"Phải kiên quyết phát hiện đường dây tiêu cực, xử lý đến nơi đến chốn những cán bộ có vấn đề trong các dự án BOT nổi cộm..."
Mới đây, trong nghị quyết về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra trách nhiệm của một loạt Bộ, ngành liên quan.
Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm chính đối với những hạn chế, vi phạm của các dự án do Bộ quyết định đầu tư.
Đúng như chưa đủ
Trao đổi với Đất Việt chiều 26/10, TS. Phạm Sanh - Chuyên gia giao thông bày tỏ sự đồng tình với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẳng thắn chỉ ra trách nhiệm của các Bộ, ngành đối với những hạn chế, vi phạm của các dự án BOT. Tuy nhiên, theo ông việc quy trách nhiệm như vậy vẫn chưa đủ, và chưa rõ ràng.
"Cần quy trách nhiệm việc thỏa thuận dễ dãi của các địa phương, sự điều hành không kịp thời của Chính phủ và cả việc giám sát chưa sát sao lắm của Quốc hội về BOT thu phí.
Nhiều nguyên nhân chính gây lỗ hổng lớn cho chủ trương BOT nhưng chưa được đề cập.
Cụ thể như chỉ định thầu nhà đầu tư không đảm bảo năng lực, không tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, buông lỏng các công tác giám sát, thiếu trách nhiệm quản lý Nhà nước trong cả thời gian dài...
Quan trọng hơn là chưa nêu được tác động nghiêm trọng lâu dài, cũng như chi tiết hậu quả của từng dự án BOT có vấn đề để xử lý trách nhiệm đơn vị cá nhân cụ thể.
Phải kiên quyết phát hiện các đường dây tiêu cực và xử lý đến nơi đến chốn những cán bộ có vấn đề trong các dự án BOT nổi cộm như Cai Lậy, Biên Hòa... thì mới lấy lại niềm tin từ người dân", ông Sanh nêu quan điểm.
Trạm BOT Cai Lậy |
Theo TS. Phạm Sanh, đến thời điểm này thì không nên kết luận tốt xấu đúng sai một cách chung chung về BOT, mà phải đánh giá phân tích thật chi tiết từng dự án, từng quy định pháp luật, từng văn bản quyết định, thậm chí từng chủ trương về vị trí đặt trạm.
Một khi phát hiện ra sai phạm thì phải sửa ngay lập tức, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm đơn vị, cá nhân có liên quan. Đặc biệt lưu ý đến những vấn đề như: dàn dựng đặt trạm thu phí sai vị trí; cố ý chỉ định thầu, cố ý hay vô tình sửa đổi các văn bản pháp luật như thông tư 159, nghị định 15...
"Phải xem chuyện người dân phản đối một số trạm thu phí BOT bất hợp lý trên cả nước trong suốt thời gian vừa qua là hồi chuông báo động về tệ nạn lãng phí tham nhũng, thậm chí là cả lợi ích nhóm đang len lỏi phá hoại một chủ trương đúng đắn về huy động sức dân của Nhà nước.
Nó không đơn giản chỉ là thiếu kinh nghiệm, thiếu khung pháp luật về đầu tư BOT.
Chính phủ phải mạnh dạn thanh tra, thậm chí điều tra một vài dự án BOT có vấn đề như trạm Cai Lậy, trạm Trảng Bom. Từ đó xử lý nghiêm vài cán bộ lãnh đạo, thì mới hi vọng có chuyển biến tốt", vị chuyên gia giao thông nhấn mạnh.
Góp ý tân Bộ trưởng
Ngày 26/10, tân Bộ Trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, những vấn đề bức xúc liên quan tới BOT sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu cần được giải quyết trước mắt.
Về việc này, TS. Phạm Sanh cho biết, những vấn đề cấp thiết về BOT mà Bộ GTVT cần giải quyết đã nằm đầy đủ trong văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ và nghị quyết của Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, ông đề nghị Bộ GTVT nên tập trung giải quyết ngay các vấn đề nóng bỏng như dời vị trí đặt trạm về đúng chỗ cho các trạm Cai Lậy, Trảng Bom...Tiến hành tổ chức nghiệm thu quyết toán công tác đầu tư xây dựng tất cả dự án BOT trước khi cho thu phí.
Bên cạnh đó, thông báo công khai danh mục và nội dung dự án đầu tư theo BOT, phối hợp Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung gấp thông tư 159. Kiểm điểm chấn chỉnh công tác quản lý và giám sát hợp đồng BOT của Tổng cục Đường bộ VN.
Về chiến lược lâu dài, TS. Phạm Sanh cho rằng, không đặt trạm thu phí dày đặc như hiện nay (mật độ trạm BOT thu phí ở Việt Nam có lẽ cao nhất nhì thế giới) bằng cách tách việc thu phí ra thành các gói thầu riêng, áp dụng thu phí không dừng và tính theo số km thực tế sử dụng công trình BOT.
"Với những gì tân Bộ trưởng GTVT đã phát biểu khi vừa nhậm chức, cùng với kinh nghiệm, năng lực và bản lĩnh sẵn có của Bộ trưởng, tôi tin rằng ngành GTVT sẽ có nhiều chuyển biến tốt về đầu tư BOT trong thời gian tới", ông Sanh bày tỏ.
Thanh tra Chính phủ: Nhiều nơi lãnh đạo nhiều hơn cả công chức
Tổng Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo phòng chống tham nhũng nêu rõ tình trạng bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn quy định, ... |
BOT giao thông: Sai thì phải sửa!
Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng Chính phủ phải sửa những ... |
Chấm dứt làm BOT trên đường độc đạo
Nghị quyết của UB Thường vụ QH quy định, chỉ áp dụng hình thức đầu tư BOT trên tuyến đường mới để đảm bảo quyền ... |
BOT Biên Hòa thu phí trở lại, không có tình trạng dùng tiền lẻ
Sáng nay, trạm thu phí tuyến tránh TP Biên Hòa (BOT Biên Hòa) thu phí trở lại. |
(http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/quy-trach-nhiem-vi-pham-bot-va-loi-hua-tan-bo-truong-3345911/)
Ngày đăng: 18:39 | 27/10/2017
/ Theo Hoàng Hải/Đất Việt