Những địa danh, những mỏm đồi mang tên Cối xay thịt, Lò vôi thế kỷ, Thác gọi hồn, Ngã ba cửa tử… đã nói lên sự kinh hoàng của cuộc chiến này.
Đứng ở nơi từng là bình độ 400 cực kỳ khốc liệt, như trạm chung chuyển, tuyến đường tiến lên các điểm cao mà ta và địch giành giật suốt bao năm, tôi không khỏi lạnh người khi hình dung ra sự khốc liệt và chết chóc, sự anh dũng kiên cường của những người lính năm xưa.
Cuộc trò chuyện của tôi với một số cựu chiến binh về cuộc chiến ấy, đặc biệt là ngày 12/7/1984 tang thương hiện về rõ mồn một như cuốn phim trước mắt khi đứng ở không gian này.
Đại tá Nguyễn Kim Chung, nguyên Chỉ huy Phó Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang, hiện sống lặng lẽ trong ngôi nhà ở vùng ven thành phố Hà Giang. Đại tá Chung từng có cả chục năm xông pha trận mạc thời chống Mỹ, nhưng khi nhắc đến cuộc chiến Vị Xuyên, bản thân ông cũng ngậm ngùi.
Đại tá Chung bảo: “Cuộc chiến Vị Xuyên năm 1984 tuy diễn ra rất ngắn, nhưng cực kỳ khốc liệt. Những địa danh, những mỏm đồi mang tên Cối xay thịt, Lò vôi thế kỷ, Thác gọi hồn, Ngã ba cửa tử… đã nói lên sự kinh hoàng của cuộc chiến này”.
Theo ông Chung, đầu năm 1979, khi quân tình nguyện Việt Nam đang tổ chức tổng phản công truy quét tàn quân Khmer Đỏ, thì Trung Quốc tấn công dọc biên giới phía Bắc, lấn chiếm các điểm cao, nhằm xâm lược lãnh thổ Việt Nam. Ở Hà Giang, sau khi chiếm trọn điểm cao 1509, Trung Quốc tiến hành đánh lấn, pháo kích các điểm cao phía dưới. Thậm chí, chúng bắn pháo về tận thành phố Hà Giang, cách trận địa gần 20km.
Thời điểm đó, ở Hà Giang chủ yếu là quân địa phương, chốt giữ các cao điểm. Do tương quan lực lượng, nên Trung Quốc lần lượt chiếm giữ các vị trí trọng yếu. Ta phải lùi xuống các vị trí thấp hơn để cản đường tiến của kẻ thù.
Vào tháng 5/1984, Bộ tư lệnh Quân khu 2 xây dựng lực lượng, củng cố đơn vị nhằm lấy lại các điểm cao. Tuy nhiên, một số trận đánh chiếm lại điểm cao của ta bị thất bại, bởi lực lượng Trung Quốc được hỗ trợ hỏa lực rất mạnh. Chúng pháo kích liên miên, như trút thuốc nổ xuống các dãy núi.
Với quyết tâm lấy lại các điểm cao chiến lược, Quân khu 2 đã tổ chức chiến dịch mang tên MB-84. Bộ tư lệnh mặt trận sử dụng 3 trung đoàn Bộ binh, với sự chi viện của pháo binh và đặc công, quyết giành lại các điểm cao 772, 1030, 685 và các mỏm bình độ 300-400.
3 giờ sáng 12/7/1984, theo lệnh, cả ba vị trí đều khai hỏa tấn công. Pháo kích bắn về trận địa địch yểm trợ cho Bộ binh tiến lên chiếm lại điểm cao.
Tuy nhiên, do công tác nắm tình hình đối phương chưa đúng, nên cuộc chiến giành lại điểm cao không thành công. Địch đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó. Hỏa lực của địch rất mạnh. Ta bắn chúng một, thì chúng bắn lại mười. Pháo kích của địch nhả đạn sáng rực trời đêm, cày xới từng mét đất, mỏm đá, nơi đặt trận địa pháo của ta.
Đại tá Chung cho biết: “Khi chiếm được các điểm cao, Trung Quốc làm đường vào tận nơi, đưa lực lượng pháo rất hùng mạnh vào bảo vệ các vị trí chiếm đóng trái phép. Chúng đánh theo kiểu đem đạn pháo, thuốc nổ lên bàn cân, để tính toán xem đổ bao nhiêu đạn pháo xuống trận địa đối phương. Đây là cách đánh của kẻ nhà giàu, không tiếc tiền của.
Chúng ta đã không lường được việc này, nên thiệt hại quá lớn. Một vách núi, một thung lũng không rộng lớn lắm, mà chúng trút xuống hàng trăm ngàn quả đạn pháo, như đổ đất đá xuống hố, thì không có cách nào chống đỡ được. Đến mức núi cũng đổ, hang cũng sập. Với cách đánh của kẻ nhà giàu ấy, các quả đồi như Đồi Đài, đồi Cô Ích, điểm cao 772, 685, Đồi Chuối đã biến thành “Cối xay thịt người”, thành “Lò vôi thế kỷ”.
Những ngày tháng 7, năm nào cũng vậy, ông Lưu Thành Trì, dáng người gầy gò khắc khổ, đều vài lượt về nghĩa trang Vị Xuyên để tìm gặp đồng đội đến thăm những người đồng chí ngã xuống. Người đồng chí thân nhất của ông cũng đang nằm dưới một nấm mồ. Cứ thắp hương xong, ông lại ngồi bên nấm mồ trò chuyện với liệt sĩ Phạm Văn Đồng.
Cựu chiến binh Lưu Thành Trì, cán bộ Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Hà Giang, vốn thuộc Trung đoàn 876, Sư đoàn 356, là sư đoàn hy sinh nhiều nhất trong cuộc chiến biên giới, mà cụ thể là trận đánh thu hồi các điểm cao ở Vị Xuyên năm 1984.
Ông Trì quê gốc ở Nghệ An. Chiến tranh Biên giới xảy ra, theo Lệnh Tổng động viên, ông nhập ngũ, lên nông trường 32 ở Nghĩa Đàn huấn luyện. Vài tháng sau ông được điều động lên Lào Cai. Từ 1979 đến 1984, ông cùng đồng đội chiến đấu ở Lào Cai. Những lúc bình yên huấn luyện ở Cam Đường.
Ông Trì nhớ lại: “Hôm đó là 30/4/1984, tôi đi chợ mua sắm chuẩn bị ăn liên hoan ngày lễ Độc lập, thì nhận lệnh báo động di chuyển. Tôi là Đảng viên, nên được biết trước thông tin. Tôi thông báo với anh em chuẩn bị quân tư trang, không liên hoan nữa, lên đường ngay lập tức. Việc lên đường đột xuất thế này khiến tôi cảm nhận được sự căng thẳng. Ngay hôm đó đơn vị hành quân sang Hàm Yên. Đến đất Hàm Yên thì điều tôi cảm nhận càng rõ ràng. Nhân dân đứng hai bên đường đông lắm. Người dân quẳng lên xe đủ thứ, thuốc lá, bánh kẹo, kim chỉ, lương khô. Đoàn xe đưa lính qua thị xã Hà Giang, lên thẳng Vị Xuyên, đến Phương Thiện thì dừng lại. Chúng tôi tiếp tục cuốc bộ lên thôn Tha (xã Phương Độ). Đến đây, chúng tôi vẫn chưa biết chuyện gì xảy ra. Anh em được huấn luyện bắn đạn thật, bắn phá lô cốt suốt 2 tháng. Sau đó thì học đánh sa bàn”.
Với nhiệm vụ Trung đội trưởng Trung đội pháo 12 ly 7, Lưu Thành Trì được giao nhiệm vụ cùng đồng đội trinh sát địa hình từ Cọc 6 đến điểm cao 772. Lúc đó, ông mới biết nhiệm vụ của Sư 356 là lấy lại chốt 685 (sau này gọi là “Lò vôi thế kỷ”) và 772 (sau gọi là “Đồi thịt băm”).
Thời điểm đó, Trung Quốc đã tiến quân chiếm đóng trọn điểm cao 1509, còn gọi là Núi Đất (người Trung Quốc gọi là Lão Sơn, hoặc Lao Sán) cùng một số điểm thấp hơn quanh điểm cao này. Nhiệm vụ của các Sư đoàn là đánh chiếm lại các điểm cao.
Ngày 5/7, ông Trì cùng các chiến sĩ bắt đầu trinh sát địa hình. Khi đó, dân cư ở biên giới đã sơ tán hết, không có bóng người, nhà cửa hoang tàn đổ nát. Ông Trì nhớ lại: “Ban ngày chúng tôi nằm im, đêm mới trinh sát địa hình. Những ngày đó mưa liên miên, trâu bò của đồng bào trúng đạn pháo chết trương phềnh, bốc mùi nồng nặc”.
Sau mấy ngày dò dẫm, thì đơn vị ông đã tiến đến đồi 468, là quả đồi nằm ngay cửa khẩu Thanh Thủy bây giờ, bên con suối Lao Chải. Địa điểm này “soi gương” điểm cao 772, 685, thuận tiện bố trí pháo 12 ly 7, nên ông Trì quyết định lựa chọn. Ngày 10/7 thì kéo pháo vào trận địa.
Pháo 12 ly 7 bắn được cả máy bay, tiêu diệt được cả các vị trí dưới mặt đất, có nhiệm vụ khống chế đối phương, yểm trợ cho Bộ binh tiến lên chiếm lại điểm cao.
Trước khi bố trí pháo, thì mọi người đã đào hầm. Cứ hai người đào một hầm. Hầm được khoét vào ruộng bậc thang như hàm ếch. Ban ngày nằm im trong hầm, ban đêm mới mò ra trinh sát địa hình, lựa chọn điểm để bắn pháo khi có hiệu lệnh.
Đêm 10/7, bố trí pháo xong, ông Trì đi thăm trận địa của đồng hương, là Phạm Văn Đồng. Ông Đồng không chỉ là đồng chí, mà còn là bạn bè, đồng hương thân thiết. Hai người đi lính cùng ngày, cùng đơn vị, cùng chiến hào.
Nhìn thấy ông Đồng bố trí pháo chưa hợp lý, ông Trì bảo: “Anh nên bố trí pháo tụt đi một tí. Chỗ anh đặt pháo khá thoáng, ngắm bắn dễ, nhưng lại gần cây cổ thụ là không ổn. Cây cổ thụ này sẽ là vật ngắm bắn chuẩn, nó bắn là chết”.
Tuy nhiên, ông Đồng không đồng ý dịch chuyển pháo lại phía sau. Ông bảo, vị trí đặt pháo điểm thẳng vào hào của địch, nên chỉ cần nã đạn là tiêu diệt ngay các vị trí của chúng. Hai người đang tranh luận, thì đồng chí liên lạc đề nghị mọi người đi ăn tối, rồi bàn tiếp…
Ông Trì kể: “Đêm ấy, mọi người nấu cơm, nhưng cơm khê, nên bỏ đi không ăn, mà nướng ngô. Tuy nhiên, anh Đồng không ăn, cứ nằm trên võng, mặt buồn rười rượi. Lúc ấy, tôi mới biết anh Đồng mới cưới vợ, vợ đang mang bầu. Anh Đồng bấm đốt ngón tay rồi bảo: “Lần này tôi sẽ không về đâu. Tôi sẽ hi sinh. Đồng hương nhớ đưa xác tôi ra đường để vận tải đưa về tuyến sau nhé”. Đêm 11/7, tôi đi họp giao ban. Tôi nhận được lệnh triển khai hỏa lực vào 4h15 sáng hôm sau, yểm trợ cho Bộ binh. Pháo quân khu sẽ bắn trước, từ 3 giờ đến 4 giờ”.
Sớm 12/7, tiếng pháo vang lên, đỏ rực trời đêm Thanh Thủy. Khẩu pháo ông chỉ huy bắn đỏ nòng. Phía Trung Quốc bắn trả dữ dội. Đạn pháo cày xới từng mét đất ở các điểm cao, suốt dải biên giới. Ông Trì bị sức ép đạn pháo khiến máu rỉ ra ở hai tai.
Đồng chí giao liên vượt qua mưa đạn đến báo vị trí của đồng đội Phạm Văn Đồng trúng pháo và đã hi sinh. Ông chạy sang đào hầm, moi xác đồng đội lên, khiêng ra đường mòn, để hậu cần đưa về tuyến sau.
Thực hiện lời hứa với đồng đội xong, ông quay lại trận địa, củng cố đội hình, bám chốt. Lúc đó, liên lạc bị cắt đứt hoàn toàn, thông tin không có nữa. Toàn bộ điểm cao 772, 685 và khu vực xung quanh biến thành một dãy núi trắng xóa màu đá, không còn cành cây cọng cỏ nào. 600 chiến sĩ của Sư đoàn 356 hy sinh vì rơi vào tầm pháo địch. Hầu hết không tìm thấy xác.
Thời điểm đó, bên ngoài đã tin chắc trung đội pháo 12 ly 7 gồm 26 chiến sĩ, do Lưu Thành Trì chỉ huy đã hi sinh cả. Ba ngày sau, khi đã im tiếng pháo, một trinh sát vào chuyển lệnh rút, trung đội của ông mới rời chốt.
Ông Trì nhớ lại: “Lúc ra tuyến sau, đi dọc đường, thấy nhiều tử sĩ quá. Anh em được gói trong tăng võng. Trời mưa tầm tã, cô y tá phát chiếc khăn, hộp dầu cao, để tôi đi nhận dạng đồng đội. Dù thi thể đồng hương Phạm Văn Đồng đã biến dạng, nhưng tôi vẫn nhận ra qua bộ quần áo và vóc dáng. 36 năm nay, mỗi năm vài lần tôi về Vị Xuyên, thắp hương cho đồng đội. Tuy nhiên, tôi không biết rõ đồng hương Phạm Văn Đồng ở xã nào, không rõ gia đình có biết phần mộ ông Đồng ở đây chưa. Trong trận đánh ấy, hiếm hoi có liệt sĩ tìm thấy xác. Hầu hết đồng đội Sư 356 hy sinh đều tan xương nát thịt trong đá, vẫn chưa tìm được”.
Cựu chiến binh Vũ Hoài Nam, Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 314, từng là chủ nhiệm pháo binh Trung đoàn E818m, Sư đoàn 314 tâm tư nhớ lại: “Chúng chiếm các điểm cao, mình đánh chiếm lại rất khó. Các điểm cao là núi tai mèo, cao và rất dốc. Đặc công và Bộ binh của ta phải lần vách đá bò lên, trong khi chúng nã pháo cối ngày đêm đến mức như nung đá thành vôi, nên hi sinh rất nhiều. Chiến dịch MB-84, chủ công là Sư đoàn 356 rơi vào trận địa pháo của chúng, nên thương lắm. Một đêm mà mấy trăm đồng chí hi sinh”.
Theo ông Nam, sau chiến dịch này, ta đã rút kinh nghiệm, mở các chiến dịch vây lấn, sử dụng Bộ binh và đặc công, yểm trợ pháo binh, từng bước bao vây, lấn sát. Sau 2 tháng chiến đấu liên tục, ta liên tiếp giành lại các điểm cao, hình thành thế phòng ngự xen kẽ, bám sát địch. Đồi Chuối, đồi Cô Ích, đồi Đài, A4, A21, khu Cót Ép… lần lượt được ta chiếm lại, hoặc chiếm một phần. Có những nơi chỉ cách địch 15-20m, cá biệt có nơi 6-8m.
Thượng tá Nguyễn Tiến Độ, Tiểu đoàn trưởng KTT, Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Giang, từng là lính trinh sát trong Chiến tranh Biên giới nhớ lại: “Ở chốt Bốn Hầm, ta chiếm các hang động phía dưới, Trung Quốc chiếm hang phía trên, chỉ cách 6-8 mét. Với cự ly như thế, chỉ cần ló đầu ra cửa hang sẽ mất mạng bởi súng bắn tỉa hoặc đạn pháo.
Bắn nhau mãi không có kết quả, nên tử thủ với nhau. Từ chỗ đánh nhau, có lúc chuyển sang thành bạn. Lính Trung Quốc buộc thịt hộp vào dây thả xuống tặng bộ đội ta, mấy chiến sĩ ta dũa mảnh đạn thành nhẫn buộc vào dây tặng lại. Lính Trung Quốc không hề muốn tham gia cuộc chiến phi nghĩa này, nhưng họ buộc phải cầm súng xông lên, bởi pháo bắn sau lưng họ, nên không thể quay lại”.
Câu chuyện lính ta và lính Trung Quốc tặng quà cho nhau ở khu vực chốt Bốn Hầm cũng được các cựu chiến binh kể nhiều. Thượng tướng Nguyễn Văn Được, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khi đó là Phó Sư đoàn trưởng Sư 312, từng sử dụng phương pháp này làm tâm lý chiến. Ông chỉ đạo hậu cần về xuôi mua bia chai Hà Nội, bánh kẹo Hải Châu, thuốc lá… chia thành các gói nhỏ, buộc vào sào tre đưa tới miệng hang cho lính Trung Quốc.
Câu chuyện tâm lý chiến được sử dụng rất nhiều ở khu vực Bốn Hầm, bởi lưng chừng điểm cao 685 là núi đá tai mèo khổng lồ, có rất nhiều hang động, khe đá. Có vách núi ta ở hang bên dưới, địch ở hang trên, có chỗ ta ở hang trên, địch ở hang dưới, hoặc song song với nhau. Hai bên vẫn tặng quà cho nhau, nhưng sơ sểnh vào tầm ngắm là mất mạng.
Ngày đăng: 07:36 | 22/07/2020
/ vtc.vn