Một loạt các quy định mới về kinh doanh nhập khẩu ô tô, có hiệu lực từ ngày 17/10/2017 sẽ ngăn cản xe nhập khẩu giá rẻ tràn vào Việt Nam.
Nghị định số 116/2017/NĐ-CP, Quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, đã được Thủ Tướng Chính phủ ký ban hành, ngày 17/10/2017 và có hiệu lực ngay lập tức.
Theo đó, kinh doanh ô tô nhập khẩu phải chịu những quy định ngặt nghèo, khiến cho xe nhập khó tràn vào Việt Nam, cho dù thuế nhập khẩu có về 0%.
Quy định ngặt nghèo
Để kinh doanh ô tô nhập khẩu, cả xe chưa qua sử dụng lẫn xe đã qua sử dung, DN tại Việt Nam phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh DN được quyền thay mặt DN sản xuất lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam. Và phải được cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự.
Cùng với đó DN kinh doanh ô tô nhập khẩu chưa qua sử dụng phải đảm bảo bảo hành 3 năm hoặc 100.000km cho khách hàng. Còn với ô tô đã qua sử dụng là 2 năm hoặc 50.000km.
Ngoài ra, ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra, thử nghiệm theo quy định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với từng lô nhập khẩu. Mỗi lô xe nhập về sẽ phải lấy mẫu đem đi kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
Khi tiến hành kiểm tra thử nghiệm, DN nhập khẩu ô tô phải cung cấp bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài. Bản chính phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của DN sản xuất lắp ráp ô tô nước ngoài cấp cho từng ô tô. Tài liệu về kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của DN sản xuất lắp ráp ô tô nước ngoài, đối với nhà máy sản xuất ra kiểu loại ô tô nhập khẩu còn hiệu lực được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
Xe nhập khó đường về
Theo các DN kinh doanh ô tô, với những quy định này, ô tô nhập khẩu không chính hãng, kể cả xe mới lẫn xe cũ không còn đường về Việt Nam. Bởi các DN nhập khẩu không chính hãng, sẽ không thể nào “kiếm” được văn bản xác nhận, hoặc tài liệu chứng minh, được nhà sản xuất ở nước ngoài ủy quyền thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam.
Điều kiện này cũng không khác gì so với yêu cầu ô tô nhập khẩu phải có giấy ủy quyền chính hãng, như đã quy định tại Thông tư 20 của Bộ Công thương trước đây, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc công ty TNHH Thiên Phúc An nhận xét.
Không những thế, có khi còn khó khăn hơn. Nếu có nhà sản xuất ô tô nào đó tại nước ngoài, không đồng ý cam kết triệu hồi sản phẩm, thì ngay cả những DN nhập khẩu ô tô chính hãng, cũng sẽ không thể nhập khẩu được, theo ông Tuấn.
Điều thứ 2 khiến các DN nhập khẩu lo lắng, đó là quy định mỗi một lô hàng nhập khẩu phải mang 1 chiếc xe đi thử nghiệm, bao gồm cả thử khí thải, độ bền về phanh, động cơ... Theo các DN, chi phí thử nghiệm như thế tốn từ 40-100 triệu đồng/lần và phải chờ từ 2 tuần đến 2 tháng mới có kết quả.
Theo quy định trước đây, khi nhập khẩu, DN chỉ lấy 1 xe làm mẫu mang đi thử nghiệm. Những lô hàng sau nhập mẫu xe đó thì không cần thử nghiệm lại. Nhưng bây giờ mỗi lô hàng nhập về, lô trước lô sau đều phải thử nghiệm giống nhau. Nhập khẩu 1 xe hay 3 xe, đều phải đi thử nghiệm, như vậy vừa thêm tốn kém chi phí vừa mất thời gian. Nếu số lượng xe nhập về nhiều, quá tải, sẽ phải chờ đợi rất lâu, như vậy xe không thể mang ra bán ngay được, chi phí kho bãi sẽ rất lớn. Tất cả tính vào giá thành khiến giá xe khó giảm như mong đợi.
Tuy nhiên, điều các DN lo ngại nhất là quy định, khi tiến hành kiểm tra thử nghiệm, phải cung cấp bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu, được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài.
Ông Phạm Anh Tuấn, thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam ( VAMA) cho biết, thông thường ở các nước, cơ quan có thẩm quyền chỉ cấp giấy chứng nhận chất lượng cho xe bán ra trong nước. Xe xuất khẩu không cần cấp giấy này. Hiện nay ô tô sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam khi xuất khẩu cũng vậy, không cần cơ quan đăng kiểm, cấp chứng nhận chất lượng.
Nhiều quốc gia còn để DN tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và không cấp chứng nhận chất lượng. Nếu vậy, DN nhập khẩu ô tô chỉ có thể mua xe bán ra ở những nước có tiêu chuẩn chất lượng giống như của Việt Nam, thì mới có giấy chứng nhận này. Nếu một nước lưu thông xe tay lái nghịch, thì xe đó không thể nhập về Việt Nam được.
Để lo được giấy này rất khó khăn, không biết cơ quan có thẩm quyền của các nước xuất khẩu ô tô sang Việt Nam sắp tới có chịu cấp hay không, ông Tuấn băn khoăn. Nếu không có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, xe nhập về Việt Nam sẽ không được tiến hành kiểm tra thử nghiệm, cũng có nghĩa là không thể được làm thủ tục thông quan.
Một số DN lo lắng cho biết, Nghị định ký ngày 17/10 và có hiệu lực ngay, nhiều lô hàng ô tô nhập khẩu về đã ký hợp đồng, đang trên đường về có thể gặp khó khăn rắc rối với những quy định mới, không biết sẽ giải quyết ra sao?
Theo các DN, với những quy định mới, kinh doanh nhập khẩu ô tô sẽ gặp khó khăn. Cho dù thuế nhập khẩu có về 0% thì ô tô ngoại cũng khó tràn vào Việt Nam. Khi số lượng xe vào không nhiều và chi phí tăng lên thì giá khó có thể giảm mạnh.
CSGT đâu thể lấy cớ lương thấp để tiêu cực, mãi lộ!
Tôi nói thật, từ ngày phụ trách phòng CSGT đến nay, chưa bao giờ tôi bắt anh em phải đi ra ngoài gom tiền để ... |
Tổng kiểm toán: Đầu tư đổi đất lấy hạ tầng dễ tham nhũng vì \'đất vàng\'
Giá trị đất được tính không sát thị trường, thấp hơn nhiều so với khi bàn giao... là những bất cập của cơ chế đầu ... |
Xử vụ VN Pharma: Công ty ma Helix có tồn tại ở Việt Nam?
Trong vụ án buôn lậu 9.300 hộp thuốc chữa ung thư H-Capita xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma, đáng chú ý là ... |
(http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/thue-xuong-0-dung-mo-o-to-nhap-o-at-ve-viet-nam-405788.html)
Ngày đăng: 11:33 | 20/10/2017
/ Theo Trần Thủy/VietNamnet.vn