Quảng Ngãi chỉ ra bất cập trong các quy định về hợp đồng, tuyển dụng và xin phép Bộ Nội vụ tuyển giáo viên để đảm bảo việc dạy học.
Ngày 27/4, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã đề nghị Kho bạc Nhà nước tỉnh thanh toán lương cho giáo viên hợp đồng giảng dạy trên các trường đến hết ngày 31/5, lúc kết thúc năm học 2018-2019.
Trước đó, nhiều giáo viên dạy hợp đồng ở các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở phản ánh về việc họ không được nhận lương từ đầu năm. Sở Nội vụ Quảng Ngãi Nội vụ lý giải, theo Nghị định 161 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2019, các trường không được ký hợp đồng với giáo viên.
Nam giáo viên dạy hợp đồng ở huyện miền núi Tây Trà, Quảng Ngãi. Ảnh: Phạm Linh.
Nhưng trên thực tế, các thành phố, huyện và trường học vẫn ký hợp đồng vì không thể hoàn thành chương trình giảng dạy khi thiếu giáo viên. Ở một số huyện, việc chi trả lương cho giáo viên vẫn được thực hiện đến tháng tư, một số địa phương khác kho bạc không đồng ý giải ngân. Để giải quyết tạm thời, nhiều trường tự tìm cách tạm ứng cho giáo viên.
Ông Đoàn Dụng - Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi cho biết toàn tỉnh có khoảng 700 giáo viên hợp đồng, đây là ngành đặc thù nên việc hợp đồng là bắt buộc dù quy định Nhà nước không cho phép.
Ngoài ra, từ năm 2016, khi có chủ trương sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, tỉnh dừng việc tuyển viên chức khác. Do đó, ở các đơn vị sự nghiệp và các sở ngành còn 500 hợp đồng ở các vị trí như văn thư, thủ quỹ, kế toán, y tế học đường, đài truyền thanh... cũng thuộc diện dừng hợp đồng theo Nghị định 161. "Nhưng các hợp đồng này không ảnh hưởng, tác động nhiều như giáo viên", Giám đốc Sở Nội vụ nói.
Trong văn bản gửi Kho bạc Nhà nước tỉnh, UBND Quảng Ngãi đã chỉ ra sự không thống nhất giữa các văn bản liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng.
Cụ thể, theo Nghị quyết 19 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương, các đơn vị sự nghiệp được hợp đồng lao động khi chưa tuyển dụng đủ viên chức trong chỉ tiêu biên chế được giao.
Trong khi đó, theo Nghị định 161 năm 2018 của Chính phủ, cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên không được ký hợp đồng với những người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí được xác định là công chức, viên chức.
Liên quan đến sự việc, ngày 24/4 vừa qua, UBND Quảng Ngãi đã gửi văn bản đến Bộ Nội vụ xin phép tuyển dụng giáo viên, bác sĩ ở các địa phương thuộc diện phải sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã (sáp nhập) theo Nghị quyết 653 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, nhu cầu giáo viên và nhân viên y tế trong tỉnh nói chung và các huyện thuộc diện trên là rất lớn. Nhưng khoản 1 điều 8 Nghị quyết 653 quy định tạm dừng tiếp nhận, tuyển dụng cán bộ, viên chức ở các địa phương nói trên. Trong khi đó, các đơn vị cũng không thể ký hợp đồng với giáo viên, bác sĩ vì trái Nghị định 161.
UBND Quảng Ngãi cho rằng việc tuyển dụng viên chức trong ngành giáo dục và y tế không ảnh hưởng lớn đến việc sắp xếp đơn vị hành chính; vì số giáo viên dựa trên quy mô trường lớp, số lượng học sinh, địa bàn các xã; y bác sĩ dựa trên dân số, giường bệnh...nên cần tuyển để đảm bảo dạy học, khám chữa bệnh.
Trước đó, một số huyện đã kiến nghị tỉnh xem xét về việc số lượng lớn giáo viên, nhân viên trong đơn vị sự nghiệp công lập, buộc phải cắt hợp đồng, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị này.
Đại biểu Quốc hội đau lòng vì giáo viên hợp đồng Đó là khẳng định của Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, đoàn đại biểu tỉnh Ninh Thuận tại phiên giải trình về thực hiện chính ... |
Vụ 500 giáo viên mất việc ở Đắk Lắk: Gửi tâm thư lên Thủ tướng Hàng trăm giáo viên hợp đồng dôi dư tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã cùng ký tên vào một bức tâm thư gửi Thủ ... |
Vì đâu 550 giáo viên hợp đồng phải rời bục giảng? UBND tỉnh Ðắk Lắk vừa quyết định sẽ chấm dứt hợp đồng với hơn 550 giáo viên dôi dư tại huyện Krông Pắk sau 5 ... |
Ngày đăng: 15:30 | 28/04/2019
/ https://vnexpress.net