Đa phần phế liệu ùn ứ ở các cảng hiện nay là dạng tạm nhập về Việt Nam để tái xuất sang Trung Quốc nhưng bất thành.
Theo dữ liệu của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, 6 tháng đầu năm lượng rác, phế thải về TP HCM qua cảng này tăng mạnh với khoảng 8.000 container tồn đọng tại cảng. Một phần ba số đó đã nhập về trên 90 ngày nhưng vẫn chưa doanh nghiệp nào đến làm thủ tục thông quan. Đây là tình trạng đáng báo động khi lượng rác, phế liệu về Việt Nam tăng gấp nhiều lần so với năm trước đó.
|
Là đơn vị chuyên kinh doanh hàng phế liệu, lãnh đạo doanh nghiệp ở TP HCM cho biết, đa phần phế liệu trên nhập khẩu từ nước ngoài qua tạm nhập tái xuất. Tuy nhiên, từ năm ngoái Trung Quốc đã thông báo với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc họ ngừng nhập khẩu 24 loại rác thải từ nước ngoài. Trong đó, Trung Quốc sẽ cấm nhập tất cả loại rác gia đình.
Do đó, nhiều doanh nghiệp buộc phải bỏ hàng vì không xuất đi được. Trong khi đó, tiền tiêu hủy cao gấp đôi so với tiền hàng nên doanh nghiệp đành bỏ trốn.
Thông thường, giá nhập các mặt hàng này “rẻ như cho” nên khi "tân trang", doanh nghiệp có thể lời gấp 6 lần. Tuy nhiên, mặt hàng này rủi ro cao nên để phòng tránh hao hụt khi gặp phải những lô hàng có dấu hiệu vi phạm hoặc không tái xuất được, doanh nghiệp thường làm hồ sơ giả với nơi nhận là một doanh nghiệp không có đăng ký kinh doanh để dễ “thoát xác”.
Vị này cũng cho biết, các nhóm rác và phế liệu ở nước ngoài không chỉ nhập qua cảng Cát Lái mà còn có tại cảng Hải Phòng, Cái Lân với 3 nhóm hàng: lục phủ ngũ tạng hết hạn; hàng nhựa, cơ khí và điện lạnh; thời trang sida. Toàn bộ mặt hàng này đi từ 3 hướng. Thứ nhất là Nhật Bản, nhóm này được gom từ hàng nội địa Nhật. Thứ hai là từ HongKong, nhóm này được gom từ hàng ở Nhật, Đài Loan... Đường thứ ba xuất phát từ Singapore, với nhóm hàng gom từ Australia, Malaysia và châu Âu.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, đại diện Tân Cảng Sài Gòn cho biết, tồn đọng lượng phế liệu lớn nên hoạt động của cảng bị ảnh hưởng, làm giảm tốc độ thông quan hàng hóa, tăng chi phí lưu kho, lưu bãi của khách hàng.
Ông Lê Văn Nhiễn, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cát Lái thừa nhận tình trạng nhiều doanh nghiệp chưa có giấy phép nhưng vẫn nhập khẩu về Việt Nam gây tồn đọng tại cửa khẩu. Khi không xin được giấy phép, các doanh nghiệp lại điều chỉnh tên người nhận hàng gây khó khăn cho việc theo dõi số lượng. Theo quy định hiện hành, phế liệu phải thực hiện thủ tục hải quan, thông quan tại cửa nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp khai báo tên hàng hóa khác để lợi dụng việc phân luồng tờ khai.
Trong khi đó, việc xử lý hàng tồn không đạt chuẩn không có người nhận theo Thông tư 203 Bộ Tài chính ban hành năm 2014 theo vị này rất tốn kém và phải thuê nhà máy để xử lý. Hiện, nhiều lô hàng nhà chức trách mời doanh nghiệp đến làm thủ tục nhưng họ không đến. Do đó, căn cứ theo luật, hải quan sẽ mời các lực lượng như công an biên phòng cảng để ra quyết định khám xét lô hàng. Nếu vi phạm cấm nhập khẩu chúng tôi sẽ lập biên bản cùng các cơ quan khác theo quy định.
Trước tình trạng tồn đọng trên, cơ quan chức năng đã ngưng cấp giấy phép nhập khẩu. Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cũng ngưng nhận các container phế liệu nhập tại Cát Lái và Hiệp Phước từ đầu tháng 6.
Tổng cục Hải quan cũng vừa có văn bản yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam. Hoạt động nhập khẩu phế liệu theo cơ quan này "có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống".
Tổng cục Hải quan cho biết, việc nhập phế liệu phải đáp ứng các điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, do không đáp ứng được những điều kiện này, một số doanh nghiệp lợi dụng khai sai về tên hàng, mã số hàng hóa để gian lận chính sách nhập khẩu hoặc sử dụng giả giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất khi làm thủ tục hải quan.
Vì vậy, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra hàng hóa là sắt, thép, nhựa, giấy đã qua sử dụng có mã số hàng hóa khác với mã số hàng hóa là phế liệu thuộc danh mục được phép nhập của Thủ tướng. Đồng thời, đơn vị này sẽ xử lý nghiêm trường hợp gian lận, nhập khẩu phế liệu không đáp ứng về điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.
Thi Hà - Anh Tú
8.000 container phế liệu: Ăn tiền chở rác về Việt Nam?
Vì lòng tham, vì lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp trong nước đã nhận tiền chở rác từ nước ngoài về Việt Nam. |
Hàng chục nghìn container “rác thải” tại các cảng biển, cách nào xử lý?
Tại cảng Hải Phòng, TP HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu có tới hàng chục nghìn container đang bị "bỏ quên", làm giảm năng suất, hiệu quả ... |
Ngày đăng: 16:30 | 20/06/2018
/ VnExpress