Thời tiết khắc nghiệt đã khiến cho người dân cùng hoa màu ở Quảng Nam đang lâm vào cảnh “đói“ nước trầm trọng. Trong khi đó, thủy điện trên địa bàn lại vô tư xài hoang phí nước để phát điện, khiến người dân không khỏi bức xúc.

Khắp nơi cạn khô, người dân vượt 3km tìm nước sinh hoạt

Ngày 23/7, thống kê từ Sở NNPTNT Quảng Nam cho biết, địa bàn tỉnh hiện có khoảng 12.000ha sản xuất vụ Hè Thu phải thực hiện các giải pháp phòng chống hạn và nhiễm mặn. Sở NNPTNT tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường tìm tất cả các nguồn nước để phục vụ tưới. Thế nhưng, toàn tỉnh vẫn có trên 100ha (chủ yếu ở thị xã Điện Bàn và huyện Duy Xuyên) đã hết giải pháp tìm nguồn cung cấp nước.

Cây cối, hoa màu của nông dân xứ Quảng Nam khô héo do thiếu nước, nhiều cánh đồng bỏ hoang

Bên cạnh đó, người dân huyện miền núi Bắc Trà My, đảo Cù Lao Chàm (Hội An) cũng đang vô cùng lo lắng vì thiếu nước sinh hoạt.

Tại khu vực Sông Trường (Bắc Trà My) đang trơ đáy, còn hồ thủy điện Sông Tranh 2 mực nước đang hạ xuống dưới mực nước chết, khiến nhiều hộ dân huyện Bắc Trà My lâm cảnh thiếu nước sinh hoạt.

Dân miền núi huyện Bắc Trà My kéo ra sông suối đóng giếng để tìm nước sinh hoạt

Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, khô hạn thì không chỉ có Bắc Trà My, mà hầu như huyện nào cũng bị vì những đợt nắng nóng kéo dài.

“Để giúp người dân giải cơn nhiệt thiếu nước, huyện đã xin chủ trương và được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt phương án xây dựng nhà máy nước tại trung tâm thị trấn Trà My, công suất 4.000 m3. Với phương án này, hy vọng người dân ở đây sẽ sớm chấm dứt tình trạng thiếu nước vào mùa khô như hiện nay” - ông Vũ nói.

Tại xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, hàng nghìn người dân đang sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng giữa những ngày nắng nóng.

Bà Lê Thị Nhứt (thôn Bãi Ông) cho biết, do thiếu nước sinh hoạt nên bà phải dậy thật sớm và mang 14 chiếc thùng (loại 30 lít) vượt quãng đường 3 cây số từ nhà lên khe để hứng nước suối.

Hồ chứa nước sinh hoạt Bãi Bìm (đảo Cù Lao Chàm, Hội An) cạn khô đáy

“Cả tuần nay, bể chứa Bãi Bìm phục vụ nước sinh hoạt cho cả xã đảo cạn khô và không hề cung cấp một giọt nước nào. Để có nước sử dụng, tôi và người dân trên đảo chỉ còn cách tìm đến nơi đặt hệ thống đường dây dẫn nước từ trên suối để lấy nước mang về tắm rửa, giặt giũ” - bà Nhứt cho biết.

Người dân đảo Cù Lao Chàm phải vét từng giọt nước để sinh hoạt

Ông Ngô Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp xác nhận, Hiện tại, nước trong bể ở Bãi Bìm đang cạn trơ đáy và không thể dẫn về để phục vụ cho gần 3 nghìn người dân trên đảo. “Xã đang lập kế hoạch đóng các máy bơm để tận dụng nguồn nước ngầm cho người dân sử dụng” - ông Hùng nêu.

Thủy điện xài nước hoang phí?

Trong khi người dân và hoa màu đang rất cần nước, thì một số thủy điện trên địa bản tỉnh Quảng Nam lại xài hoang phí nước.

Ngành nông nghiệp Quảng Nam cho biết, ngay từ đầu vụ Hè Thu 2019, sở NNPNT tỉnh đã chủ động phối hợp các nhà máy thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Sông Tranh 2 và Đak Mi 4 tham mưu xây dựng kế hoạch vận hành điều tiết qua phát điện ngắn với nhu cầu sử dụng nước ở hạ du nhằm đảm bảo tiết kiệm nước, cấp nước an toàn cho vùng hạ du đến cuối mùa cạn năm 2019.

Ao, hồ khô nước khiến hoa màu trên nhiều cánh đồng chết cháy, người dân cũng khát nước theo

Tuy nhiên, trong giai đoạn đổ ải vụ Hè Thu nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 vận hành với lưu lượng rất lớn so với kế hoạch và yêu cầu dùng nước ở hạ du, cụ thể từ ngày 16/5 đến ngày 20/6. Từ ngày 16/5 đến ngày 10/6, vận hành xả nước qua phát điện với lưu lượng trung bình ngày 91,4m3/s, lớn hơn kế hoạch 21,4m3/s gây thiếu nước hụt thêm 25,61 triệu m3 nước; ngày 11/6 đến ngày 20/6 vận hành xả nước qua phát điện với lưu lượng trung bình ngày là 50,40m3/s, lớn hơn kế hoạch 18,4m3/s gây thiếu hụt thêm nước 15,89 triệu m3 nước.

Hiện nay, mực nước hồ thủy điện Sông Tranh 2 là 138,38/148,8m, thấp hơn mực nước chết theo quy định 1,62m, thiếu 92,29 triệu m3 nước so với quy định tại quy trình 1537 ngày 11/7. “Việc xả nước phát điện này, khiến nguồn nước còn lại tại hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 sẽ không đảm bảo cấp nước cho vùng hạ du sông Thu Bồn đến cuối vụ Hè Thu 2019” - đại diện Sở NNPNT tỉnh cho biết.

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Hiện tình hình khô hạn cũng khó khăn vì phụ thuộc vào thời tiết. Đây là đợt nắng nóng kỷ lục cả về thời gian và nền nhiệt độ so với trung bình nhiều năm.

Phía sông Vu Gia cơ bản không đáng ngại vì may mắn là hồ chưa A Vương còn vài trăm triệu m3 nước để đảm bảo cấp ở mức tiết kiệm nước nhất đến 31/8 cho sản xuất và sinh hoạt ở hạ du gồm Quảng Nam và Đà Nẵng.

Thủy điện Sông Tranh 2 được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho là sử dụng nước phát điện quá mức, khiến hồ về mực nước chết không xả nước, làm hạ du khô hạn - Ảnh CTV

“Riêng phía Thu Bồn thì căng hơn vì thủy điện Sông Tranh 2 đã phát điện quá mức quy định của Bộ TNMT theo yêu cầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN để đảm bảo an toàn điện cho cả hệ thống. Nay đã xuống dưới mực nước chết nên khó hỗ trợ giảm mặn cho hạ du. Tỉnh đã yêu cầu Sông Tranh 2 nghiên cứu vận hành xả nước theo từng đợt và phối hợp với địa phương để tranh thủ sử dụng nước. Còn phía Công ty khai thác công trình thuỷ lợi đã hỗ trợ cho các trạm bơm của Duy Xuyên từ nguồn nước hồ Phú Ninh. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các huyện nạo vét những đoạn sông xung yếu để đảm bảo nguồn nước” - ông Thanh nhấn mạnh.

Công ty Thủy điện Sông Tranh cho biết, tình hình thủy văn, lưu lượng nước trung bình về hồ Sông Tranh 2 từ đầu năm đến nay luôn ở mức thấp, trung bình khoảng 46,16 m3/s. Đến thời điểm hiện tại, lưu lượng về hồ trung bình chỉ còn là 20 m3/s. Tổng lượng nước về hồ thiếu hụt (từ tháng 2 đến nay) so với kế hoạch tính toán trung bình nhiều năm của Công ty là 177 triệu m3.

“Với việc lưu lượng về hồ thấp hơn dự báo, đồng thời Công ty Thủy Sông Tranh cũng phải thực hiện các quy định của Thông tư 45 về vận hành thị trường điện để đảm bảo cấp điện cho hệ thống điện Quốc gia trong điều kiện nguồn điện bị thiếu hụt; trong điều kiện nắng nóng diễn ra trên diện rộng kéo dài trong các tháng mùa khô năm 2019 dẫn đến mực nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 đã giảm nhanh. Việc này cũng gây ra nhiều khó khăn cho Công ty trong công tác vận hành, điều tiết hồ chứa.

Hiện nay, mực nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 đang dao động ở xung quanh cao trình mực nước 140 m. Tuy nhiên, Công ty vẫn cố gắng, nỗ lực tiếp tục thực hiện việc cấp nước hạ du qua phát điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của địa phương trong điều kiện hạn hán và mặn xâm nhập sâu vào hạ du sông Thu Bồn” - đại diện Công ty Sông Tranh cho biết.

 

Hàng loạt thủy điện “chết lâm sàng” ở huyện nghèo Đăk Glei, Kon Tum
8 đập Trung Quốc chặn 40 tỷ m3 nước, làm mực nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục?
Gia đình nạn nhân lật thuyền ở đập thủy điện được hỗ trợ gần 700 triệu đồng

Ngày đăng: 16:10 | 24/07/2019

/ danviet.vn