Nhiều hố ga, cống thoát nước trên các tuyến đường tại TP HCM trở thành nơi chứa đủ thứ rác thải.
Đã có chế tài xử phạt hành vi vứt rác bừa bãi nơi công cộng, tuy nhiên tại các cống thoát nước tại TP HCM vẫn tràn ngập rác thải. Trên các tuyến đường quận 1, 7, 10 và Bình Thạnh, nhiều người dân vẫn vô tư xem "cống thoát nước là nơi chứa rác", gây khó khăn cho các công nhân môi trường.
Miệng cống thoát nước tại góc đường Nguyễn Siêu - Thái Văn Lung (quận 1) ken đặc các loại rác: túi nylon, chai nhựa, khẩu trang, chổi đót...
Rác lấp toàn bộ miệng cống trên đường Lý Thái Tổ (quận 10). "Ngày nào chẳng thế, ban ngày thì người đi đường ăn uống xong, vứt hộp và ly nhựa, còn tối đến, người dân ở đây lén lút đem rác đổ xuống cống", một người bán nước trên đường bức xúc.
Cống thoát nước đối diện Bệnh viện Nhi đồng 1 (quận 10) trở thành nơi chứa các bao đựng thức ăn, đồ gỗ, nhựa phế phẩm. Theo người dân, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa thấy cơ quan chức năng nhắc nhở, xử lý.
Bao đựng rác chắn nửa miệng cống trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) - điểm ngập của TP HCM mỗi khi mưa lớn. "Cứ tối đến khi dọn hàng xong, những người bán hàng rong lại đổ hết rác vào miệng cống. Gặp mưa, rác trôi xuống cống làm tắc, đường ngập. Bà con ở đây đã phản ánh rất nhiều lần rồi nhưng không ăn thua", ông Lê Đức Dũng, sống ven đường, cho biết.
Những bao tải rác chất thành đống quanh hố ga gần một tiệm bánh trên đường Tôn Đản (quận 4). "Ngày nắng, rác bốc mùi hôi nhưng còn đỡ vì cuối ngày công nhân môi trường sẽ dọn, gặp ngày mưa, rác nổi lềnh bềnh khắp nơi", ông Năm, người dân sống ven đường, ngán ngẩm.
Túi nylon chứa rác cùng phế liệu bịt kín miệng cống trên đường Dương Bá Trạc (quận 8).
Những túi rác bủa vây cả bên trong và ngoài cống thoát nước trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh).
Người đàn ông thản nhiên đặt bịch rác trên nắp cống quốc lộ 13 (quận Bình Thạnh).
Đống rác đủ các loại chai, hộp nhựa, rau củ quả được các công nhân vớt lên từ cống thoát nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh sau một trận mưa. Tuyến đường này được xem là "rốn ngập" của thành phố nhiều năm nay.
"Nhiều người vứt rác tràn lan xuống lòng đường, vỉa hè, hố ga khiến chúng tôi dọn dẹp không xuể. Chúng tôi chỉ mong, ai cũng để rác đúng chỗ, phân loại rác để bớt khổ." bà Hoàn, công nhân quét rác, chia sẻ.
Mỗi ngày, hàng chục tổ công nhân nạo vét cống của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM làm nhiệm vụ.
"Chỉ trong một cống, tổ 8 người của tôi vớt khoảng 4-5 tấn rác mỗi ngày. Chúng tôi chỉ mong ai cũng đều có ý thức, không xả rác bừa bãi để anh em công nhân làm việc đỡ vất vả và làm cho thành phố xanh - sạch hơn", ông Nguyễn Công Thưởng, công nhân vớt rác 22 năm, chia sẻ.
Mới đây, tại chương trình Lắng nghe và trao đổi về Vấn đề ngập nước tại TP HCM: nguyên nhân và giải pháp, nhiều ý kiến cho rằng, việc người dân xả rác bừa bãi xuống cống làm nước không thể thoát là lý do gây ngập. Lãnh đạo HĐND TP HCM đã thay mặt chính quyền xin lỗi các công nhân vớt rác, đồng thời yêu cầu người dân để rác đúng nơi quy định.
TP HCM đưa ra 10 cách chống mùi hôi cho khu Nam Sài Gòn
Điều chỉnh thời gian nhận rác, tăng lớp che phủ, máy phun xịt… tại bãi rác Đa Phước là các giải pháp giảm mùi hôi ... |
Mùi hôi tiếp tục tấn công khu Nam Sài Gòn
Những đợt gió Tây Nam sau mưa, hay lúc đêm khuya, lại đẩy mùi hôi thối về khu dân cư quận 7, Nhà Bè, Bình ... |
Thành Nguyễn
Ngày đăng: 14:43 | 05/07/2018
/ https://vnexpress.net