Trận lũ đêm 19/10 đã nhận chìm hàng chục nghìn nhà dân, khiến những người dù đã quen sống chung với lũ lụt hàng chục năm phải cầu cứu khắp nơi.
Quảng Bình bắt đầu đợt lũ cùng với nhiều tỉnh miền Trung. Từ ngày 6/10, mưa lớn đã bắt bắt đầu gây ngập những vùng hạ du. Mưa không ngớt, các hồ thủy điện phải xả tràn, lũ dâng nhanh. Không bị sạt lở đất, đá gây chết người như Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, nhưng Quảng Bình lại bị ngập sâu nhất.
23h ngày 19/10, thời điểm người dân Quảng Bình cảm nhận rõ nhất về trận đại hồng thủy mới. Ông Hoàng Tấn Trọng (44 tuổi, trú TP Đồng Hới) khi đó đang cùng bố và người vợ mang thai tháng thứ 8, ở căn nhà cấp bốn trông coi trang trại ở cánh đồng phường Bắc Lý thì nước lũ xô sập một vách tường gạch, táp lô.
Chiếc giường được treo bằng bốn sợi dây lên mái nhà, cách mặt đất hơn 2 m bị nghiêng một góc khi vách tường sập. Ông Hoàng Tấn Trường (64 tuổi, bố anh Trọng) nhảy xuống nước, ghì chặt chiếc dây bị chùng, loay hoay tìm điểm tựa cột lại để sản phụ không bị mưa ướt, nguy hiểm tính mạng.
"Không thể cứ gồng người chống chọi như thế này được, phải vào nhà kiên cố thôi", chị Đào nói với anh Trọng. Trong đêm tối, anh Trọng thuê một chiếc ghe máy, vốn là thuyền đánh cá của ngư dân vùng ven biển, di chuyển cả gia đình vào thành phố Đồng Hới cách đó 2 km.
Anh Trọng sau đó quay lại căn nhà, khi đồ đạc nổi bập bềnh dưới nước lũ, mục đích để đẩy hơn 30 con gà trong đàn gần 200 con còn sống lên những vách nhà, cành cây cao. Ba con chó đứng tạm trên thành giường, hôm sau được đưa về nhà người thân gửi tạm. "Đây là lũ lớn nhất từ khi tôi sinh ra đến giờ", anh nói.
Ở thành phố Đồng Hới, nửa đêm ông Phạm Thanh Hiền (66 tuổi, phường Bắc Lý) vội di chuyển đồ đạc khi nước đã tràn vào nhà gần nửa mét. Sống lâu năm ở đây, ông Hiền nói việc nước tràn vào nhà khi thủy điện không xả lũ là chưa từng có tiền lệ ở thành phố gần biển ven sông này.
Lượng mưa tại Quảng Bình từ 1h ngày 16 đến 17h ngày 20/10 tại trạm Trường Sơn là 1.380 mm, Minh Hóa 1.410 mm, Đồng Tâm 1.290 mm... Vùng bị ngập nặng nhất ở Quảng Bình là huyện Lệ Thủy với hơn 32.000 ngôi nhà. Con số này của toàn tỉnh là hơn 105.000.
"Lũ năm nay đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1979 lên đến 0,98 m", ông Trần Công Thuật, Chủ tịch tỉnh Quảng Bình, nói. Đỉnh lũ mà ông Thuật đề cập được đo ở trạm trên sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy). Năm 1979, mực nước lũ tại đây là 3,91 m, còn năm nay là 4,89 m và duy trì trong nhiều ngày.
"Lũ về trong đêm nên rất dữ dội. Đỉnh lũ quá cao làm một số nơi rơi vào tình trạng bị động", ông Thuật nói. Trong đêm 19/10, hàng nghìn người dân ở hầu hết các huyện của tỉnh Quảng Bình cầu cứu bằng điện thoại và trên mạng xã hội. "Dù điều kiện đi cứu hộ còn thiếu nhiều tàu và cano, trong đêm chúng tôi đã có mặt để hỗ trợ kịp thời, giảm được phần nào hậu quả", ông nói thêm.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, đợt lũ lịch sử này không chỉ "thiết lập" một đỉnh lũ mới, mà còn rút rất chậm. Đến sáng 21/10, mưa lũ vẫn đang chia cắt nhiều nơi trong tỉnh. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn khi phải sống trên gác sát mái nhà nhiều ngày, trâu, bò, lợn, gà, rau màu bị chết và hư hại.
Ông Thuật cho rằng, chính quyền địa phương và người dân cần thời gian dài mới có thể phục hồi sau đợt lũ lịch sử này. Trước dự báo cơn bão mới Saudel, tỉnh đã xuất ngay quỹ dự phòng để hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết nhằm giúp người dân có thêm lương thực dự trữ trong những ngày tới.
"Những ngày đầu nước lũ lên nhanh, chúng tôi gặp nhiều khó khăn, căng thẳng. Giờ sau khi nước chững lại và đang rút, chúng tôi rà soát những nhà neo đơn, nhà bị ngập sâu để thuận lợi trong việc hỗ trợ, cứu nạn và cứu trợ. Cố gắng không để một hộ gia đình nào bị bỏ rơi trong lũ", ông Thuật nói thêm.
Thống kê thiệt hại ban đầu, tại Quảng Bình mưa lũ làm ít nhất 7 người chết, 14 người bị thương; hơn 7.500 tấn lương thực (lúa, gạo) bị ướt; nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, bị nứt gãy, hư hỏng; nhiều trường học, trạm y tế bị cô lập, ngập sâu từ 1 - 3 mét; 30.000 hộ dân trên toàn tỉnh phải di dời.
Ngày đăng: 06:42 | 22/10/2020
/ vnexpress.net