Phương án cho phép doanh nghiệp hợp tác với trại giam để tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam không đạt quá bán.
Sáng 14/6, hơn 91% đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Theo đó, nội dung tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam không được quy định trong Luật này dù trước đó có trong dự thảo.
Giải thích điều này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nói, dù có nhiều ý kiến tán thành phương án cho phép doanh nghiệp hợp tác với trại giam để tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam, song cũng có nhiều ý kiến không nhất trí với vấn đề này.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, chính sách nhất quán của Nhà nước từ trước đến nay là buộc những người bị phạt tù phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội (điều 3, Bộ luật Hình sự).
Pháp luật hiện hành cho phép trại giam tự mình hoặc hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức các khu lao động, dạy nghề cho phạm nhân; các khu này phải do trại giam trực tiếp đứng ra tổ chức, thuộc phạm vi quản lý của trại giam. Riêng đối với các khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, xây dựng, trực tiếp tổ chức sản xuất, quản lý; trại giam phối hợp và đưa phạm nhân ra lao động thì đây là vấn đề mới.
Thường vụ Quốc hội đã tổ chức xin ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề mới trên. "Kết quả xin ý kiến chưa đạt được sự đồng thuận cao, chưa đạt 50% tổng số đại biểu nên Thường vụ đề nghị chưa quy định nội dung này trong Luật", bà Nga nói.
Theo quy định của Luật thi hành án (sửa đổi), kết quả lao động của phạm nhân sau khi trừ các chi phí hợp lý được sử dụng bổ sung mức ăn cho phạm nhân; lập quỹ hòa nhập cộng đồng để chi hỗ trợ cho phạm nhân khi chấp hành xong án phạt tù; bổ sung vào quỹ phúc lợi, khen thưởng của trại giam...
Luật cũng quy định chế tài để tránh trường hợp người bị kết án tù lợi dụng chính sách nhân đạo của Nhà nước để được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ chấp hành hình phạt.
Theo đó, những người được hoãn chấp hành án phạt tù vì lý do bị bệnh nặng, nếu xét thấy có dấu hiệu phục hồi sức khỏe mà vẫn lấy lý do về sức khỏe để trốn tránh việc chấp hành án thì cơ quan chức năng có trách nhiệm trưng cầu giám định y khoa tại bệnh viện.
Người được hoãn chấp hành án phạt tù có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình cũng sẽ được giám định y khoa.
Trường hợp kết quả giám định xác định người được hoãn chấp hành án đã phục hồi sức khỏe thì cơ quan thi hành án hình sự đưa người đó đến nơi chấp hành án, thông báo cho Tòa án đã ra quyết định hoãn chấp hành án.
Luật gồm 16 chương, 207 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020.
Hôm nay, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia
Hôm nay (14/6), ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua một số dự án luật ... |
Ngày đăng: 09:35 | 14/06/2019
/ VnExpress