Những ngày qua, đã có những dấu hiệu số ca mắc Covid-19 tăng trở lại. Thực tế này đặt ra yêu cầu không ai được phép lơ là, chủ quan trước tình hình dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, nhất là trong bối cảnh không chỉ có dịch Covid-19 lưu hành, mà nhiều dịch bệnh khác đang diễn biến phức tạp như cúm mùa, sốt xuất huyết, tay chân miệng…
Sau nhiều ngày số ca mắc mới luôn ở mức dưới 1.000, thậm chí ngày 10-7 chỉ ghi nhận 465 ca nhiễm Covid-19 - con số thấp nhất trong hơn một năm qua, thì từ ngày 19-7 đến ngày 24-7 liên tục có hơn 1.000 ca/ngày. Đáng chú ý, ngày 21-7, số ca mắc ghi nhận lên đến gần 1.300 ca, tăng cao nhất trong hơn 1,5 tháng qua.
Đáng nói hơn, trong thời gian qua, nước ta đã xuất hiện những biến thể phụ của chủng Omicron với nguy cơ lây lan nhanh hơn và có khả năng lẩn tránh miễn dịch. Cụ thể, từ tháng 6-2022, khu vực miền Bắc đã phát hiện biến thể phụ của Omicron là BA.5 tại Hà Nội, sau đó lan ra nhiều địa phương khác. Ngoài ra, từ trung tuần tháng 7 đến nay, qua giải trình tự gen đã phát hiện thêm biến thể phụ BA.2.12.1, với khả năng lẩn tránh miễn dịch nhưng ít hơn BA.4, BA.5.
Trong khi đó, hiện nay, việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở một số địa phương chưa bảo đảm tiến độ đề ra. Nguyên nhân là công tác chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc tiêm chủng chưa thực sự quyết liệt, khoa học; thông tin tuyên truyền chưa tương xứng với tình hình dịch bệnh; một bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan…
Mục tiêu nhất quán, xuyên suốt hiện nay là các cấp, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh; tiếp tục thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bùng phát trở lại, góp phần phục hồi nhanh và phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiệm vụ quan trọng trước tiên là cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, linh hoạt, hiệu quả 3 trụ cột phòng, chống dịch là xét nghiệm, cách ly, điều trị; công thức "2K" (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác. Trong đó, các địa phương cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, không để tình trạng vắc xin không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí. Mục tiêu cần thực hiện là hoàn thành sớm nhất việc tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 (mũi tăng cường); tiếp tục tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi, bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đáp ứng yêu cầu về chuyên môn của ngành Y tế.
Cùng với đó, ngành Y tế cùng các địa phương tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới để chủ động có giải pháp ứng phó, không để bất ngờ, bị động. Trong đó, kết hợp với nhiệm vụ ngăn chặn dịch Covid-19, cần tập trung phòng, chống dịch sốt xuất huyết, cúm mùa, tay chân miệng và các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành khác. Đặc biệt, cần tiếp tục tăng cường năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở; quan tâm đến đội ngũ cán bộ y tế, bảo đảm đủ nhân lực phòng, chống dịch trong mọi tình huống.
Mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm cùng cộng đồng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, những đối tượng ưu tiên, nguy cơ cao cần khẩn trương hoàn thành tiêm vắc xin mũi tăng cường để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và tạo miễn dịch cộng đồng một cách bền vững.
Luôn chủ động, sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch có thể xảy ra là giải pháp hữu hiệu, quyết tâm không để dịch bệnh bùng phát.
https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Luan-ban-Hanh-dong/1037732/quyet-tam-khong-de-dich-bung-phat
Ngày đăng: 12:41 | 25/07/2022
Bắc Vũ / Hà Nội Mới