Dù thế nào đi chăng nữa, làm cán bộ mà không biết để ý lời ăn tiếng nói, để ý cách hành xử chốn đông người thì đều cần xem lại mình.

Có câu chuyện từ ngày xửa ngày xưa nói về cách hành xử của quan văn và quan võ, nội dung câu chuyện chắc nhiều người biết.

Vì ngôn từ, cách hành xử của hai vị “phụ mẫu” của dân trong câu chuyện hơi “khủng bố”, còn động tác của đứa trẻ chăn trâu hơi “dân dã” nên người viết đành thay đổi đôi chút, chẳng hạn việc “tè” vào kiệu được thay bằng “ném đá”, việc quan chặt tay “kẻ láo” thay bằng đánh đòn.

Chuyện như thế này:

Vua sai hai vị quan - một văn, một võ - đi tuần xem dân chúng sinh sống thế nào, kiệu của quan văn đi trước, kiệu quan võ cách một đoạn phía sau.

Một đứa trẻ trâu thấy kiệu quan văn tiến đến bèn nhặt mấy cục đất leo lên cây ven đường, khi kiệu quan đi qua nó bèn ném cục đất vào kiệu.

Lính hầu thấy vậy lôi đứa trẻ trâu xuống toan đánh cho một trận, quan can không cho đánh, lại còn móc túi cho đứa trẻ trâu mấy xu lẻ rồi đi tiếp.

Lúc sau, thằng trẻ trâu lại nhìn thấy kiệu, nó nghĩ ném đất vào kiệu được tiền thì ném đá chắc sẽ được nhiều tiền hơn, nó bèn nhặt mấy cục đá to leo lên chỗ cũ.

Cục đá nó ném xuống làm rách nóc kiệu khiến quan võ nổi giận đùng đùng.

Quan sai lính hầu lôi thằng trẻ trâu xuống đánh cho một trận nhừ tử, may mà lúc ấy bố thằng bé không có đó, nếu mà có mặt chắc không tránh khỏi “ăn” đòn vì tội không biết dạy con?

Sở dĩ kể câu chuyện này với bạn đọc là vì gần đây dư luận râm ran chuyện một quan văn (xã) và một quan võ (tướng) - một người Bắc một người Nam cách nhau hàng ngàn cây số - có hành vi khiến dư luận không khỏi “lăn tăn”.

Sở dĩ dùng từ “lăn tăn” chứ không dùng “băn khoăn” bởi “băn khoăn” thường dùng cho những chuyện lớn, mang tầm chính sách và người dùng cũng phải có tư thế nào đó.

“Lăn tăn” nói ra có vẻ nhẹ nhàng hơn, viết và đọc dễ hơn nên phù hợp với dân chúng, “băn khoăn” viết mất công nhiều hơn, lại khúc khuỷu hơn, đòi hỏi phải có trình độ mới phát âm chuẩn.

Có điều tiếng Việt thật là kỳ diệu, dùng cụm từ nào thì cũng vẫn có vần “ăn” mà vần “ăn” lại kỳ diệu hơn ở chỗ nó tạo nên hẳn một động từ nguyên vẹn, chả thế mà có vị cựu lãnh đạo đã từng nói “ăn của dân không từ một cái gì”.

Hành vi đỗ xe lề đường đi ăn trưa của dân hay quan vốn là chuyện bình thường, nếu chẳng may đỗ không đúng nơi quy định mà bị lập biên bản thì chấp nhận nộp phạt.

Với dân mấy trăm nghìn tiền phạt là to chứ với người có ôtô đi ăn quán bữa trưa thì tiền nhiều hơn cũng chỉ là “muỗi”!

Việc xe chở “quan văn” đi ăn trưa mà dư luận “lăn tăn” đã được cấp trên xác định là vi phạm quy định khi đỗ dưới lòng đường, nhưng các chuyện khác thì hình như đều “chưa có cơ sở khẳng định”.

Vi phạm quy định dừng đỗ xe thuộc trách nhiệm của người lái xe nếu đó không phải là là xe chở sếp. Còn khi chở sếp thì thật khó để lái xe không tuân “thượng lệnh”, khi sếp bảo dừng chẵng lẽ lái xe bảo không.

Vấn đề là cách hành xử của người ngồi bên cạnh lái xe như thế nào, diện “đẳng cấp” chắc không giống dân quê thế nên dân cũng đừng có quá “tò mò”!

Không biết do ngẫu nhiên hay có chủ ý mà Baogiaothong.vn lại ghép ảnh một phụ nữ đang phát biểu hay huấn thị gì đó (hay … huýt sáo) trước mấy cái micro với cảnh người mặc sắc phục (hình như) đang gọi điên thoại và một người khác có lẽ đang nhắn tin hay đang ngắm lòng bàn tay mình?

Kể ra khi cấp trên khẳng định ôtô đỗ sai quy định mà không đả động gì đến ông “nhắn tin” kia thì cũng hơi lạ.

Cái ông đứng ngay trên lòng đường mà ngắm … lòng bàn tay hình như cũng chả coi luật lệ giao thông ở Hà Nội ra cái đinh gì nên mới xem chiếc xe đỗ ở lòng đường là chuyện bình thường, còn chuyện ông “ngắm” cái trong lòng bàn tay thì người thị lực yếu không dám khẳng định là ông đang nhắn tin cho ai đó, hay là ông ấy đang trông xe máy hộ người khác và gọi người ta ra lấy xe?

Nói gì thì nói, như câu chuyện cổ kể trên, vị quan văn dù bực tức cũng không chấp trẻ chăn trâu vì ngài thừa biết cách trị cho nó một mẻ mà chẳng một ai có thể bắt bẻ.

Bằng cách mượn tay quan võ “tẩn” cho thằng bé một trận, ngài hoàn toàn trong sạch, chỉ thương thằng bé ngờ nghệch bị trận đòn nhớ đời.

Người đời sau lấy đó làm gương để răn mình, đừng có dại mà động vào quan “văn”, không bị ăn đòn lúc này thì lúc khác bởi “quân tử báo thù ba năm chả vội”.

Nếu người đời có chê thì chê quan võ vũ phu bắt nạt trẻ con chứ chẳng ai biết nó hỗn với quan võ là bởi tại quan văn “xúi trẻ con ăn c.. gà sáp”!

Ngày nay có lẽ không ít quan văn (hóa) thấm nhuần sâu sắc câu chuyện này, chả ai dại gì mà đôi có với mấy bà vừa to khỏe vừa hơi “cong vênh”, chỉ cần mượn tay quan võ là xong chuyện.

Khi đã có “người khác” mặc võ phục vô tình xuất hiện, lại đứng ngay bên cạnh xế hộp cho đến tận khi xe nổ máy chạy đi thì việc yên tâm ngồi thưởng thức món bún chắc là chả phải bàn!

Nói đi thì cũng phải nói lại, ngày nay không ít người không muốn đôi co với một bộ phận dân Kẻ Chợ bởi vì người Tràng An thanh lịch chẳng ai cởi trần mặc quần đùi xăm trổ đầy mình đứng trên vỉa hè trước bàn dân thiên hạ mà lý sự.

Chuyện quan văn là thế, còn quan võ thì sao?

Chạy xe quá tốc độ, bị cảnh sát tuýt còi theo lẽ thường thì xuống xe, ký biên lai nộp phạt.

Còn với ai đó xót ruột thì giải thích vài câu, chìa cái thẻ ra, nếu không xong thì học mấy anh đi xe máy ở thành phố to, đưa cho mấy em vài “tờ rơi” quảng cáo an toàn giao thông, chẳng lẽ người ta không thông không cảm?

Ở vào tuổi sáu mươi, “lục thập nhi nhĩ thuận”, nghe gì chả được, khen chê đều như gió thoảng, nghe tai này cho qua tai kia thế là xong chuyện.

Đến tuổi 60 mà bực tức nhiều dễ sinh ra bệnh, là người già mà mắng mỏ con cháu nhiều cũng không tốt huống chi là mắng công bộc đang thực thi công vụ, ấy là giả dụ việc mắng mỏ là có thật.

Còn công bộc của dân, như mấy tờ báo mới rồi “phóng” ra mấy cái “sự”, rằng chỉ mất có 5 giây là kiểm tra xong giấy tờ ôtô lưu thông trên đường, những công bộc đó không chỉ gồm những người mặc sắc phục đứng bên đường mà còn ăn vận như thường dân, ngồi trong xe chỉ hạ cửa kính xuống để “làm việc”.

Chả biết thực hư thế nào nhưng chuyện quân nói quân đúng, tướng nói tướng không sai không phải là chưa từng xảy ra, sai đúng về luật bàn sau, nhưng sai đúng về tư cách, tác phong thì không thể không bàn, người viết không ủng hộ việc cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức cậy quyền thế đe nẹt người dân như vụ việc với ông du lịch ở Đà Nẵng vừa rồi.

Riêng về bức ảnh “bắn tốc độ” xe của quan võ mà nhiều tờ báo đăng tải, theo các báo này thì đó là trích xuất từ camera theo dõi của công an quận Bình Thuỷ, Thành phố Cần Thơ.

Người viết cảm thấy có gì đó khó hiểu về vị trí mà chiếc xe bị bắn tốc độ trong bức ảnh này.

Nhìn vạch sơn trắng đứt quãng trên đường kẻ sát gờ của vườn hoa (cạnh đầu xe tải) kéo dài lên phía trước đầu xe con màu đen cho thấy chiếc xe con đang ở làn đường trong cùng.

Ngay phía sau đuôi xe con là đoạn gờ gấp khúc bao bọc vườn hoa, như vậy đây là đoạn đường cụt (ở phía sau), nói cách khác đây là làn đường được mở rộng thêm một làn xe phía bên trái chiều xe chạy.

Khoảng cách từ đuôi xe đến gờ bê tông (hoặc xây bằng gạch) có lẽ chỉ vài mét. Vậy chiếc xe ấy đang đỗ hay đang chạy, nếu đỗ thì “bắn tốc độ” bằng cách nào để ra con số 81 trên hình?

Nếu xe đang chạy thì việc tăng tốc từ gờ vườn hoa đến chỗ bị bắn tốc độ chỉ có mấy mét mà đạt đến vận tốc 81km/h thì đó là loại xe gì?

Thêm nữa bức ảnh cho thấy làn xe phía bên phải chiếc xe con, ngay gần đó là đầu một xe tải, do vậy nếu chiếc xe bị bắn tốc độ chạy cùng làn với xe tải thì bằng cách nào mà nó lượn qua khúc quẹo vào làn đường mở rộng ấy với tốc độ 81 km/h?

Chẳng lẽ chiếc xe con bay qua chỗ gấp khúc để vào làn phía trong sát vườn hoa?

Đây chỉ là phân tích từ bức hình mà báo chí đăng tải, cũng có thể người viết mắt mũi kèm nhèm nhìn không rõ nên viết không chuẩn, hy vọng những người chụp ảnh chuyên nghiệp có thể góp phần làm sáng tỏ thêm về độ chính xác của bức ảnh này.

Đặc biệt bộ phận giám định hình sự của cả hai bộ Công an và Quốc phòng nên vào cuộc xem xét để chỉ rõ không chỉ cho nhân dân mà cả nhứng người liên quan công nhận bức ảnh này là thật.

Dù thế nào đi chăng nữa, làm cán bộ mà không biết để ý lời ăn tiếng nói, để ý cách hành xử chốn đông người thì đều cần xem lại mình.

Hống hách, quát nạt, cậy quyền để đứng trên luật pháp đều không phải những người thấm nhuần đạo đức Hồ Chí Minh, những cá nhân ấy chỉ khiến dân mất niềm tin vào cán bộ.

Họ không chỉ làm mất uy tín bản thân mình mà còn làm mất uy tín cơ quan, tổ chức.

Dư luận phê bình thì phải công bằng, nhất là phải đúng, hùa nhau “ném đá” khi chỉ dựa vào thông tin từ một phía rõ ràng là không nên.

Tuy nhiên nếu lãnh đạo cơ quan, tổ chức cố tình bao che cho cán bộ dưới quyền, cố tình làm ngơ trước những hình ảnh rõ mười mươi thì cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm uốn nắn lãnh đạo.

Làm công bộc của dân đừng bao giờ nghĩ rằng, chỉ một cú nhấc máy hay một tờ giấy là có thể che kín mặt trời, dẫu rằng tổ chức không xử lý thì “tiếng thơm” vẫn mãi lưu truyền.

Ngày đăng: 08:30 | 26/07/2017

/ Theo Xuân Dương/ báo Giáo dục Việt Nam