Chuyên gia văn hóa cho rằng, việc rải tiền lẻ ở đền chùa, dúi tiền lẻ vào tượng Phật là hành vi \'đút lót\' thần linh, không đúng với văn hoá cúng bái truyền thống, vi phạm quy định sử dụng tiền tệ quốc gia.
Từ sau giao thừa, người khắp nơi trên cả nước bắt đầu đổ về các đền, chùa với mong muốn khởi đầu năm mới được an lành, suôn sẻ.
Tuy nhiên, ngoài đồ lễ, hương, hoa quả..., rất nhiều tiền lẻ với các mệnh giá từ 500 đồng đến 1.000, 2.000 và 5.000 đồng được người dân mang theo. Họ cài cắm khắp mọi nơi, từ các ban thờ, bàn tay Phật, đến ao, giếng Tiên.
"Đút lót" thần linh
Xung quanh "nạn" rải tiền lẻ trong chùa chiền và các cơ sở tâm linh vào những dịp lễ hội, TS Trần Long - Trưởng bộ môn Văn hoá Việt Nam (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng, rải tiền lẻ khắp nơi ở chùa chiền là hành vi "đút lót" thần linh, cần phải ngăn chặn và loại bỏ sớm.
TS Trần Long - Trưởng bộ môn Văn hoá Việt Nam (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM).
Theo TS Trần Long, từ xưa, đi lễ chùa là nét đẹp văn hóa của người Việt, tuy nhiên có không ít người đi lễ chùa nhưng ý thức và thái độ chưa được chuẩn mực. Họ vô tình trần tục hoá những điều tâm linh.
Đây không phải là hành vi vô thức, cũng không phải tập quán truyền thống. Không phải vô thức vì người rải tiền có mong muốn nhận được những “lợi lộc” thật khi buông ra những đồng tiền thật. Không phải tập quán vì hành vi này xuất hiện trong thời hiện đại, người ta dùng tiền thật để làm phương tiện trao đổi có điều kiện với Thần Phật.
Theo tập quán truyền thống, người dân không bao giờ dám xem Thần Phật cùng thế giới với mình. Với họ, Thần Phật luôn ờ một cảnh giới khác, ở vị thế có quyền năng ban phát và ban phát một cách quảng đại, vô tư.
Hành vi dấm dúi tiền vào tay, nhét vào đâu đó trong cơ thể người khác chỉ xảy ra khi người ta coi nhau ngang hàng, quá thân thiết với nhau, hoặc vì lòng thương của người trên đối với kẻ dưới.
Chung quy lại, xét về cách thức lẫn mục đích, hành vi rải tiền lẻ ở các cơ sở tâm linh biểu hiện thái độ coi thường Thần Phật, trần tục hoá mục đích tham dự lễ hội. Nó hoàn toàn trái ngược với truyền thống cúng bái của dân tộc.
Người dân dúi tiền lẻ vào các tượng Phật. (Ảnh: Zing.vn)
Mặt khác, ở góc độ sử dụng tiền tệ, hành vi rải tiền như vậy thể hiện thái độ thiếu tôn trọng đối với đồng tiền quốc gia, cũng có nghĩa là thiếu tự trọng với chính mình. Tất cả đều góp phần làm xấu xí lễ hội, làm xấu đi bộ mặt quốc gia, dân tộc. Một khi hiện tượng trên lan rộng, lặp đi lặp lại, trở thành thói quen như một hình thức mê tín mù quáng thì hệ quả của nó thật khó lường.
"20 năm trước không hề có việc rải tiền lẻ, hành vi này xuất hiện vào thời gian gần đây.
Bây giờ, việc rải tiền lẻ thực sự trở thành một vấn đề, mà vấn đề này tạo ra ít nhiều rắc rối trong đời sống xã hội. Thậm chí, việc này gây rắc rối trong các cơ sở sinh hoạt tôn giáo. Đã đến lúc chúng ta cần đặt ra và tìm hướng giải quyết", TS Trần Long nói.
TS Trần Long cho rằng, việc rải tiền lẻ hay dúi tiền lẻ vào tay, vào áo, vào miệng, vào tai các tượng Phật là hành vi “đút lót" thánh thần. Đây là điều tối kỵ và sai giáo lý nhà Phật. Không ít người làm như vậy là do họ chưa hiểu đến nơi đến chốn.
Nạn rải tiền lẻ trong đền chùa không khác gì nạn "bôi trơn, hối lộ" mà Đảng và Nhà nước ta đang ráo riết loại trừ. Hối lộ trong cuộc sống thường ngày chưa loại bỏ được thì nay lại thêm việc "hối lộ" thần linh.
TS Trần Long
Thực tế, rải tiền lẻ ở khắp nơi trong đền chùa tạo ra một hình ảnh phản tín ngưỡng, vì thần linh không cần vật chất, quan trọng là lòng thành. Rải tiền lẻ với mục đích được lợi lộc là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm.
TS Trần Long nhấn mạnh, mỗi đồng tiền dù lớn hay nhỏ đều là biểu tượng của quốc gia nên mọi người đều phải có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ, không nên đua nhau đổi tiền lẻ, để rồi rải khắp chùa chiền khi đi lễ, thậm chí tiền lẻ còn rơi vãi, có người còn dẫm đạp lên.
"Mặc cả" với thần linh
Theo TS Trần Long, bỏ tiền vào thùng công đức khi đi lễ chùa mang ý nghĩa công đức xây dựng tu bổ, là “tiền giọt dầu”, nhang đèn dâng cúng Thần Phật.
Tuy nhiên, đến hiện tại, việc làm này càng ngày càng biến tướng trở thành “tệ nạn”. Người đi lễ không bỏ tiền vào thùng mà rải khắp nơi. Từ gốc cây, mọi vị trí trên tượng Phật, trên bàn thờ hay bất kỳ ngóc ngách nào không khác gì xả rác, làm mất đi vẻ tôn nghiêm, linh thiêng của chốn Phật.
“Tiền giọt dầu” nhưng đặt đúng vị trí (thùng công đức) thì có ý nghĩa. Nếu vin vào cái cớ cho rằng “tiền giọt dầu” có mệnh giá thấp, có giá trị trao đổi hàng hoá thấp thì dùng sao cũng được, để rồi đem vung vãi vô tội vạ là hoàn toàn vô nghĩa.
Điều này thể hiện nhận thức không đầy đủ về việc sử dụng tiền tệ, nhận thức không đúng về tiền công đức.
Hài hước nhất là khi người ta bỏ những tờ tiền lẻ mệnh giá thấp đó nhưng lại “xin” những ước muốn không nhỏ, với ý nghĩ đổi tiền nhỏ lấy tiền lớn. Người đi lễ phần lớn nghĩ “trần sao âm vậy” nên cứ như "quan hệ song phương" trao đổi có đi có lại với thần linh.
Việc rải một đống tiền lẻ nơi cửa Phật với mong ước thu lại một đống tiền khác lớn hơn là điều không bao giờ có.
Tiền lẻ vung vãi trên nền nhà chùa sau khi hàng nghìn lượt khách ghé thăm.
"Ngẫm với cuộc sống hôm nay, hành vi này không khác gì nạn "bôi trơn, hối lộ" mà Đảng và Nhà nước ta đang ráo riết loại trừ. Hối lộ trong cuộc sống thường ngày chưa loại bỏ được thì nay lại thêm việc "hối lộ" thần linh.
Trong đời thực không ít người đã nghiệm ra hệ quả của việc đến các cửa “xin cho” mà đi tay không. Vì vậy, nếu không bỏ tiền lẻ thì những gì mình cầu nguyện không dễ dàng ứng nghiệm.
Việc làm này không khác gì con người đang "mặc cả" với thần linh, việc đi lễ vô tình biến thành một sự trao đổi, xem thần linh rẻ rúng có thể mua chuộc bằng tiền, làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa trong đời sống tín ngưỡng dân gian", TS Trần Long phân tích.
TS Trần Long cũng tỏ ra lo ngại khi việc rải tiền lẻ tại các đền chùa như đã trở thành một thói quen ăn sâu, khó loại bỏ nhanh chóng. Việc thay đổi suy nghĩ của những người đi lễ về việc họ cảm thấy không yên lòng khi chỉ đi lễ bằng cái tâm và tay không, nếu không bỏ tiền lẻ thì những gì mình cầu nguyện không ứng nghiệm không hề dễ dàng.
Theo ông Long, để hoạt động tín ngưỡng diễn ra đúng với bản chất, không bị bóp méo, biến dạng thì các cơ quan chức năng cần ráo riết vào cuộc, bài trừ mê tín dị đoan để mọi người có cái nhìn đúng đắn về lễ hội.
Các đền chùa tăng cường phát loa thông báo, khuyến cáo người dân không rải tiền lẻ. Ngân hàng Nhà nước không in tiền mới mệnh giá nhỏ, nghiêm cấm đổi tiền lẻ thu phí, xử phạt nặng những nhân viên ngân hàng có hành vi "lén" đổi tiền cho người dân.
Ngoài ra, cần có những cách giáo dục ý thức cho mọi người một cách đại chúng, phổ cập, thường xuyên về ý nghĩa tâm linh khi tham dự lễ hội.
Mua chuộc thánh thần Ra giêng là mùa của lễ hội. Thiên hạ nô nức đi trẩy hội, kèm theo đó là viếng đền chùa, dâng lễ cúng bái ... |
Lên chùa cầu gì? Sau Tết, lại bắt đầu mùa lễ hội. Nhiều người chọn đi chùa đầu năm để cầu cho mình và gia đình. Vậy, lên chùa ... |
Bài cúng Rằm tháng Bảy theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam Lễ cúng Rằm tháng Bảy được coi là một trong những nghi lễ quan trọng của người Việt. Để tiện theo dõi, VietNamNet xin giới thiệu ... |
Ngày đăng: 12:00 | 16/02/2019
/ https://vtc.vn