Bằng cách này hay cách khác, quân đội Myanmar kiểm soát đất nước từ năm 1962 tới 2010 và trở lại nắm quyền sau cuộc đảo chính cách đây gần hai tháng.

Daw Mar Mar Ei quen với việc đánh thức em trai vào mỗi sáng sớm. Nhưng thói quen này đột ngột chấm dứt vào một ngày hè oi bức năm 1988. Daw chết lặng khi nhìn thi thể của em trai trên chiếc xe đẩy trong nhà xác cũ kỹ của Bệnh viện Đa khoa Yangon.

"Trông thằng bé như đang ngủ một cách yên bình", Daw nói.

Đứng trong nhà xác cùng Daw còn có hai cảnh sát mặc thường phục. Một trong số nó họ với với Daw: "Cô nên khóc".

"Tôi hét lên với họ: 'Làm sao tôi phải khóc khi em trai mình bị giết một cách oan uổng'", người phụ nữ 58 tuổi nhớ lại ngày định mệnh cách đây 30 năm.

Tối trước đó, một nhóm sinh viên Viện Công nghệ Rangoon (nay là Đại học Công nghệ Yangon) tranh cãi với một nhóm thanh niên ở khu phố gần khuôn viên trường. Các sinh viên không hài lòng với cách xử lý vụ việc của giới chức, dẫn tới nhiều cuộc đụng độ với người dân và cảnh sát. Ngay trong đêm, một nhóm cảnh sát đột kích vào khuôn viên Viện Công nghệ Rangoon, nổ súng vào các sinh viên. Ko Phone Maw - em trai của Daw, sinh viên năm thứ 5 chuyên ngành Hóa học bị bắn chết trong đêm.

Quyền lực của quân đội Myanmar - 1
Các cựu sinh viên của Đại học Công nghệ Yangon tới đặt vòng hoa tưởng nhớ Ko Phone Maw. (Ảnh: Irrawaddy)

Cái chết của Ko và một sinh viên vài tuần sau đó làm dấy lên các cuộc biểu tình toàn quốc chống chính quyền quân sự lúc bấy giờ, hay còn gọi là chiến dịch 8-8-88.

Sự kiện này đặt nền móng cho những thay đổi để tiến tới chính phủ dân cử ba thập kỷ sau đó.

Chiến dịch 8-8-88 chỉ là một trong nhiều cuộc nổi dậy chống lại quân đội của người dân Myanmar trong nhiều thập kỷ.

Quyền lực to lớn

Quân đội là cơ quan quyền lực nhất ở Myanmar kể từ khi quốc gia Đông Nam Á độc lập khỏi Anh năm 1948.

Tướng Aung San - kiến trúc sư của độc lập của Myanmar và là cha của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi thành lập lực lượng Quân đội Quốc gia Myanmar vào đầu những năm 1947. Quân đội Myanmar (Tatmadaw) nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng với tư cách là tổ chức giải phóng quốc gia khỏi ách thuộc địa.

Nhưng kể từ sau khi giành được độc lập, Myanmar chứng kiến nhiều cuộc xung đột chồng chéo giữa các lực lượng, trong đó có mâu thuẫn giữa lực lượng quân đội với chính phủ... Ở thời điểm nền chính trị quốc gia ngày càng trở nên chia rẽ, quân đội Myanmar coi mình là lực lượng duy nhất có thể gắn kết đất nước.

Chính quyền dân chủ chỉ tồn tại được khoảng gần 15 năm cho tới khi quân đội do Tướng Ne Win lãnh đạo thực hiện đảo chính, đứng lên nắm quyền.

Cuộc đảo chính mở đường cho ông Ne Win giới thiệu về “Con đường Miến Điện đến Chủ nghĩa Xã hội”, một sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác, Phật giáo và chủ nghĩa dân tộc. Điều này khiến Myanmar rơi vào thế cô lập với phần còn lại của thế giới và tàn phá một trong những nền kinh tế giàu có nhất trong khu vực lúc bấy giờ.

Chính sách quản lý, điều hành khắc nghiệt của chính phủ với người dân thổi bùng lên sự phẫn nộ và là một phần ngòi nổ châm ngòi cho cuộc chính biến vào năm 1988 khiến khoảng 3.000 người thiệt mạng.

Quân đội ngăn chặn thành công các cuộc biểu tình. Dù vậy, họ không thể ngăn chặn những lời kêu gọi dân chủ ngày càng gia tăng và gần như mất đi sự ủng hộ của công chúng. Cùng năm đó, bà Aung San Suu Kyi thành lập đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) và bắt đầu gây sức ép buộc chính phủ quân sự tổ chức bầu cử.

Trước áp lực trong nước và quốc tế, quân đội tổ chức bầu cử dẫn tới chiến thắng vang dội của NLD. Tuy nhiên, chính quyền từ chối công nhận kết quả. Thay vào đó, họ quản thúc bà Suu Kyi.

Tatmadaw hứa sẽ tổ chức các cuộc bầu cử mới và chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự sau khi soạn thảo hiến pháp mới. Nhưng lời hứa này mất 18 năm để thực hiện.

Hưởng lợi từ hiến pháp

Sau khi cai trị đất nước bằng nắm đấm sắt trong gần hai thập kỷ, Tatmadaw một tay soạn thảo bản hiến pháp mới vào năm 2008.

Với bản hiến pháp này, Tatmadaw được phép nắm 25% ghế tại quốc hội không qua bầu cử - tỷ lệ đủ để phủ quyết bất kỳ dự luật nào. Quân đội cũng có quyền bổ nhiệm người của họ vào các vị trí quan trọng trong nội các gồm lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ Các vấn đề Biên phòng.

Điều này đảm bảo vai trò quan trọng của quân đội trong các vấn đề chính trị và kéo theo một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với chính quyền dân sự. Đặc biệt, Điều 417 của bản hiến pháp này còn trao cho tổng tư lệnh quân đội quyền kiểm soát toàn bộ các nhánh lập pháp, tư pháp và hành pháp nếu chủ quyền đất nước bị đe dọa.

Theo Aljazeera, Tatmadaw tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc thông qua bản hiến pháp mới mà không có sự tham gia của bất cứ nhóm đối lập nào và chỉ hai ngày trước khi siêu bão Nargis quét qua quốc gia Đông Nam Á.

Quyền lực của quân đội Myanmar - 2
Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi (phải) và Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing. (Ảnh: EPA)

Bất chấp NLD cáo buộc cuộc trưng cầu dân ý là "gian lận" và cộng đồng quốc tế đặt câu hỏi về tính hợp pháp của nó, quân đội Myanmar thông báo dự thảo được chấp nhận với sự ủng hộ của chúng và nhanh chóng có hiệu lực.

Cột mốc đáng chú ý đánh dấu quá trình chuyển đối dân chủ bắt đầu với việc chính quyền quân sự trao lại quyền lực cho một chính phủ bán dân sự của cựu tướng Thein Sein vào năm 2011. Các cuộc đối thoại sau đó giữa bà Suu Kyi và tướng lĩnh quân đội giúp hai bên đi tới một số thỏa hiệp.

Năm 2015, đảng NLD giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tự do lần đầu tiên sau 25 năm. Tuy nhiên, nhờ các điều khoản trong Hiến pháp năm 2018, quân đội duy trì vai trò lớn trong hệ thống chính trị Myanmar.

Tatmadaw kiểm soát một mạng lưới rộng lớn các công ty có liên kết với các ngành như khai thác ngọc bích và ruby, thuốc lá, bia, sản xuất, du lịch, ngân hàng và vận tải.

Thỏa thuận này mang lại cho Tatmadaw sự độc lập hoàn toàn về tài chính và cho phép lực lượng này dễ dàng chống lại mọi lời kêu gọi cải cách trong nước và quốc tế nhiều năm.

"Bất chấp những thay đổi chính trị ở Myanmar, quân đội vẫn nắm quyền kiểm soát vững chắc", Yeshua Moser-Puangsuwan, Giám đốc khu vực của Cơ quan giám sát bạo lực quốc tế có trụ sở tại Geneva cho hay.

Theo New York Times, các tướng lĩnh Myanmar trong nhiều năm tìm cách thiết lập một hệ thống đảm bảo lợi ích lâu dài. Quyền lực của quân đội theo đó ăn sâu vào mọi khía cạnh trong cuộc sống và không thể bị xóa bỏ trong một sớm một chiều.

"Quân đội không chỉ có hệ thống trường học, bệnh viện và sản xuất thực phẩm riêng. Giới tinh hoa của họ còn kết thông gia với các gia đình làm kinh doanh và thuộc NLD, tạo nên một kết cấu thống nhất gần như không thể gỡ bỏ", Richard Horsey - nhà phân tích chính trị tại Yangon cho biết

Một báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế vào năm 2020 cho thấy tập đoàn quân sự Myanmar Economic thu về tới 18 tỷ USD từ năm 1990 tới năm 2020 thông qua các doanh nghiệp do quân đội kiểm soát.

Quân đội cũng tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ của công chúng khi quyên góp cho các cộng đồng, tổ chức Phật giáo. Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing từng giành không ít lời khen từ dư luận với việc tài trợ cho bức tượng Phật bằng đá cẩm thạch lớn nhất đất nước.

Đảo chính

Các nhà phân tích cho rằng mối quan hệ giữa ông Min Aung Hlaing và bà Suu Kyi xấu đi đáng kể từ sau cuộc bầu cử năm 2015 và trở nên tồi tệ hơn trong những năm kế đó. Điều này là nguồn cơn dẫn tới những rạn nứt trong quan hệ giữa hai cơ quan chia sẻ quyền lực.

Hai bên bất đồng quan điểm về hệ thống chính trị chia sẻ quyền lực bán dân chủ ở Myanmar. Bà Suu Kyi muốn cải cách trong khi quân đội muốn tiếp tục duy trì hệ thống này.

Cả hai cũng không tìm ra tiếng nói chung trong một số vấn đề liên quan tới phương hướng, đường lối và tư tưởng chính trị.

Quyền lực của quân đội Myanmar - 3
Các binh sỹ Myanmar ngồi bên trong một chiếc ô tô tại khu vực trung tâm thành phố ở Yangon một ngày sau cuộc đảo chính. (Ảnh: Reuters)

Trong khi các tướng lĩnh quân đội nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ cộng đồng Phật giáo, những người theo dân tộc chủ nghĩa và các tổ chức về xã hội, sắc tộc, chính phủ dân chủ lại giành được niềm tin từ các đảng cấp tiến, doanh nghiệp và các nhóm xã hội khác nhau. Việc giành được sự ủng hộ của nhiều thành phần xã hội khiến NLD tạo ra một đối trọng lớn với quân đội.

Các nhà phân tích cho rằng các tướng lĩnh quân đội có thể đã đánh giá thấp ảnh hưởng của bà Suu Kyi và cảnh giác về những gì mà họ coi là vai trò quá lớn của bà trong việc điều hành đất nước.

Trong một bài xã luận năm 2019, tờ Irrawaddy của Myanmar cho rằng không thể đánh giá thấp tham vọng trở thành Tổng thống của Thống tướng Aung Hlaing - người đúng ra sẽ nghỉ hưu vào mùa hè năm nay.

Nhưng với việc NLD nắm quyền từ năm 2015, ghế tổng thống thuộc về những người trung thành với bà Suu Kyi. Hy vọng được đặt vào cuộc bầu cử năm 2020.

Nhờ Hiến pháp, quân đội có 25% số ghế trong Quốc hội. Theo đó, nếu đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) thân quân đội Myanmar cùng các đảng đồng minh giành được 26% ghế và kết liên minh với phe quân đội thì trên lý thuyết, ông Aung Hlaing sẽ có cơ hội đắc cử Tổng thống.

Nhưng kết quả của cuộc bầu cử tháng 11 đi ngược lại với kịch bản đó. Đảng NLD của bà Suu Kyi chiến thắng áp đảo, giành tới 92% số ghế được bầu trong Quốc hội, không tính 25% số ghế mặc định thuộc về phe quân đội.

Tuy nhiên, tới cuối tháng 1, quân đội cho rằng có nhiều bất thường trong cuộc bầu cử này, đồng thời tuyên bố phát hiện hơn 10 triệu trường hợp gian lận cử tri. Tới đầu tháng 2, Tatmadaw tiến hành đảo chính, bắt giữ bà Suu Kyi và nhiều quan chức cấp cao của NLD, đồng thời tuyên bố nắm quyền kiểm soát đất nước trong một năm.

Cuộc chính biến dẫn tới cái chết của hơn 100 người biểu tình. Bất chấp hành động đàn áp mạnh tay của quân đội, người biểu tình vẫn đổ xuống các con phố trên khắp Myanmar, yêu cầu quân đội trả tự cho bà Suu Kyi.

Cuối tuần trước, trên mạng xã hội, các nhà hoạt động kêu gọi người dân Myanmar tiếp tục xuống đường biểu tình phản đối đảo chính để kỷ niệm ngày giỗ của Ko Phone Maw.

Với nhiều người Myanmar, cái chết của Ko và hàng nghìn người khác cách đây 33 năm là nỗi đau không thể quên. 33 năm sau, khi nền dân chủ mà mình mưu cầu bị đe dọa, họ sẵn sàng đứng lên.

“Đây là cuộc đấu tranh vì tương lai của chúng ta, tương lai của đất nước chúng ta. Chúng tôi không muốn sống dưới sự độc tài của quân đội. Chúng ta muốn thành lập một liên bang thật sự, nơi tất cả công dân, tất cả dân tộc thiểu số được đối xử một cách bình đẳng”, nhà hoạt động trẻ Esther Ze Naw chia sẻ.

7 thập kỷ mâu thuẫn sắc tộc âm ỉ ở Myanmar 7 thập kỷ mâu thuẫn sắc tộc âm ỉ ở Myanmar

Các cuộc xung đột vũ trang chưa từng giảm nhiệt trong hơn 70 năm qua tại Myanmar xuất phát từ mâu thuẫn sắc tộc âm ...

Thêm 11 người biểu tình chết ở Myanmar Thêm 11 người biểu tình chết ở Myanmar

Hôm 15/3, Myanmar ghi nhận thêm ít nhất 11 người chết trong cuộc đàn áp biểu tình, cộng đồng quốc tế kêu gọi chính quyền ...

Ngày đăng: 07:19 | 17/03/2021

/ vtc.vn