Lượng khách có nhu cầu đi máy bay tới Quảng Trị có không? Tiền đâu để thực hiện dự án?
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét, phê duyệt quy hoạch cảng hàng không Quảng Trị. Theo phương án trình duyệt, sân bay xây dựng tại xã Gio Quang, huyện Gio Linh (cách TP Đông Hà khoảng 7km), đây là cảng hàng không nội địa cấp 4C, dùng chung dân dụng - quân sự. Đường cất, hạ cánh tại đây sẽ dài 2.400m, rộng 45m, kết cấu đường đảm bảo khai thác tàu bay A320, A321 và tương đương.
Cảng hàng không Quảng Trị là một trong 28 CHK nội địa đưa vào khai thác giai đoạn từ năm 2020 - 2030 với quy mô hàng không dân dụng cấp 4C, diện tích sử dụng đất 312 ha. Ảnh Báo Giao thông |
Bình luận về thông tin trên, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng cần cân nhắc thận trọng về đề xuất trên.
Theo vị PGS, tính chung cả nước hiện có 21 sân bay quốc tế và nội địa đang khai thác. Trong đó, có 9 sân bay quốc tế, 12 sân bay nội địa đang hoạt động.
Nếu dựa theo bản đồ, quy hoạch sân bay đang được rải đều khắp các tỉnh thành, phố miền Trung bao gồm từ: Thanh Hóa (sân bay Thọ Xuân), Nghệ An (sân bay Quốc tế Vinh), Quảng Bình (Đồng Hới), Huế (Phú Bài), Đà Nẵng (sân bay Đà Nẵng), Bình Định (sân bay Phù Cát).
Tính chung trên các nước, các dự án đang được ấp ủ, đang trong quy hoạch của nhiều địa phương khác như: An Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Quảng Trị...
Đáng nói, tính đến thời điểm năm 2017 chỉ có Sân bay quốc tế Nội Bài và Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thu lãi, còn lại hầu hết các sân bay đều trong tình trạng hòa vốn hoặc thua lỗ, nhất là những sân bay ở các địa phương chưa thực sự phát triển về du lịch.
Vậy khi đề xuất làm sân bay Quảng Trị địa phương và Cảng hàng không đã có nghiên cứu, báo cáo đầy đủ về lợi ích kinh tế, xã hội mà sân bay sẽ mang lại cho Quảng Trị và các tỉnh lân cận chưa? Đánh giá cụ thể như thế nào?
PGS Nguyễn Thiện Tống cho biết, lâu nay những số liệu về nhu cầu hành khách tại các sân bay đều không được công bố công khai, mặc dù những số liệu trên không có gì là bí mật nhưng thông tin không được công bố. Tại các trang web của các sân bay cũng không có thông tin đầy đủ về số lượng hành khách, số chuyến cất hạ cánh tại sân bay của mình quản lý.
"Bản thân tôi là chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực này nhưng cũng không nắm được thông tin, có đi xin trực tiếp các sân bay nhưng cũng chỉ được cung cấp nhỏ giọt, không đầy đủ.
Nói như vậy, tôi muốn nhấn mạnh trước khi xem xét đề xuất trên có hợp lý hay không, ngành giao thông vận tải cần phải công khai, minh bạch tất cả các số liệu liên quan tới số lượng hành khách, số lượng chuyến cất hạ cánh của tất cả các sân bay, bao gồm cả sân bay quốc tế và sân bay nội địa có như vậy mới giúp cho việc quy hoạch phát triển ngành hàng không trong tương lai được hiệu quả", PGS Nguyễn Thiện Tống nói.
Soi vào đề xuất của Cục hàng không Việt Nam, vị PGS yêu cầu ngành giao thông phải có được khảo sát tổng quát với bao nhiêu lượng khách đến sân bay Phú Bài (Huế), bao nhiêu hành khách đến sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) và bao nhiêu khách đến sân bay Đồng Hới, bao nhiêu khách đến Phù Bài rồi đi về Quảng Trị trong 1 năm?.
Khi công bố công khai, chính xác được số liệu này mới đánh giá được nhu cầu khách đi máy bay vào Quảng Trị hiện tại và tương lai là bao nhiêu?
"Để làm một dự án sân bay phải thực hiện đầy đủ theo các bước: nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi... rồi phê duyệt, triển khai dự án.
Như vậy ở đây các bước nghiên cứu tiền khả thi về dự án đã được thực hiện và đánh giá thế nào? Nhu cầu đi máy bay tới Quảng Trị thực tế như thế nào? Tỉ lệ dân cư có thu nhập, mức sống cao để đi máy bay là bao nhiêu?
Nếu so sánh tỉ lệ này với Huế thì rõ ràng thu nhập của người dân tại Quảng Trị còn thấp hơn nhiều. Trong khi đó sân bay Huế còn đang bù lỗ thì tương lai sân bay tại Quảng Trị liệu có khả quan hơn không?
Tiếp theo về kỹ thuật, Quảng Trị định thiết kế sân bay thế nào? Ngoài sân bay còn phương án vận tải nào hiệu quả, tốt hơn không?
Vấn đề quan trọng hơn là Quảng Trị làm sân bay bằng nguồn vốn ở đâu? Và khả năng thu về bao nhiêu? Lỗ, lãi thế nào?
Đây là bài toán rất quan trọng mà hầu hết địa phương nào sau khi xây dựng dự án xong đều bị tắc. Quảng Trị có tránh được vết xe đổ? Nếu không xoay trở được nguồn vốn thì phương án sẽ thất bại", vị PGS phân tích.
Quy hoạch có vấn đề
Qua đề xuất của Quảng Trị nhìn rộng ra vấn đề quy hoạch ngành hàng không của Bộ GTVT đang có vấn đề.
Quy hoạch sân bay cũng phải dựa theo nguyên tắc kinh tế thị trường, phải dựa vào nhu cầu để tạo ra nguồn cung, tuy nhiên, cách xây dựng quy hoạch của ngành giao thông hiện nay còn mang tính bao cấp, quan liêu chưa dựa vào nhu cầu, đánh giá thực tế.
Chưa nói tới sân bay nào cũng muốn được nâng cấp lên sân bay quốc tế, đầu tư lớn nhưng không hiệu quả. Nhiều sân bay quân sự đang bị bỏ không lãng phí hoặc không, không khai thác được hết tiềm năng, rất lãng phí.
"Ở đây có biểu hiện của việc làm quy hoạch kiểu lấy lòng, chiều chuộng địa phương, cần phải xem xét lại", vị PGS nhận xét.
Cũng theo vị chuyên gia, ngoài việc phải xem xét lại quy hoạch hàng không, trong tương lai ngành giao thông nên tính tới phương án khai thác khu vực vùng trời thấp, với những máy bay nhỏ, đường bay ngắn với giá rẻ hơn.
Riêng với Quảng Trị trong tương lai cũng có thể tính tới phương án trên. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đề xuất làm sân bay phục vụ tàu bay A320, A321 và tương đương của Quảng Trị là không khả thi cả về mặt hiệu quả và kỹ thuật, trong điều kiện hiện tại thì không nên làm sân bay. Vị chuyên gia cho rằng, ngoài nguồn vốn đầu tư cho sân bay Quảng Trị còn tính tới phương án tài chính để hoàn thiện, kết nối, xây dựng hạ tầng cho sân bay. Nguồn lực trên không nhỏ, không dễ xoay trở, khó khả thi.
Thái Bình
Sân bay bỏ"loa phường": Đỡ ồn song dễ lỡ chuyến
Tân Sơn Nhất là sân bay đầu tiên trên cả nước có kế hoạch ngừng hệ thống phát thanh thông báo tự động tại các ... |
Bộ trưởng GTVT lý giải vì sao sân bay Long Thành chậm triển khai
"Dư luận nói sao bố trí tiền rồi mà không làm nhưng Luật Đầu tư công như vậy thì xem thử bộ ngành có làm ... |
'Giao tư nhân làm Dự án Long Thành, Cao tốc Bắc Nam chỉ mất 10 năm thay vì 30 năm'
Chủ tịch Tập đoàn FPT nói nếu giao doanh nghiệp tư nhân làm sân bay Long Thành và cao tốc Bắc Nam chỉ mất một ... |
Ngày đăng: 11:15 | 08/07/2019
/ baodatviet.vn