Quy định mới được đánh giá có nhiều cải cách, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người bệnh khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Từ ngày 1-1-2025, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được thực hiện theo quy định mới tại Nghị định số 02/2025/NĐ-CP ngày 1-1-2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17-10-2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành Luật Bảo hiểm y tế, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19-10-2023. Quy định mới được đánh giá có nhiều cải cách, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người bệnh khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người bệnh
Trong các quy định mới về thủ tục khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế tại Nghị định số 02/2025/NĐ-CP có bổ sung quy định sử dụng căn cước hoặc căn cước công dân hoặc tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID đã tích hợp thông tin về thẻ bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh. Với quy định mới này, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) Trần Thị Trang cho rằng, giờ đây, khi đến cơ sở y tế, người bệnh có thể chỉ cần đọc duy nhất mã số bảo hiểm y tế hoặc số căn cước công dân mà không phải mang theo bất cứ giấy tờ gì vì mọi thông tin đã được tích hợp đầy đủ trên VNeID.
“Để tạo thuận lợi cho người bệnh, Bộ Y tế cũng đã ban hành danh mục 167 bệnh được thông cấp cơ bản, chuyên sâu mà không cần giấy chuyển tuyến. Người bệnh chỉ cần cầm điện thoại, thậm chí, ai có trí nhớ tốt chỉ cần ghi nhớ mã số thẻ bảo hiểm y tế, có thể đi “tay không” đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà vẫn được hưởng tối đa quyền lợi bảo hiểm y tế trong phạm vi được hưởng như đi đúng trình tự theo quy định”, bà Trần Thị Trang thông tin.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đang nỗ lực triển khai thực hiện việc tiếp nhận khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế qua VNeID.
Đến khám răng tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, chị Nguyễn Thị Loan (30 tuổi ở Hà Nội) hài lòng khi thủ tục khám, chữa bệnh tại đây đã đơn giản hơn trước rất nhiều. Đặc biệt, chị còn được cập nhật đầy đủ các thông tin liên quan đến những đợt khám, chữa bệnh trước đây. “Việc số hóa này sẽ giảm thiểu việc người dân phải mang theo giấy tờ, trong khi lại có thể theo dõi, quản lý thông tin sức khỏe của bản thân liên tục, suốt đời”, chị Loan đánh giá.
Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bà Đặng Thị Lợi (65 tuổi ở Long Biên) mắc bệnh huyết áp, tiểu đường từ nhiều năm nay. Hằng tháng, bà đều phải đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thăm khám định kỳ để được cấp thuốc. “Trước đây, mỗi lần đi khám, tôi phải tìm thẻ bảo hiểm y tế, sổ khám bệnh. Nhiều hôm không nhớ để những giấy tờ đó ở đâu, tôi phải mất rất nhiều thời gian để tìm. Giờ đây, thay vì phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế, tôi có thể đi khám bệnh “tay không” và chỉ cần cầm theo điện thoại”, bà Lợi chia sẻ.
Trung bình một ngày, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp nhận khám khoảng 1.200 bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho hay, các quy định mới trong Nghị định số 02/2025/NĐ-CP giúp giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian cho người bệnh khi đi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đồng thời, các quy định mới phù hợp với việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và cho thấy hiệu quả của cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số
Năm 2024 là dấu mốc quan trọng trong việc triển khai chính thức quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và giải quyết các chế độ liên quan. Đến nay, có 12.485 cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc đã kết nối, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh sang cơ quan Bảo hiểm xã hội với hơn 81 triệu hồ sơ được gửi theo chuẩn dữ liệu mới.
Trước đây, nhân viên y tế mất nhiều thời gian khi phải đối chiếu giữa thẻ bảo hiểm y tế giấy với chứng minh thư nhân dân (hoặc căn cước công dân không gắn chíp) và cơ sở dữ liệu trên cổng thông tin dữ liệu y tế. Thậm chí, một số trường hợp thông tin không khớp giữa thẻ bảo hiểm y tế và giấy tờ tùy thân, hoặc mất thẻ bảo hiểm y tế khiến việc đăng ký khám, chữa bệnh gặp khó khăn. Do đó, lãnh đạo các bệnh viện đang quyết tâm chuyển đổi số và chia theo từng lộ trình cụ thể để đạt được mục tiêu 100% người bệnh có hồ sơ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID. Người dân nhớ mã số bảo hiểm y tế để cung cấp sẽ giúp giảm thời gian chờ đợi. Còn nhân viên y tế cũng tiết kiệm thời gian thu thập thông tin quá trình điều trị của người bệnh. Từ đó, các bệnh viện sẽ sàng lọc bệnh tốt hơn, thậm chí ngăn chặn chuyện dùng thẻ người khác đi khám bệnh, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế.
Tại Hà Nội, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng thông tin, thành phố đã kết nối liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của 50 bệnh viện, 39 phòng khám đa khoa, 297 trạm y tế với hơn 3,5 triệu hồ sơ đã được đẩy thành công lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để hiển thị trên ứng dụng VNeID; hơn 16,2 triệu lượt khám, chữa bệnh được đồng bộ từ phần mềm quản lý khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế lên hệ thống hồ sơ sức khỏe thành phố... Trong năm 2025, ngành Y tế Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, điều hành khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để người dân được thụ hưởng các tiện ích chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Ngày đăng: 10:25 | 09/01/2025
Thu Trang / HNM.com.vn