Theo Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030 vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký phê duyệt, khu vực Hà Nội vẫn duy trì 1 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Theo Quy hoạch này, sẽ hình thành 30 cảng hàng không bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc) và 16 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa).
Quy hoạch cũng nêu rõ sẽ tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch Cảng HKQT Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 640/2011 tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.
Tầm nhìn đến năm 2050, cả nước sẽ có 33 cảng hàng không. Đáng chú ý, trong 14 cảng hàng không quốc tế không còn sân bay quốc tế Cát Bi mà thay vào đó là Cảng HKQT Hải Phòng.
Quy hoạch hệ thống Cảng hàng không tầm nhìn đến 2050, Hà Nội vẫn duy trì 1 sân bay quốc tế Nội Bài |
Với cảng hàng không quốc nội, ngoài 16 cảng nói trên thì bổ sung thêm 3 cảng mới gồm Cát Bi, Cao Bằng và cảng hàng không thứ 2 Vùng Thủ đô.
12 sân bay sẽ xem xét bổ sung khi đủ điều kiện
Đáng chú ý, quy hoạch cũng khẳng định sẽ nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch thành cảng hàng không đối với một số sân bay phục vụ quốc phòng, an ninh; một số vị trí quan trọng về khẩn nguy, cứu trợ, có tiềm năng phát triển về du lịch, dịch vụ và các vị trí khác có thể xây dựng, khai thác cảng hàng không; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc bổ sung quy hoạch khi đủ điều kiện, trong đó đánh giá kỹ lưỡng về nhu cầu, yêu cầu kỹ thuật, nguồn lực đầu tư và các tác động liên quan.
Danh sách này có 12 sân bay gồm Hà Giang (tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang); Yên Bái (phường Nam Cường, TP Yên Bái); Tuyên Quang (xã Năng Khả, huyện Na Hang); Hà Nội (phường Phúc Đồng, quận Long Biên); Bắc Ninh (xã Xuân Lai, huyện Gia Bình); Hà Tĩnh (xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên); Kon Tum (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông); Quảng Ngãi (xã An Hải, huyện Lý Sơn), Bình Thuận (xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý); Khánh Hoà (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh); Đắk Nông (xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong) và Tây Ninh (xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu).
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng các cảng hàng không quốc tế quan trọng, đóng vai trò đầu mối như: Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc;
Đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng các cảng hàng không tại vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo; các cảng hàng không có hoạt động quân sự thường xuyên; và các cảng hàng không khác trong hệ thống đáp ứng nhu cầu khai thác, phát triển kinh tế - xã hội.
Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Cũng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đối với cảng hàng không mới: huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư theo phương thức PPP.
Đối với cảng hàng không hiện đang khai thác: Nghiên cứu xây dựng cơ chế đầu tư, nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không theo phương thức PPP/nhượng quyền và các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính để doanh nghiệp cảng và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay đủ năng lực tự đầu tư, quản lý và khai thác các công trình kết cấu hạ tầng sân bay và công trình kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay.
Đối với các cảng hàng không quan trọng quốc gia, các cảng hàng không có hoạt động quân sự và các cảng hàng không khu vực biên giới, hải đảo: ưu tiên sử dụng nguồn lực của Nhà nước (ngân sách nhà nước và doanh nghiệp nhà nước) để đầu tư các công trình thiết yếu.
Ngày đăng: 13:57 | 08/06/2023
Ngân Tuyền / anninhthudo.vn