Lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah bắt đầu có hiệu lực sáng 27/11, sau khi hai bên đồng ý với thỏa thuận do Mỹ và Pháp làm trung gian, mở đường cho việc chấm dứt xung đột xuyên biên giới Israel - Lebanon suốt hơn một năm qua, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Theo lệnh ngừng bắn, Israel sẽ dần rút quân khỏi miền Nam Lebanon trong vòng 60 ngày, trong khi Hezbollah chấm dứt hiện diện vũ trang ở khu vực sông Litani, cách biên giới với Israel khoảng 29km. Quân đội và lực lượng an ninh Lebanon cùng với sự hỗ trợ từ lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ) sẽ quản lý vùng lãnh th
ổ sát biên giới với Israel nhằm đảm bảo Hezbollah không tái xây dựng cơ sở hạ tầng tại đó.
Ngay sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Tổng thư ký LHQ António Guterres bày tỏ hy vọng thỏa thuận ngừng bắn sẽ giúp chấm dứt bạo lực, sự tàn phá và đau khổ mà cả người dân Lebanon và Israel đang phải hứng chịu. Người đứng đầu LHQ kêu gọi các bên khẩn trương thực hiện các bước nhằm triển khai đầy đủ Nghị quyết 1701 của LHQ từng chấm dứt xung đột đẫm máu giữa Israel và phong trào Hamas vào năm 2006. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đánh giá thỏa thuận ngừng bắn là "tin tức rất đáng khích lệ".
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26/11 cho biết: "Mỹ, với sự hỗ trợ toàn diện của Pháp và các đồng minh khác, đã cam kết hợp tác với Israel và Lebanon để đảm bảo rằng thỏa thuận này được thực thi đầy đủ và toàn diện. Sẽ không có quân đội Mỹ được triển khai ở miền Nam Lebanon. Thay vào đó, chúng tôi, cùng với Pháp và các nước khác, sẽ cung cấp hỗ trợ cần thiết để đảm bảo rằng thỏa thuận ngừng bắn được thực thi đầy đủ và hiệu quả".
Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định đây là bước đi cần thiết để mang lại ổn định cho khu vực, đồng thời nhấn mạnh chính phủ Lebanon sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát khu vực biên giới, ngăn chặn Hezbollah tái lập hạ tầng quân sự. Trong khi đó, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Finer cùng ngày bày tỏ hy vọng thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah sẽ tạo điều kiện cho một thỏa thuận ở Gaza. Theo ông Finer, điều này cũng có thể thúc đẩy nỗ lực hướng tới hội nhập khu vực bao gồm việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Arab Saudi.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chúc mừng việc ký kết thỏa thuận, khẳng định đây là thành quả của những nỗ lực trong nhiều tháng với chính quyền Israel và Lebanon, phối hợp chặt chẽ với Mỹ. Ông Macron cũng nói thêm: "Thỏa thuận này không nên khiến chúng ta quên đi cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn ở Gaza, Pháp sẽ tiếp tục nỗ lực chấm dứt các hành động thù địch, giải thoát các con tin và đưa hàng cứu trợ nhân đạo đến với quy mô lớn và tất nhiên là một giải pháp chính trị công bằng và lâu dài thông qua giải pháp hai nhà nước". Trong khi đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer thúc giục biến thỏa thuận ngừng bắn này thành "một giải pháp chính trị lâu dài" hướng tới một nền hòa bình bền vững tại Trung Đông. Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson và Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof cũng đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn như một bước quan trọng hướng tới hòa bình.
Về phía Israel, mặc dù Thủ tướng Israel Netanyahu khẳng định sẵn sàng thực hiện thỏa thuận ngừng bắn, nhưng vẫn cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ bất kỳ hành vi vi phạm nào của Hezbollah. Ngoài ra, Thủ tướng Israel cũng cho rằng lệnh ngừng bắn cho phép Israel bổ sung nguồn cung cấp vũ khí đã cạn kiệt và giúp quân đội được nghỉ ngơi, đồng thời cô lập Hamas, nhóm chiến binh châm ngòi xung đột khu vực khi tấn công Israel từ Gaza vào ngày 7/10 năm ngoái.
Xung đột giữa Israel và Hezbollah đã khiến hơn 1,2 triệu người Lebanon và 50.000 người Israel phải rời bỏ nơi ở cũng như gây thương vong lớn cho cả hai bên. Dù thỏa thuận ngừng bắn có thể làm dịu đáng kể những căng thẳng tại khu vực chứng kiến xung đột triền miên, các chuyên gia đánh giá nó không trực tiếp giải quyết được cuộc chiến đẫm máu diễn ra ở Gaza. Hezbollah, lực lượng đã bắt đầu bắn hàng loạt tên lửa vào Israel từ tháng 10/2023 để ủng hộ Hamas, trước đó từng tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi cuộc chiến ở Gaza chấm dứt. Với lệnh ngừng bắn mới, họ đã rút lại lời cam kết đó, trên thực tế là khiến Hamas bị cô lập và đơn độc chiến đấu. Nhiều người cho rằng việc Hezbollah đồng ý với thỏa thuận ngừng bắn là sự đầu hàng, thậm chí là phản bội đối với Hamas, theo AP.
Tại Gaza, nơi cuộc chiến đã khiến hơn 44.000 người thiệt mạng, các cuộc tấn công của Israel đã gây ra tổn thất nặng nề cho Hamas, bao gồm cả việc giết chết các nhà lãnh đạo cấp cao của nhóm. Tuy nhiên, các chiến binh Hamas vẫn tiếp tục giữ nhiều con tin người Israel, tạo cho nhóm chiến binh này một con bài mặc cả nếu các cuộc đàm phán ngừng bắn gián tiếp được nối lại. Sau khi lệnh ngừng bắn Israel-Hezbollah đạt được, Hamas có thể sẽ tiếp tục yêu cầu một lệnh ngừng bắn lâu dài và Israel phải rút quân hoàn toàn khỏi Gaza trong bất kỳ thỏa thuận nào, trong khi Thủ tướng Netanyahu ngày 26/11 đã tái khẳng định lời cam kết sẽ tiếp tục chiến tranh cho đến khi Hamas bị tiêu diệt và tất cả các con tin được trả tự do. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas yêu cầu sự can thiệp khẩn cấp của quốc tế.
"Cách duy nhất để ngăn chặn sự leo thang nguy hiểm mà chúng ta đang chứng kiến trong khu vực, duy trì sự ổn định, an ninh và hòa bình trong khu vực và quốc tế, là giải quyết vấn đề Palestine", Đại sứ Palestine tại Liên hợp quốc trích lời ông Abbas cho biết.
https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/quoc-te-hoan-nghenh-lenh-ngung-ban-israel--hezbollah-i751625/
Ngày đăng: 09:09 | 28/11/2024
Duy Tiến / CAND