Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 69/2024/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7.
Theo đó, tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc phương tiện xác thực khác được tạo lập bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử, được dùng để truy cập, sử dụng các tính năng, tiện ích, ứng dụng của hệ thống định danh và xác thực điện tử và hệ thống thông tin đã được kết nối, chia sẻ theo quy định của pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được cấp tài khoản định danh điện tử như sau:
Đối với công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã được cấp thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước còn hiệu lực được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 1, tài khoản định danh điện tử mức độ 2.
Công dân Việt Nam từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi đã được cấp thẻ căn cước được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 1, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 khi có nhu cầu. Công dân Việt Nam dưới 6 tuổi đã được cấp thẻ căn cước được cấp tài khoản định danh mức độ 1 khi có nhu cầu.
Đối với người nước ngoài từ đủ 6 tuổi trở lên đã được cấp thẻ thường trú, thẻ tạm trú tại Việt Nam được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 1, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 khi có nhu cầu. Người nước ngoài dưới 6 tuổi được cấp thẻ thường trú, thẻ tạm trú tại Việt Nam được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 1 khi có nhu cầu.
Đối với cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam được cấp tài khoản định danh điện tử không phân biệt theo mức độ.
Về mức độ xác thực tài khoản định danh điện tử, Nghị định quy định hệ thống định danh và xác thực điện tử cung cấp các mức độ xác thực tài khoản định danh điện tử sau:
Mức độ 1: Xác thực tài khoản định danh điện tử được thực hiện dựa trên một yếu tố xác thực theo quy định tại khoản 7 Điều 3 và phương tiện xác thực tương ứng quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định số 69/2024/NĐ-CP trong đó không có thông tin về sinh trắc học.
Mức độ 2: Xác thực tài khoản định danh điện tử được thực hiện dựa trên hai yếu tố xác thực khác nhau theo quy định tại khoản 7 Điều 3 và phương tiện xác thực tương ứng tại khoản 8 Điều 3 Nghị định số 69/2024/NĐ-CP trong đó không có thông tin về sinh trắc học.
Mức độ 3: Xác thực tài khoản định danh điện tử được thực hiện dựa trên hai yếu tố xác thực khác nhau trở lên theo quy định tại khoản 7 Điều 3 và phương tiện xác thực tương ứng tại khoản 8 Điều 3 Nghị định số 69/2024/NĐ-CP trong đó có một thông tin về sinh trắc học.
Mức độ 4: Xác thực tài khoản định danh điện tử được thực hiện dựa trên các yếu tố xác thực gồm ít nhất 1 yếu tố về sinh trắc học (ảnh khuôn mặt, vân tay, giọng nói, mống mắt), ít nhất 1 yếu tố của chủ thể danh tính điện tử sở hữu (thẻ căn cước, thiết bị số, phần mềm) và 1 yếu tố chủ thể danh tính điện tử biết (mật khẩu; mã bí mật; mã vạch 2 chiều).
Liên quan đến căn cước điện tử, Nghị định số 69/2024/NĐ-CP cũng quy định, căn cước điện tử được thể hiện dưới dạng một tính năng, tiện ích của ứng dụng định danh quốc gia thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử của công dân. Căn cước điện tử được cấp cùng với việc cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho công dân Việt Nam và thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định.
Việc sử dụng căn cước điện tử thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của công dân có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước còn hiệu lực trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.
Căn cước điện tử được lưu trữ vĩnh viễn trong hệ thống định danh và xác thực điện tử. Thông tin lịch sử về việc sử dụng căn cước điện tử được lưu trữ trong hệ thống định danh và xác thực điện tử với thời hạn 5 năm kể từ thời điểm sử dụng. Bộ trưởng Bộ Công an quy định hình thức thể hiện của căn cước điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia.
Ngày đăng: 14:50 | 27/06/2024
Nguyễn Hương / CAND