm sóc hơn và không thể trông nom nhiều cho con cái của họ.
"Trước đây bố mẹ có thể giúp chúng tôi chăm lo cho đứa trẻ, nhưng sức khỏe bố mẹ ngày càng giảm sút nên không thể tiếp tục trông cháu nếu chúng tôi sinh thêm con", bà nói. "Nuôi dạy một đứa trẻ là công việc rất áp lực, tốn nhiều tiền và nhân lực".
Trung Quốc khuyến khích công dân sinh thêm con
Sau chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ để hạn chế tăng trưởng dân số, Trung Quốc đang kêu các cặp vợ chồng ... |
Trung Quốc tăng mạnh tỷ lệ vô sinh, đối diện với hệ lụy của chính sách một con
Gia tăng tỷ lệ vô sinh trên toàn quốc hay dân số già hóa đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng mà Trung ... |
Ngày đăng: 16:44 | 14/08/2018
/ https://vnexpress.net