Không phải ai cũng rõ sự khác biệt giữa “nguyên quán”, “quê quán” và “trú quán” khi làm giấy tờ tư pháp và hộ tịch.

Không phải ai cũng rõ sự khác biệt giữa “nguyên quán”, “quê quán” và “trú quán” khi làm giấy tờ tư pháp và hộ tịch.

Nguyên quán là xuất xứ của ông bà; quê quán là quê của cha, mẹ; trú quán là nơi sinh sống thường xuyên.

Từ khi sinh ra, tôi về "quê" tổng cộng ba lần, mỗi lần chỉ vài tiếng đồng hồ. Nếu lấy số tuổi tôi chia cho ba, trung bình, 14 năm rưỡi, tôi về quê một lần.

Đó là "quê quán" của tôi trên thẻ căn cước công dân hiện nay hay "nguyên quán" trên chứng minh thư nhân dân trước kia.

Song tôi vẫn may mắn "thuộc" quê do từ nhỏ đã đọc những truyện ngắn với bối cảnh làng quê Nghệ An đậm nét của ông nội tôi, nhà văn Bùi Hiển.

Nhưng không phải ai cũng may mắn có một nơi chốn cụ thể cùng những hình ảnh, tư liệu sống động để ôm ấp khái niệm về quê quán. Mẹ tôi là một ví dụ.

Trên mọi giấy tờ, phần "nguyên quán" hay "quê quán" của mẹ đều ghi Gia Viễn, Ninh Bình và nơi sinh Sa Đéc, Đồng Tháp. Ông ngoại tôi từ nhỏ đã rời Ninh Bình theo gia đình sang Lào và Thái Lan sinh sống. Thời kháng chiến chống Pháp, ông tham gia bộ đội hải ngoại về chi viện cho chiến trường Nam bộ và kết hôn với bà ngoại tôi, một cô gái Sa Đéc. Sau nhiều năm là chỉ huy ở Tiểu đoàn 307, ông đưa cả nhà ra Bắc tập kết năm 1954.

Tuy ở Hà Nội mấy chục năm, nhưng cả bà ngoại và mẹ vẫn mang chất giọng miền Nam, lối ăn uống cũng nghiêng về miền Nam. Năm hơn 60 tuổi, mẹ tôi quyết định chuyển vào TP HCM sinh sống, mỗi năm đều về thăm quê ngoại ở miền Tây trong khi hiếm hoi mới về quê nội, nơi mẹ không có chút ký ức tuổi thơ hoặc mối liên hệ rường cột nào. "Nếu chiểu theo giấy tờ, có lẽ mẹ bị xếp vào danh sách mất gốc", mẹ thỉnh thoảng đùa.

Luật Hộ tịch năm 2014 quy định đại ý, người dân ghi quê quán khi khai sinh thế nào sẽ đăng ký hộ khẩu và làm thẻ căn cước công dân như thế.

Nhưng nhiều năm nay đã có không ít kêu ca về việc lúng túng khi xác định "quê quán" hay "nguyên quán" khi khai báo nhân thân với các cơ quan chính quyền. Với việc lấy giấy khai sinh làm gốc, nếu giấy khai sinh thiếu thông tin quê quán, hoặc thông tin quê quán không khớp giữa các giấy tờ, nhiều người gặp phiền phức khi xử lý các vấn đề quan trọng như nhập khẩu, chứng thực lý lịch, cải chính hộ tịch.

Ngoài ra, quy định phải đăng ký địa danh quê quán đủ ba cấp hành chính làm khó cho nhiều người. Do chiến tranh, ly hương, tao loạn, nhiều người chỉ biết được tên tỉnh, thành nhưng không nắm được huyện, xã hoặc phường, quận nơi bố mẹ coi là quê. Việc xác minh nhiều khi đòi hỏi giấy khai sinh của đời cha mẹ, và thậm chí đời ông bà khiến nhiều người bó tay.

Cuối năm ngoái, chính phủ đã phê duyệt khoản đầu tư gần 2,7 nghìn tỷ đồng để triển khai thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử. Dù được "chip hóa" với ngân sách khổng lồ như vậy, các thông tin hiện diện trên biểu mẫu căn cước mới vẫn như cũ, bao gồm dòng thông tin về quê quán.

Người dân kỳ vọng tấm thẻ mới với khả năng tích hợp các thông tin định danh cá nhân sẽ giúp họ đỡ phiền toái hơn với giấy tờ hành chính và việc quản lý công dân cũng bớt lãng phí thời gian, công sức. Với tinh thần 4.0 như vậy, thông tin về quê quán trở nên thừa thãi trong thủ tục hành chính.

Bộ Tư pháp, Bộ Công an hay Bộ Nội vụ đều không có chức năng thống kê hội đồng hương, nghiên cứu dân tộc học hay phong tục văn hóa, chưa rõ việc ôm đồm quản lý thông tin quê quán của gần 100 triệu dân mang lại lợi ích gì. Đó là chưa kể việc tách nhập, thay đổi tên các đơn vị hành chính ở Việt Nam diễn ra khá thường xuyên, nên địa danh quê quán nhiều khi cũng chỉ mang tính thời kỳ và không phải là yếu tố bất biến.

Luật Hộ tịch năm 1961 không yêu cầu khai báo thông tin quê quán khi khai sinh, chỉ quy định ghi nơi sinh. Sau này, mục "quê quán" được đặt ra thêm có lẽ phục vụ việc thẩm tra lý lịch cán bộ trong hệ thống công quyền.

Vấn đề là chúng ta có nên tiếp tục duy trì và quản lý một khái niệm có tính chất tinh thần riêng tư với kho dữ liệu khổng lồ, tốn nguồn lực như vậy? Nên chăng, chỉ những ai cần thiết mới phải chia sẻ thông tin chi tiết với cấp có thẩm quyền?

Từ đầu những năm 1990, sự di cư của người Việt ngày càng đa dạng và gần đây trở nên bùng nổ trong trào lưu toàn cầu hóa. Khi thế giới phẳng hơn, người dân nên được chọn nơi nào mình cảm thấy gắn bó nhất là "quê", ghi nhận nó trong đời sống tinh thần và sinh hoạt thực tiễn thay vì bắt buộc thể hiện trên giấy tờ theo các khuôn khổ cứng nhắc.

Các đại biểu Quốc hội, Sở Tư pháp một số địa phương nhiều lần kiến nghị Bộ Tư pháp "có cách tiếp cận mới" sau khi trực tiếp đối mặt với những trường hợp rắc rối về xác định quê quán của người dân. Nhưng, tới nay chưa có gì thay đổi.

Quốc hội vừa bầu chính phủ mới mang theo những tuyên bố về cải cách, trong đó có cải cách hành chính. Năng lực lãnh đạo không chỉ thể hiện ở các hô hào cải cách. Nó còn thể hiện ở khả năng dám thách thức những điều vô lý, những việc xưa nay vẫn vậy nhưng gây phiền hà cho dân và vô nghĩa về mặt quản lý.

Cẩm Hà

Vì sao Bộ Công an phải gấp rút cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp trước 1/7? Vì sao Bộ Công an phải gấp rút cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp trước 1/7?
Thu nhận hơn 15 triệu hồ sơ căn cước công dân gắn chip Thu nhận hơn 15 triệu hồ sơ căn cước công dân gắn chip
Vì sao thẻ căn cước công dân mới được cấp "xuyên đêm"? Vì sao thẻ căn cước công dân mới được cấp "xuyên đêm"?

Ngày đăng: 09:33 | 19/04/2021

/ vnexpress.net