Sáng 6/11, Quốc hội bước vào phiên chất vấn các thành viên Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

11h30

Quốc hội kết thúc phiên làm việc sáng 6/11. Các đại biểu tiếp tục chất vấn từ 14h chiều nay.

10h30

\'Mua vaccine phòng Covid-19 không dễ\'

Trả lời câu hỏi của một số đại biểu về Covid-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói "bên ngoài đang sóng to gió lớn, cho nên bên trong phải bao chặt".

Dịch bệnh sẽ kéo dài đến bao giờ? Phó thủ tướng nói "ít nhất là đến cuối năm 2021". Theo ông, trên thế giới hiện có hơn 150 ứng viên vaccine phòng Covid-19, trong đó Việt Nam có 4 cơ sở. Tuy nhiên, nhanh nhất cuối năm 2021, đầu 2022 Việt Nam mới sản xuất được vaccine; còn mua vaccine trên thị trường thế giới thì tương đối khó khăn, vì đây là vấn đề nóng toàn cầu.

Tổ chức y tế thế giới và liên minh vaccine toàn cầu đã thành lập chương trình gồm 92 nước và vùng lãnh thổ tham gia, trong đó có Việt Nam, với tham vọng cung cấp vaccine giá rẻ, khoảng 2 USD một người, hi vọng cung cấp cho 20% số người trên thế giới. Tuy nhiên, chưa công ty nào cam kết bán vaccine cho liên minh này.

quoc hoi chat van cac thanh vien chinh phu
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Việt Nam đang làm việc với các đối tác, trong đó có Trung Quốc và Nga, về vaccine. Bộ Y tế đã có những bàn bạc cụ thể, nhưng việc mua vaccine sớm không hề dễ, vì nhu cầu cao hơn năng lực sản xuất và chưa có gì chắc chắn. Chính phủ muốn mua phải đặt cọc trước, rủi ro rất cao.

"Vì vậy giải pháp căn cơ nhất của Việt Nam vẫn là tiếp tục các giải pháp phòng dịch và chung sống an toàn với dịch" ông nói và tha thiết đề nghị lãnh đạo các bộ ngành, địa phương không chủ quan. Tất cả các cơ sở, từng người dân phải chủ động chống dịch.

10h15

Tại sao vi phạm về môi trường nhiều nhưng chưa xử lý hình sự?

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển nêu chất vấn về việc vì sao phát hiện nhiều vi phạm về môi trường, song đến nay chưa truy cứu trách nhiệm hình sự trường hợp nào, kể cả những vụ vi phạm nghiêm trọng.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết, không phải hành vi vi phạm nào cũng bị xử lý hình sự. Việc xử lý phụ thuộc vào mức độ định lượng gây ô nhiễm môi trường; có những hành vi đã bị xử lý hành chính và tái phạm mới bị xử lý hình sự; cũng có trường hợp sai phạm cá nhân núp bóng pháp nhân vi phạm. Ví như giám đốc công ty chỉ đạo xả thải gây ô nhiễm, khởi tố điều tra rồi nhưng công ty này có xử lý tiếp không? Căn cứ truy tố còn là vấn đề.

"Cần có hướng dẫn của các cấp, nghị quyết đến thông tư liên tịch quy định rõ tình tiết cụ thể để cơ quan thực thi. Hiện nay cán bộ thực thi có lúng túng. Sợ nếu làm tốt nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể sẽ oan", ông nói và đề nghị cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xác định nguyên nhân để khắc phục, trong đó có cả hướng dẫn và thực thi pháp luật.

10h10

Giảm gần 12% biên chế người hưởng lương so với năm 2015

Trước câu hỏi về kết quả sắp xếp các đơn vị công, giảm biên chế, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, số lượng đơn vị công lập tại Trung ương đã giảm 9,09%, còn địa phương giảm 7,34% sau quá trình sắp xếp. Riêng về số lượng biên chế người hưởng lương tại các đơn vị công, đến thời điểm hiện tại đã giảm được 11,98% so với năm 2015.

10h05

Việt Nam không chậm trễ trong triển khai công nghệ 5G

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: "Xin hỏi Bộ trưởng, việc triển khai công nghệ 5G ở Việt Nam có chậm trễ không, cách nào để giảm tối đa việc tốn kém, lãng phí khi triển khai?"

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nói Việt Nam làm 5G không chậm, đã thử nghiệm kỹ thuật từ năm 2019 và dự kiến năm sau sẽ vận hành đại trà.

quoc hoi chat van cac thanh vien chinh phu
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, công nghệ 2G được Việt Nam áp dụng cùng nhịp với thế giới, từ giai đoạn 1992. Tuy nhiên, đến công nghệ 3G và 4G, chúng ta đi chậm hơn thế giới nhiều năm. Với công nghệ 5G, Bộ trưởng Hùng cho biết việc triển khai sẽ tận dụng 70% hạ tầng công nghệ cũ, tiến hành theo từng giai đoạn. Ngoài ra, các nhà mạng cũng sẽ tắt công nghệ 2G và 3G để giảm tải, sử dụng thiết bị 5G của Việt Nam nên hạn chế được chi phí.

10h00

Diện tích rừng Việt Nam thấp hơn các nước xung quanh?

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển nói, qua google map ông thấy rõ diện tích rừng của Việt Nam thấp hơn các nước xung quanh. "Phải chăng bảo vệ rừng không tốt, năng lực quản lý hay nguyên nhân gì khác?", ông băn khoăn.

quoc hoi chat van cac thanh vien chinh phu
Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, việc theo dõi trên bản đồ Google của đại biểu là hoàn toàn chính xác. Theo ông, hiện diện tích rừng trồng của Việt Nam là 4,3 triệu ha nhưng rừng keo là chủ yếu, sinh khối nhanh nhưng độ bền vững, chống chịu thiên tai kém.

Hiện nay, Chính phủ có đề án phát triển rừng Tây Nguyên, ven biển, Tây Bắc. "Những hành vi vi phạm liên quan đến rừng sẽ bị xử phạt nặng. Năm 2019 khởi tố 48 vụ, nhưng vẫn cần kiên quyết làm tích cực hơn", ông Cường nói.

9h50

Giải pháp phát triển nhà ở thu nhập thấp

Đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, chính sách nhà ở thu nhập thấp đô thị ngày càng khó khăn. "Chính phủ và Thủ tướng có giải pháp gì giải quyết khó khăn này trong giai đoạn 2020", ông chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà nói Nhà nước luôn quan tâm và có nhiều chủ trương phát triển nhà ở xã hội. Chính phủ có chương trình riêng phát triển nhà ở xã hội, đó là chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà xã hội, miễn tiền đất, miễn thuế, trợ giúp hạ tầng khu vực phát triển dự án. Đối với người mua có chính sách hỗ trợ lãi suất để vay mua.

quoc hoi chat van cac thanh vien chinh phu
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Thực hiện chính sách này, với sự cố gắng rất cao của địa phương, 5,2 triệu m2 nhà đã được xây dựng. Trong đó, khu vực đô thị là 2,8 triệu m2 và công nhân khu công nghiệp là 2,3 triệu. "Kết quả đạt được là cố gắng nhưng còn thấp so với yêu cầu. Mới giải quyết 40%, trong tổng số 12 triệu m2", ông nói.

Theo Bộ trưởng, khó khăn là thiếu nguồn cung, chính sách chưa đủ mạnh để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia, thiếu nguồn vốn ngân sách cho người mua nhà ở. Theo nhu cầu, cần dành khoảng 9.000 tỉ đồng hỗ trợ ngân sách nhưng hiện nay chỉ mới có 4.000 tỉ đồng. Các địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất, chưa quan tâm xây dựng hạ tầng cơ sở kỹ thuật trong, ngoài hàng rào dự án, chưa cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội.

Theo ông Hà, Chính phủ, Thủ tướng có nhiều chỉ đạo. Một số giải pháp đang thực hiện như ban hành quy chuẩn quốc gia, quy định nhà ở khép kín là 45 m2, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư bố trí nhà ở xã hội nói chung và các dự án khác. Một số địa phương quan tâm bố trí quỹ đất, xây dựng hạ tầng.

"Cần rà soát bổ sung các dự án, bố trí đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội", ông Hà nói.

9h30

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội, TP HCM diễn biến phức tạp

Trong báo cáo thẩm tra, về lĩnh vực môi trường, Tổng thứ ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, TP HCM diễn biến phức tạp, có thời điểm vượt ngưỡng an toàn. Hệ thống quan trắc, hệ thống thông tin và xử lý số liệu, phân tích dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, lũ quét, sạt lở đất, mưa đá, nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế.

quoc hoi chat van cac thanh vien chinh phu
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Về lĩnh vực giao thông, nhiều công trình trọng điểm chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu. Việc triển khai dự án sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, việc giải ngân gói 7.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án đường sắt quan trọng triển khai chậm. Tình hình chống người thi hành công vụ còn diễn biến phức tạp. Việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông thông qua hệ thống camera chưa được đẩy mạnh...

9h00

Kiểm sát 100% các vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố

Viện trưởng Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết, từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến năm 2020, Quốc hội không có nghị quyết riêng về giám sát chuyên đề đối với VKSND. Nhưng trong 5 nghị quyết về giám sát của Quốc hội có 5 nhóm nhiệm vụ liên quan đến trách nhiệm của cơ quan này. Đó là: Chống oan sai trong truy tố và thực hiện tốt Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Nâng cao chất lượng kiểm sát điều tra và truy tố để hạn chế mức thấp nhất việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; Truy tố kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi phạm tội liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị; Hoàn thiện quy trình truy tố tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em; Ban hành thông tư liên tịch về công tác phối hợp trong giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

Thời gian qua, ngành Kiểm sát đã thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và giải quyết yêu cầu bồi thường; kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Qua đó, Viện kiểm sát đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố hơn 3.000 vụ án, hủy bỏ 78 quyết định khởi tố vụ án. Đồng thời, Viện kiểm sát đã trực tiếp khởi tố và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra 92 vụ án hình sự; trực tiếp hủy bỏ hơn 600 quyết định không khởi tố vụ án hoặc quyết định khởi tố vụ án; hủy hơn 3.300 lệnh, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn thiếu căn cứ, trái pháp luật.

"Kết quả công tác kiểm sát đã góp phần quan trọng bảo đảm việc khởi tố vụ án, bắt, tạm giữ, tạm giam và điều tra đúng pháp luật; hạn chế thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm và oan, sai", ông Trí khẳng định.

quoc hoi chat van cac thanh vien chinh phu
Viện trưởng Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Cũng theo ông Trí, ngành Kiểm sát đã kiểm sát chặt chẽ 100% các vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố và trong suốt quá trình điều tra. Thông qua kiểm sát, Viện kiểm sát đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố gần 2.900 bị can; hủy hơn 1.100 quyết định khởi tố bị can và 138 quyết định tạm đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ điều tra thiếu căn cứ, trái pháp luật. "Tiến độ, chất lượng giải quyết án của Viện kiểm sát đều đạt 99,9% và vượt chỉ tiêu của Quốc hội".

Từ năm 2016 đến nay, Viện trưởng VKSND tối cao chỉ đạo ngành Kiểm sát thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng chất lượng điều tra, truy tố để giảm tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Kết quả, chất lượng điều tra, truy tố được nâng lên, số vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung giảm dần. Cụ thể, tỷ lệ trả hồ sơ năm 2018 là 3,02%, giảm 0,65%; năm 2020 còn 2,7%, giảm 0,8%.

Bên cạnh đó, toàn ngành Kiểm sát đã kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết các vụ việc liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị; phối hợp với các cơ quan tố tụng kịp thời điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh nhiều vụ án xâm phạm đất đai được dư luận xã hội quan tâm. Đơn cử như vụ Nguyễn Thành Tài, vụ Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm phạm tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại TP Hồ Chí Minh; vụ Trần Văn Minh và đồng phạm phạm tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", "Vi phạm quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại TP Đà Nẵng...

8h50

Xét xử 90 bị cáo vi phạm quy định về đất đai trong hơn một năm

Chánh án Tòa tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, từ ngày 1/6/2019 đến 30/9/2020, các Tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm đối với 37 vụ, 147 bị cáo; đã xét xử 25 vụ với 90 bị cáo phạm các tội về quản lý đất đai, sử dụng đất đai, về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Các Tòa án đã chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm sớm đưa vụ án ra xét xử, không có vụ án nào để quá hạn luật định thời gian qua. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước đã bị áp dụng hình phạt nghiêm khắc. Các Tòa án cũng chú ý áp dụng các biện pháp kê biên tài sản và các biện pháp tư pháp, các hình phạt bổ sung nhằm thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt.

Trước tình trạng xâm hại tình dục trẻ em gia tăng phức tạp, Tòa án nhân dân tối cao đã thành lập 38 Tòa gia đình và người chưa thành niên tại các Toà án nhân dân cấp tỉnh. Các Tòa án đã tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng nhanh chóng nghiên cứu hồ sơ nên hầu hết các vụ án xâm hại trẻ em đều được đưa ra xét xử nghiêm minh, trong thời hạn luật định.

8h45

\'Chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội\'

Báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIII (2011 - 2016) và khóa XIV (2016 - 2021), Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, các Tòa án đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cơ bản mà các nghị quyết của Quốc hội đề ra; một số lĩnh vực tuy chưa đạt được theo yêu cầu nhưng đã có nhiều tiến bộ rõ nét.

Nhiều Tòa án địa phương đã chủ động xây dựng quy chế, chương trình phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp tổ chức các "Phiên tòa mẫu", "Phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm"... Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành 2 Thông tư quy định về phòng xử án và Quy chế tổ chức phiên tòa. Tòa án nhân dân tối cao cũng đề ra 14 giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xét xử.

quoc hoi chat van cac thanh vien chinh phu
Chánh án TAND TC Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

"Chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại án tiếp tục được nâng cao; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án trong nhiều năm được hạn chế ở mức thấp, giảm dần qua các năm và hiện ở mức dưới 1,5%, đáp ứng chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra", ông Bình nói.

Chánh án Tòa Tối cao cũng cho hay, trong xét xử các vụ án hình sự, các cơ quan đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, "chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội"; thực hiện nghiêm, có chất lượng chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được xét xử nghiêm minh như: vụ án Đinh La Thăng; vụ án Trịnh Xuân Thanh; các vụ án liên quan đến ngân hàng...

"Người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước bị áp dụng hình phạt nghiêm khắc", ông nói.

Theo báo cáo, từ ngày 1/10/2015 đến 30/9, các Tòa án thụ lý 19 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án; giải quyết dứt điểm 15 trường hợp. Các Tòa án cũng đã giải quyết 60/76 vụ án dân sự mà người bị thiệt hại khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường.

8h40

Dân di cư tự do giảm 10 lần so với giai đoạn trước

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, tình trạng dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên đã giảm mạnh trong những năm gần đây, cả giai đoạn 2015 - 2020 chỉ còn 3.307 hộ di cư tự do (miền núi phía Bắc là 1.267 hộ và Tây Nguyên là 2.040 hộ), giảm trên 10 lần so với giai đoạn trước. Nhiều huyện, xã ở các tỉnh Tây Nguyên trước đây là các điểm nóng về dân di cư tự do thì vài năm trở lại đây đã không còn dân di cư mới đến.

Tuy nhiên, nguồn vốn được bố trí còn hạn chế, nhiều dự án dở dang, chưa hoàn thành; người dân thiếu đất sản xuất, đời sống còn nhiều khó khăn; vẫn còn nhiều hộ dân di cư tự do chưa có chỗ ở ổn định theo quy hoạch ở nơi đến.

8h35

Nhiều vụ tham nhũng nghiêm trọng được xử lý

Theo Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, thời gian qua, Chính phủ xác định công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, dành thời gian thích đáng để chỉ đạo giải quyết. Vì vậy, số vụ việc và số đoàn đông người giảm; chất lượng, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo được nâng lên.

Công tác phòng, chống tham nhũng được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được thanh tra và kết luận, trong đó có một số vụ việc rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, mang tính đột phá trong đấu tranh xử lý tham nhũng; kiến nghị xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm, thu hồi nhiều tiền, tài sản, đất đai có giá trị lớn.

"Tuy nhiên, còn một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa thực hiện nghiêm túc lịch tiếp công dân định kỳ, chưa gắn việc tiếp công dân với đối thoại giải quyết khiếu nại, tố cáo", lãnh đạo Chính phủ nói.

8h25

Một số dự án thua lỗ ngành Công Thương đã tìm được đối tác đầu tư, mua lại

Lãnh đạo Chính phủ cho biết, 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương đã được chỉ đạo tìm phương án xử lý dứt điểm. Nguyên tắc là tự chủ của doanh nghiệp, theo cơ chế thị trường, nhà nước không cấp thêm vốn, hạn chế thiệt hại và quan tâm tới quyền lợi người lao động.

Đến nay một số dự án đã tìm được đối tác hợp tác đầu tư hoặc đang có nhà đầu tư quan tâm mua lại, như nhà máy sản xuất sơ xợi Đình Vũ, nhà máy gang thép Thái nguyên giai đoạn 2 và dự án Thép Việt Trung.

Ngoài ra, các cơ quan có thể giải quyết khó khăn với dự án DAP-1 Hải Phòng, DAP-2 Lào Cai, Đạm Ninh Bình nếu tháo gỡ được vướng mắc về thuế suất GTGT 5% đối với phân bón.

Riêng dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, lãnh đạo Chính phủ cho biết còn khó khăn do có sai phạm trong quá trình thực hiện. Đến nay, dự án này đã hoàn thành khoảng 86% khối lượng. Thủ tướng đã giao nhiệm vụ Tập đoàn Dầu khí (PVN) tiếp tục triển khai, hoàn thành đưa vào vận hành trong năm 2021 - 2022.

Đánh giá hoạt động ngành Công Thương, Phó thủ tướng nhận xét, việc xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa đúng kế hoạch. Một số bất cập giữa quy hoạch, đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện chưa được xử lý triệt để. Quản lý quy hoạch và xây dựng thủy điện chưa chặt chẽ, còn có dự án thủy điện nhỏ có tác động đáng kể đến môi trường.

8h20

Thị trường khoa học công nghệ từng bước hoàn thiện và phát triển

Theo Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, thời gian qua, chính sách pháp luật về khoa học công nghệ tiếp tục được hoàn thiện; cơ chế quản lý được đổi mới góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhiều doanh nghiệp chủ động đầu tư phát triển khoa học công nghệ.

Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế tăng từ 33,6% trong giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020. Thị trường khoa học công nghệ từng bước hoàn thiện và phát triển.

"Chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, kết quả nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh đã góp phần tái cấu trúc nông nghiệp theo hướng hiện đại, tăng giá trị xuất khẩu, đưa nước ta vào nhóm nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về tôm, cá tra, cà phê, điều, hồ tiêu, gạo...", Phó thủ tướng nói.

Tuy nhiên, ông cho rằng, còn một số cơ chế, chính sách ưu đãi về khoa học công nghệ chưa đồng bộ; Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 chưa ban hành; liên kết giữa nghiên cứu với thị trường, giữa nhà khoa học với doanh nghiệp còn yếu; quy định về quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp còn vướng mắc.

8h10

Chất vấn để đánh giá toàn diện các yêu cầu của Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Quốc hội sẽ dành 2 ngày rưỡi để xem xét, chất vấn việc thực hiện nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV, và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Đây là lần thứ 2 trong nhiệm kỳ Quốc hội tiến hành việc này (lần thứ nhất tại kỳ họp thứ Sáu - kỳ họp giữa nhiệm kỳ).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Qua các báo cáo, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, về tổng thể đã nổi lên nhiều kết quả tích cực, thể hiện tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành cũng như từng thành viên Chính phủ và các trưởng ngành trong việc triển khai các yêu cầu của Quốc hội. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng những kết quả đạt được đã góp phần không nhỏ trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội,

Phiên chất vấn này là phiên cuối cùng trong hoạt động chất vấn của Quốc hội khóa XIV. Mục đích chính là đánh giá một cách toàn diện kết quả triển khai các yêu cầu của Quốc hội, được nêu trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Cách thức tiến hành phiên chất vấn sẽ không theo nhóm vấn đề, đại biểu hỏi lĩnh vực nào thì người đứng đầu các cơ quan liên quan có trách nhiệm trực tiếp trả lời theo điều hành của Chủ tọa Kỳ họp. "Riêng đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế, do đã thay đổi nhiệm vụ mới và đang được Quốc hội tiến hành các thủ tục phê chuẩn nên chất vấn của các đại biểu Quốc hội sẽ được trả lời bằng văn bản. Những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, thì Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực trả lời. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng sẽ thay mặt Chính phủ phát biểu, giải trình làm rõ một số nội dung", Chủ tịch Quốc hội nói.

Việc đăng ký chất vấn và tranh luận của đại biểu được thực hiện thông qua App Quốc hội trên Ipad của mỗi người. Chủ tọa điều hành theo hướng mỗi lượt chất vấn sẽ mời 3 - 5 đại biểu đặt câu hỏi, thời gian nêu chất vấn không quá một phút và người trả lời chất vấn cũng không quá 3 phút. Thời gian tranh luận cho mỗi đại biểu không quá 2 phút, mỗi đại biểu tranh luận không quá 2 lần.

8h00

Sáng nay, Quốc hội bước vào phiên chất vấn đầu tiên trong 3 ngày làm việc về nội dung này.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí sẽ trình bày báo cáo thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV, một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Phiên làm việc của Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 10. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Trước đó, kỳ họp giữa năm 2020 của Quốc hội không có hoạt động chất vấn trực tiếp các bộ trưởng, trưởng ngành như thường lệ. Lý do là bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu tới kinh tế - xã hội, Quốc hội đề nghị dành thời gian để các thành viên Chính phủ tập trung điều hành, xử lý.

Kế hoạch chất vấn kỳ họp tháng 10 ban đầu được đề xuất dưới hình thức trực tuyến, nhưng đã không được thông qua vì Thường vụ Quốc hội cho rằng "chất vấn tối cao phải trực tiếp". Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết, bà nhận được ý kiến kỳ họp thứ 9 vừa qua "hơi thiếu lửa" vì không có chất vấn và trả lời chất vấn.

Bài phát biểu Bài phát biểu "gây sốt" của nữ đại biểu tỉnh Phú Yên ở nghị trường Quốc hội

VTC News giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) tại kỳ họp thứ 10, Quốc ...

Toàn văn bài phát biểu Toàn văn bài phát biểu "gây sốt" ở Quốc hội của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu

VTC News giới thiệu toàn văn bài phát biểu của PGS.TS - ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đoàn đại biểu Quốc hội An Giang) tại kỳ ...

Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Phạm Phú Quốc Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Phạm Phú Quốc

Quốc hội thống nhất bãi nhiệm ông Phạm Phú Quốc với 467 phiếu đồng ý, chiếm 96,8% tổng số đại biểu Quốc hội.

Ngày đăng: 08:41 | 06/11/2020

/ vnexpress.net