Nằm trong quy chế phát ngôn báo chí mới mà Cà Mau vừa ban hành, quy chế không được dùng những ý kiến phát biểu tại hội nghị, hội thảo, các cuộc gặp gỡ, trao đổi, nói chuyện có nhà báo tham dự để thông tin trên báo chí nếu không được sự đồng ý của người phát biểu, đang khiến những người làm báo ở đồng bằng sông Cửu Long ngỡ ngàng.
Xuất nhập cảnh tại khu kinh tế đặc biệt dự kiến được mang ngoại tệ gấp 3 lần |
Quy định của Bộ Chính trị chặn tình trạng luân chuyển "tráng men" |
Theo đó, quy định này được nêu tại khoản 3, Điều 9, quy chế phát ngôn của tỉnh Cà Mau, do ông Thân Đức Hưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ký ban hành ngày 29.9.2017.
Cụ thể, quy định nêu rõ: “Nhà báo, phóng viên không được dùng những ý kiến phát biểu tại hội nghị, hội thảo, các cuộc gặp gỡ, trao đổi, nói chuyện có nhà báo tham dự để thông tin trên báo chí hoặc chuyển thành bài phỏng vấn nếu không được sự đồng ý của người phát biểu”.
Trong khi Luật Báo chí năm 2016 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2017) quy định tại Điều 40: Nhà báo không được dùng những ý kiến phát biểu tại hội nghị, hội thảo, các cuộc gặp gỡ, trao đổi, nói chuyện có nhà báo tham dự để chuyển thành bài phỏng vấn nếu không được sự đồng ý của người phát biểu.
Ảnh minh họa.
Liên quan đến quy chế này, trưa nay (10.10), trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Đen - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau, cho biết: “Quy chế phát ngôn báo chí tỉnh được xây dựng dựa trên nền Nghị định 09 của Chính phủ và Luật báo chí, có mở rộng đối tượng các cơ quan Đảng, đoàn thể, để tạo điều kiện thuận lợi cho anh em báo chí. Trong quy chế có một chi tiết tại khoản 3, Điều 9, bổ sung thêm ý khác với Điều 40 Luật báo chí. Điểm này không có ý để giới hạn báo chí”.
“Chúng tôi muốn đưa nội dung đó vào để muốn nói có những cuộc họp, trao đổi mang tính chất nội bộ mà người phát biểu nói là trao đổi nội dung này báo chí không đưa tin. Còn các hội nghị tổng kết, sơ kết thì anh em báo chí đưa bình thường”, ông Đen giải thích.
Ông Đen cũng thừa nhận: “Về mặt câu chữ, chúng tôi nghiên cứu và thấy rằng việc có thể gây nhầm lẫn cho phóng viên, anh em báo chí băn khoăn là có cơ sở. Trong quá trình đưa quy chế ra áp dụng thực tế, nếu anh em cảm thấy có vấn đề phát sinh, chúng tôi sẽ nghiên cứu, tổng hợp và kiến nghị lãnh đạo tỉnh nghiên cứu xem xét chỉnh sửa, bỏ nội dung đó, để phù hợp với quy định của pháp luật”.
http://danviet.vn/tin-tuc/quy-dinh-la-doi-dang-y-kien-phat-bieu-phaixin-phep-812130.html
Ngày đăng: 00:00 | 10/10/2017
/ Dân Việt