TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, Thông tư liên quan đến kiểm định xe cơ giới đường bộ vừa có hiệu lực như một luồng gió mới, giảm áp lực cho người dân và cả những người thực thi nhiệm vụ. Cùng với sự phối hợp của lực lượng công an, quân đội, câu chuyện như đang kết thúc có hậu dù rằng nhiều vụ việc liên quan đến tiêu cực trong đăng kiểm vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
PV: Thưa ông, thời gian qua đăng kiểm là một trong những vấn đề “nóng” được cả xã hội quan tâm, dõi theo. Và khi Thông tư 02/2023/TT-BGTVT được ban hành với hàng loạt quy định mới, được coi như liều thuốc xoa dịu điểm nóng đó. Theo ông, Thông tư này đã thoả mãn tối đa nhu cầu, mang lại hiệu quả thiết thực nhất cho người dân và xã hội?
TS Khương Kim Tạo: Theo tôi nhìn nhận, nếu ở góc độ thiết thực, cấp bách thì trong thời gian ngắn, Thông tư gấp rút đã được ban hành, phải ghi nhận sự cố gắng của ngành giao thông. Việc bỏ qua các quy trình đăng kiểm lần đầu là hợp lý, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân để phục vụ những công việc khác, làm giàu cho đất nước.
Đây chính là “ích nước, lợi nhà”. Cùng đó, nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông do xe chưa đăng kiểm chiếm 1%, còn chủ yếu là do rượu bia, khả năng làm chủ tốc độ, đi sai làn đường... Do đó, việc kéo dài chu kỳ kiểm định là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Giải pháp này sẽ giúp các trung tâm đăng kiểm giảm được 1/3 khối lượng công việc, giảm chi phí cho đăng kiểm và số tiền tiết kiệm được lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Tuy nhiên, để chúng ta có một Thông tư đầy đủ hơn nữa thì phải sau này có thời gian, có quá trình khảo sát thực tế. Ví như Thông tư 02//2023/TT-BGTVT mới này đã tập trung giải quyết được bất cập đối với xe con cá nhân, xe gia đình. Nhưng với góc độ xe kinh doanh vận tải chưa có điều kiện cân nhắc xem xét để giãn chu kỳ ra.
PV: Phải thừa nhận rằng, cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã lắng nghe và chỉ đạo sớm ban hành những quy định mới theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho xã hội. Thế nhưng, vấn đề cốt lõi không chỉ nằm ở các quy định được đưa ra thế nào, mà nằm ở con người, ở những đăng kiểm viên trực tiếp làm nhiệm vụ. Theo ông, làm thế nào để giải quyết vấn đề thiếu đăng kiểm viên và ngăn tình trạng tiêu cực tái diễn?
TS Khương Kim Tạo: Trong bối cảnh số trung tâm đăng kiểm vi phạm ngày càng gia tăng, khả năng phục hồi chậm, lực lượng đăng kiểm viên làm việc với tâm lý căng thẳng lo âu thì nguy cơ đứt gẫy hệ thống đăng kiểm xe cơ giới hiện nay là có thật. Nếu điều này xảy ra, chắc chắn, không chỉ người sử dụng phương tiện thiệt thòi mà nền kinh tế cũng bị tổn thất không nhỏ.
Điểm mấu chốt hiện nay là “cung chưa đáp ứng cầu”, trong đó nhân lực là quan trọng nhất. Thiếu nhân lực là vấn đề đã thấy rõ. Để huy động thêm lực lượng chúng ta cần động viên các đăng kiểm viên được tại ngoại tham gia vào công tác đăng kiểm; chúng ta tiếp tục đào tạo đăng kiểm viên mới. Dù biết rằng đăng kiểm viên mới không chỉ một sớm một chiều là có ngay được. Song với những người đã nhận vào đang trong quá trình đào tạo thì có thể hỗ trợ đăng kiểm viên chính một số hoạt động để tốc độ kiểm định tại các trung tâm được tăng lên.
Liên quan đến vấn đề tiêu cực, làm thế nào để thời gian tới các sự việc đáng tiếc không xảy ra, đó là vấn đề cần quán triệt lại các văn bản quy phạm pháp luật. Tất nhiên, hiện nay văn bản quy phạm pháp luật đã khá đầy đủ rồi nhưng vẫn có những yếu tố chưa được chặt chẽ, như yếu tố quy định về công tác phê chuẩn các điều kiện để cho các trung tâm tư nhân hoạt động; công tác giám sát, theo dõi xử lý vi phạm như thế nào.
Cơ quan chức năng cần xây dựng được quá trình theo dõi tự động, sao cho các đăng kiểm viên không có cơ hội để có thể vi phạm được. Cái này mới là mấu chốt. Chứ như bây giờ, chúng ta vẫn áp dụng hình thức kiểm tra đột xuất, kiểm tra định kỳ, có nghĩa là không liên tục, thì người ta vẫn có cơ hội để vi phạm. Song song với việc này cũng cần đầy mạnh việc giáo dục con người, từ cấp lãnh đạo đến đăng kiểm viên, kể cả đồng chí nào có phẩm chất tốt thì chúng ta cũng cần thường xuyên nhắc nhở để họ luôn làm đúng, làm chuẩn mực. Với những người mới đào tạo chúng ta cần hướng dẫn cho người ta những kinh nghiệm, những bài học xương máu đã xảy ra để họ tránh mắc khuyết điểm.
PV: Thông tư 02/2003/TT-BGTVT đã sửa đổi bổ sung 8 điều. Trong đó đáng chú ý nhất là vấn đề miễn đăng kiểm lần đầu đối với ôtô mới. Ông nghĩ sao về trách nhiệm đảm bảo an toàn phương tiện của nhà sản xuất, đại lý trong việc này? Bởi nhiều xe để kho lâu, nếu không được kiểm tra kiểm định thường xuyên cũng sẽ dễ mất an toàn?
TS Khương Kim Tạo: Thực hiện miễn kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) lần đầu, đồng nghĩa trách nhiệm của nhà sản xuất, lắp ráp nhập khẩu sẽ được tăng lên. Cụ thể, trường hợp không phải kiểm tra ATKT & BVMT có thể phát sinh tình huống xe cơ giới sau khi đến tay người dân sẽ bị tự ý thay đổi, phương tiện có sự thay đổi so với thiết kế của nhà sản xuất trước khi đến đơn vị đăng kiểm để lập hồ sơ phương tiện mà không thể được phát hiện kịp thời. Do đó, việc bảo đảm ATKT & BVMT của xe cơ giới thuộc trách nhiệm chính của nhà sản xuất, nhập khẩu xe, chủ xe, lái xe. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, cần phải phối hợp cùng nhà sản xuất, chủ xe để xác định trách nhiệm khi xảy ra vấn đề bảo hiểm, bồi thường.
Tôi cho rằng, với quy định miễn đăng kiểm lần đầu ôtô mới, trách nhiệm của người sử dụng (lái xe) và người quản lý phương tiện (chủ xe) phải được thể hiện rõ ràng và cao hơn so với trước đây. Quá trình sử dụng, chủ xe, lái xe phải theo dõi phương tiện và đưa xe đi bảo dưỡng định kỳ thường xuyên. Các đại lý bán xe cũng phải có trách nhiệm thông báo đến chủ xe thời hạn xe cần bảo dưỡng, thay dầu,…định kỳ để các chủ xe lưu ý thời gian đưa xe đến thực hiện bảo dưỡng theo khuyến cáo từ nhà sản xuất, đảm bảo xe đủ điều kiện tham gia giao thông và tăng chất lượng phương tiện.
PV: Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản hồi thì vấn đề còn nằm ở Nghị định số 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Theo ông, đâu là vấn đề những người làm chính sách cần lưu ý trong thời gian tới khi sửa đổi bổ sung Nghị định 139/2018/NĐ-CP?
TS Khương Kim Tạo: Liên quan đến quy định trong Nghị định 139/2018/NĐ-CP về cấp phép cho trung tâm đăng kiểm tư nhân đã bộc lộ bất cập trong thực tế, như việc đăng kiểm viên không đủ trình độ chuyên môn… Điều này thể hiện ở việc phê duyệt, kiểm tra, giám sát, theo dõi hoạt động các trung tâm đăng kiểm tư nhân còn lỏng lẻo, dẫn đến sai sót đáng tiếc như thế. Tôi nghĩ rằng, thông qua các bài học chúng ta vừa kiểm tra đánh giá, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quản lý các trung tâm đăng kiểm tư nhân của các nước, rồi xem xét pháp luật Việt Nam, yếu tố văn hoá của người Việt, cần ban hành các quy định đầy đủ hơn. Bao gồm từ khâu quy hoạch vị trí trung tâm đăng kiểm hợp lý để các trung tâm đăng kiểm cạnh tranh lành mạnh hơn.
Rồi liên quan đến vấn đề kiểm soát điều kiện thành lập trung tâm. Tôi rất mong các nhà quản lý khi cấp phép cần kiểm tra thực, chứ không phải bằng hồ sơ. Ví như nhìn trên hồ sơ thì một người nào đó đủ điều kiện làm giám đốc song thực tế người đó có đủ năng lực, trình độ thật hay không thì chúng ta lại chưa đánh giá. Chúng ta chưa có bài kiểm tra, bài thi nào để kiểm tra.
Bên cạnh đó, nên quy định mỗi đơn vị đăng kiểm xe cơ giới phải bố trí 1 đăng kiểm viên bậc cao, mỗi dây chuyền kiểm định phải bố trí đăng kiểm viên có đủ năng lực thực hiện được đầy đủ các công đoạn kiểm tra thay cho quy định mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 3 đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất 1 đăng kiểm viên bậc cao, nhằm tận dụng được năng lực của các đơn vị đăng kiểm mà vẫn đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Đồng thời, giảm thời gian thực tập đối với các học viên đã có kinh nghiệm làm việc thực tế và đáp ứng được đầy đủ năng lực chuyên môn cho hoạt động kiểm định…
PV: Ông nhìn nhận thế nào về viêc hai lực lượng công an, quân đội đang tham gia hỗ trợ công tác đăng kiểm? Mới đây, Bộ GTVT đã đề xuất ưu tiên nghiên cứu một số nội dung như: Cho phép các trung đăng kiểm của lực lượng công an, quân đội và các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô đáp ứng quy định được phép hoạt động kiểm định xe ôtô; nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ đăng kiểm... Theo ông, những đề xuất này có thật sự hữu ích với tình hình thực tế hiện nay?
TS Khương Kim Tạo: Về hai lực lượng công an và quân đội đang tham gia hỗ trợ đăng kiểm, tôi nghĩ đây là việc bình thường thôi. Khi mà dân sự có những vấn đề khủng hoảng thì quân đội và công an là lực lượng chức năng sẵn sàng tham gia hỗ trợ được là quá tốt. Tuy nhiên, công tác kiểm định có tính chất kỹ thuật, đòi hỏi về chuyên môn, thế nên các đồng chí nào tham gia vào hoạt động kiểm định hỗ trợ, cũng nên phân thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là người có nghiệp vụ đăng kiểm sẽ tham gia trưc tiếp vào quy trình đăng kiểm để số dây chuyền được hoạt động tại các trung tâm cao lên, tốc độ nhanh hơn. Còn một số đồng chí khác chưa có chuyên môn sâu thì trong quá trình hỗ trợ cần nhanh chóng học hỏi để tiếp cận được công việc, để sớm có thể vận hành như các đăng kiểm viên.
Qua một thời gian, đến nay tình trạng ùn tắc trong đăng kiểm đã được giải quyết phần nào cho thấy nếu có hai lực lượng công an và quân đội tham gia, chắc chắn sẽ làm cho các dây chuyền hoạt động nhanh và hiệu quả cao hơn, số xe được kiểm định trong một đơn vị thời gian được nhiều hơn, cũng là góp phần vào giải quyết vấn đề ùn tắc đăng kiểm. Còn khía cạnh đề xuất các trung tâm đăng kiểm của công an, quân đội có thể tham gia vào công tác kiểm định cũng rất tốt. Vì các trung tâm đăng kiểm của công an và quân đội nếu đáp ứng được yêu cầu về trang thiết bị, con người, như hệ thống dữ liệu cũng có thể tham gia vào dịch vụ công, cũng có thể tham gia hoạt động đăng kiểm như trung tâm tư nhân.
PV: Xin cảm ơn ông!
https://cand.com.vn/Giao-thong/quy-dinh-moi-ve-dang-kiem-da-tao-thuan-loi-cho-nguoi-dan-i687861/
Ngày đăng: 11:41 | 26/03/2023
Phạm Huyền / cand.com.vn