Một ngày trước khi diễn ra phiên giám sát tối cao của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV về Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đến nay, TP. Hà Nội "đón" cơn mưa kỷ lục. Tất nhiên đi kèm với đó là tình trạng ngập úng ở nhiều tuyến phố...

Theo thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ 14h đến 16h ngày 29.5, lượng mưa đo tại trạm Láng là 138mm, vượt mốc lịch sử 132,5mm vào ngày 18.6.1986. Còn theo số liệu của TP. Hà Nội, cùng thời gian trên, lượng mưa tại quận Cầu Giấy là hơn 170mm, Tây Hồ là hơn 150mm, Hoàng Mai 130mm. Tại các quận Ba Đình, Thanh Xuân và huyện Thanh Trì lượng mưa đều ở mức hơn 100mm. Con số này, nếu so sánh với tổng lượng mưa trung bình năm của Hà Nội khoảng 1.700mm với 114 ngày mưa thì chỉ trong hơn hai tiếng, lượng mưa ở Cầu Giấy đã bằng 1/10 và trạm Láng đã bằng 1/12 tổng lượng cả năm.

Về lý thuyết, đại diện Công ty TNHH Một thành viên thoát nước Hà Nội cho biết, với những trận mưa dưới 50mm trong hai giờ sẽ không xảy ra ngập úng, mưa từ 50-100mm dự kiến có 11 điểm ngập úng tại 9 quận. Thế nên cũng không có gì khó hiểu khi trong trận mưa này, hệ thống thoát nước của thành phố đã quá tải, "đẩy" số điểm ngập lụt lên con số gần 40 và ở hầu khắp 12 quận, một phần huyện Thanh Trì...Hiện nay, tại các đô thị lớn, nhất là tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tình trạng ngập úng khi xảy ra mưa bão đã trở nên quá bình thường. Nguyên nhân ngoài việc do hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường, cần phải thẳng thắn rằng có phần không nhỏ nằm ở công tác quy hoạch. Phân tích rõ hơn về điều này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, cần phân biệt rõ vấn đề dị thường của thời tiết như mưa lớn cực đoan và vấn đề đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn, thiếu dự báo. Như với Hà Nội, đây là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" nhưng nói mãi vẫn chưa giải quyết được. Cho nên, cái chính là chúng ta cần nhìn lại toàn bộ quy hoạch hạ tầng các đô thị và vấn đề thiết kế các đô thị ở Việt Nam hiện nay - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Ý kiến khác thì cho rằng, trong quy hoạch đô thị hiện nay cần thực hiện theo hướng tích hợp, tức các loại quy hoạch được đặt trên cùng một hệ thống, như vậy sẽ tránh được tình trạng mâu thuẫn, hay quy hoạch này thực hiện đúng nhưng quy hoạch kia lại vướng. Như tình trạng ngập lụt tại Hà Nội, bài toán đặt ra không chỉ là quy hoạch hệ thống thoát nước khi xây dựng đô thị mà còn cần quy hoạch các công trình thủy lợi. Nếu các hệ thống này không tích hợp với nhau thì có thể làm tốt quy hoạch xây dựng nhưng lại vi phạm quy hoạch về thoát nước hoặc thủy lợi, dẫn đến không thực hiện được mục tiêu chung. Khi thực hiện quy hoạch tích hợp sẽ hạn chế được những chồng chéo, hạn chế nêu trên.

Để khắc phục tình trạng úng ngập tại các đô thị, đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng vẫn chưa có giải pháp nào "đủ tầm" để giải quyết tận gốc vấn đề. Vậy nên, để giải quyết cho cả trước mắt và lâu dài, đã đến lúc cần có dự án tổng thể, tầm nhìn đồng bộ, trong đó tiếp cận một cách đầy đủ, chính xác nhất các dữ liệu để xây dựng hệ thống hạ tầng có thể chống chịu, thích ứng, phù hợp với cả quá trình phát triển cũng như những hiện tượng cực đoan của khí hậu, thời tiết chứ không thể "nóng đâu phủi đó".

https://daibieunhandan.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/quy-hoach---khong-the-nong-dau-phui-do-i290907/

 

 

Ngày đăng: 10:49 | 01/06/2022

Ninh Hà /