Ở Trung Quốc có viên quan Hòa Thân đời Thanh nổi tiếng tham ô, vơ vét của cải nhiều hơn cả quốc khố. Trong lịch sử Việt Nam, viên quan vơ vét nhiều của cải nhất có lẽ là Trương Phúc Loan, còn lại các quan tham khác mức độ thế nào?
Sử sách nước ta từ thời Lý chưa đề cập cụ thể đến những gương mặt quan tham. Chép sử thời Lý Cao Tông, có lẽ do các sử quan thời Trần biên, có ghi “vua thì thích làm tiền, các quan phần nhiều bán quan chức, buôn hình ngục”, nhưng chưa ghi cụ thể vụ việc nào. Sang đến thời Trần, thời đại có sử gia Lê Văn Hưu soạn bộ sử đầu tiên “Đại Việt sử ký” mà phần nhiều còn được chép nối tiếp để lại đến ngày nay, các vụ án tham nhũng và chân dung tham quan mới được mô tả kỹ. Tham quan đời nào cũng vậy, phải có chức, có quyền. Nên cho dù là người có nhiều công lao nhưng bòn rút của công hay của dân, làm giàu cho bản thân thì thời nào cũng ghét.
Tiêu biểu như trường hợp Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, người được giao nhiệm vụ quan trọng là trấn giữ đảo Vân Đồn, vị trí tiền tiêu của đất nước, giáp ranh với Trung Quốc nên tập trung nhiều người buôn bán. Do thương nhân người Việt cũng ăn uống, may mặc theo kiểu khách buôn phương Bắc, cho nên quần áo, đồ dùng theo tục người Bắc. Để mưu lợi cho mình, Trần Khánh Dư cho duyệt quân các trang, ra lệnh: "Quân trấn giữ Vân Đồn là để ngăn phòng giặc Hồ (tức giặc Nguyên), không thể đội nón của phương Bắc, sợ khi vội vàng khó lòng phân biệt, nên đội nón Ma Lôi (tên một hương ở Hồng Lộ, chuyên nghề đan cật tre làm nón, cho nên lấy tên hương làm tên nón), ai trái tất phải phạt".
Nhưng, thực ra vị tướng quân này đã sai người nhà mua nón Ma Lôi từ trước, chở thuyền đến đậu trong cảng rồi. Lệnh vừa ra, ông sai người ngầm báo dân trong trang: "Hôm qua thấy trước vụng biển có thuyền chở nón Ma Lôi đậu". Do đấy, người trong trang nối gót tranh nhau mua nón. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép chi tiết về “thương vụ” này: “Ban đầu mua không tới 1 tiền, sau giá đắt, bán 1 chiếc nón giá 1 tấm vải. Số vải thu được tới hàng ngàn tấm”.
Vậy nên có người khách phương Bắc đã làm thơ mừng viên tướng trấn thủ, có câu: "Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh" (Vân Đồn gà chó thảy đều kinh) tuy có ý nói người ta sợ phục uy danh của Trần Khánh Dư, nhưng thực ra là châm biếm ngầm ông ta. Sử nhà Trần cũng ghi rõ, Khánh Dư tính tham lam, thô bỉ, những nơi ông ta trấn nhậm, mọi người đều rất ghét. Khi được hỏi về việc bóc lột nhân dân, viên tướng này còn ngang nhiên nói rằng: "Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?". Vua Trần Nhân Tông tiếc ông ta có tài làm tướng nên không nỡ bỏ. Dù Trần Khánh Dư chưa từng bị xử lý về hành vi tham ô nhưng sự trạng của ông ghi trong sử sách cũng để lại vết nhơ không thể xóa.
Cũng ở đất Yên Quảng, đời Lê Thái Tông, có viên Tổng quản lộ An Bang là Nguyễn Tông Từ và Đồng tổng quản Lê Dao cũng nhân việc cai trị vùng biên ải, có sự thông thương với nước ngoài để tham ô, bị sử sách ghi lại. Nguyên là triều đình nhà Lê đã có lệnh cấm quan lại và dân chúng không được mua bán vụng trộm hàng hóa nước ngoài. Bấy giờ, có thuyền buôn Trảo Oa (tức Java, thuộc Indonesia ngày nay) đến trấn Vân Đồn, bọn Tông Từ giữ việc xét ghi số hàng hóa trong thuyền, trước đó đã báo nguyên số rồi, sau lại gian lận đổi làm bản khác, để bán trộm đi hơn 900 quan tiền. Nguyễn Tông Tư cùng với Lê Dao, mỗi người chiếm hơn 100 quan. Việc bị phát giác, nên cả hai đều bị trị tội. Tuy nhiên, luật pháp thời đó chỉ xử mỗi người bị biếm 3 tư (hạ 3 bậc tư cách trong hồ sơ quan chức), kèm hình phạt bãi chức.
Cũng thời Lê Thái Tông, hành vi của hai viên chánh sứ sang nhà Minh là Lê Vĩ, Nguyễn Truyền cũng bị sử quan phê phán. Nguyên là hai người trong chuyến đi sứ đã mua rất nhiều hàng phương Bắc, số lượng lên đến 30 gánh. Triều đình ghét họ làm thói buôn bán, định làm cho họ phải hổ thẹn trong lòng nên mới sai người thu lấy hết đem phơi bày ở sân điện, rồi sau mới trả lại. Việc này sau đó thành lệ thường.
Những vụ buôn bán vụng trộm với người nước ngoài còn được ghi chép nhiều ở thời Lê sơ, như vụ Tiền quân tổng quản Lê Thự bị tố cáo sai người nhà xuất cảnh mua bán vụng trộm với người nước ngoài. Dù bị tố cáo nhiều tội nhưng các tội khác, Lê Thụ đều được vua tha, duy việc buôn bán vụng trộm thu lời thì bị nhà vua bắt tịch thu 15 lạng vàng, 100 lạng bạc tiền lời này. Cũng vì việc đi sứ mà mua bán hàng hóa, mà Bồi thần (hàng quan Đại phu) Nguyễn Tông Trụ cũng bị Vua Lê Thái Tông đày ra châu gần, tất cả hàng hóa mua bán trong chuyến đó đều được đem chia cho các quan.
Đến năm 1435, những viên quan tham ô mới bắt đầu được Vua Lê Thái Tông xử lý chặt chẽ hơn. Đầu năm đó, nhà vua đã sai người đi hỏi ngầm khắp nước xem quan lại ở đâu tham ô, không giữ phép nước. Đến tháng 7 năm đó, căn cứ vào lời tâu, nhà vua cho bắt và xét hỏi những viên tham quan ô, gồm tuyên úy các phiên trấn, tướng hiệu 5 đạo, các viên tuyên phủ, chuyển vận, tuần sát các lộ, trấn, huyện, tổng cộng lên tới 53 người. Đây là lần đầu tiên một chiến dịch dẹp quan tham quy mô rộng rãi khắp cả nước được sử sách ghi chép.
Tháng 11 năm đó, Vua Lê Thái Tông tiếp tục cho chém viên Chuyển vận sứ (sau gọi là tri huyện) huyện Thủy Đường (Thủy Nguyên, Hải Phòng ngày nay) là Nguyễn Liêm, do ông này nhận hối lộ của người 2 tấm lụa. Đại tư đồ Lê Sát căn cứ vào lệnh chỉ thời Lê Thái Tổ ghi nhận 1 quan tiền hối lộ thì tâu lên xử trảm, nên triều đình đem chém Nguyễn Liêm. Con của Nguyễn Liêm xin chịu chết thay cho cha cũng không được.
Tuy nhiên, không phải khi nào các viên quan tham ô cũng bị xử nghiêm như vậy. Như trường hợp khi Nguyễn Nhữ Soạn được bổ nhiệm làm Chính sự viện tham nghị, viên Thị ngự sử Đinh Cảnh An đã tâu Vua Lê Thái Tông rằng: "Nhữ Soạn là người tham ô, đã 3 lần phạm pháp, nay lại được làm quan tứ phẩm thì lấy gì để khuyên răn kẻ khác". Tuy nhiên, lời can gián này không được vua nghe theo. Hoặc, trường hợp viên Nội mật viện sứ Lê Cảnh Xước nhận 20 lạng bạc hối lộ, chuyện bị phác giác, theo luật thì đáng tội chết. Vua thấy Cảnh Xước hầu kinh diên (tức nơi dạy vua học lúc còn trẻ) lâu ngày, nên đã xuống lệnh riêng cho người thầy cũ được bãi chức về làm dân.
Nếu ở Trung Quốc, viên đại thần Hòa Thân đời Thanh nổi tiếng tham nhũng, có tài sản gấp 15 lần ngân khố quốc gia thì ở Việt Nam thời chúa Nguyễn, quyền thần Trương Phúc Loan cũng tham lam chiếm dụng tới 8-9/10 số thuế thu được. Trong sách “Phủ biên tạp lục”, Lê Quý Đôn ghi nhận sự vơ vét của Trương Phúc Loan rằng: “Vàng, bạc, châu, ngọc, lụa chất thành núi. Ruộng vườn, nhà cửa, tôi tớ, trâu ngựa của ông ta không đếm xuể. Có một năm vào mùa thu bị lụt lớn, hòm xiểng bị ngập, khi nước rút, ông đem vàng ra phơi nắng, lấp lánh cả một sân”.
Tuy nhiên, không có gì là tồn tại mãi mãi. Năm 1774, chúa Trịnh Sâm đánh Đàng trong, chỉ cần tuyên bố giúp chúa Nguyễn trừ quyền thần Trương Phúc Loan mà các tướng Nam Hà đã bắt Loan giao nộp. Của cải, nhà cửa của Loan bị binh lính và nhân dân cướp phá không còn gì.
Nếu luật thời Vua Lê Thái Tổ sẽ cho chém viên quan nào ăn hối lộ từ một quan tiền, thì luật thời Nguyễn, được ban hành từ đời Vua Gia Long cũng chặt chẽ như vậy. Như đời Vua Minh Mạng, Lý Hữu Diệm làm quan tại phủ Nội vụ, lấy trộm hơn một lạng vàng, bị phát hiện và Bộ Hình đưa ra xét xử. Theo luật Gia Long, tội ăn trộm quốc khố thì không phân biệt trộm nhiều hay ít đều bị chém đầu. Tuy nhiên, vì nhận thấy Lý Hữu Diệm làm quan có công lao nên Bộ Hình chỉ xử đi đày viễn xứ. Khi bản án được tâu lên, Vua Minh Mạng đã không đồng ý với đề nghị của Bộ Hình, mà yêu cầu phải xử theo đúng luật, lệnh đem ra chợ Đông Ba chém để nhiều người trông thấy mà tự sửa mình. Vua đưa ra chỉ dụ: “Lý Hữu Diệm phải giải ngay đến chợ Đông, chém đầu cho mọi người biết, phải truyền cho viên lại Nội vụ phủ cùng đến xem, hoặc giả mắt thấy lòng sợ mà tự khuyên răn nhau để khỏi mắc tội, há chẳng là một phương thuốc hay cho bọn người sao?”.
Trường hợp viên quan Nội phủ là Nguyễn Đức Tuyên ăn bớt nhựa thơm cũng vậy. Khi sự việc bị phát giác, Vua Minh Mạng liền ra chỉ dụ: “Đáng lẽ cho trói đem ra chợ Cửa Đông chém đầu nhưng lần này tạm chặt một bàn tay thủ phạm đem treo, xóa tên trong sổ làm quan, để lại cho nó cái đầu, khiến nó suốt đời hối hận và nhờ đó để làm cho mọi người đều biết tỉnh ngộ, răn chừa. Thế cũng là một cách trừng trị kẻ gian”.
Năm Minh Mạng thứ 8 (1827), viên Tri phủ Hà Hoa (các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay) là Phan Nhật Tỉnh làm quan tham nhũng, bị dân kiện. Tỉnh hạ mình nói khéo, dân lại thôi không kiện nữa. Quản trấn Nghệ An đem việc tâu lên và nói rằng: “Quan phủ huyện là gốc phong hóa, Tỉnh không giữ mình trong sạch, phải van lạy dân, còn có thể diện gì? Dân đã kiện đến quan trên, rồi lại muốn thôi, còn có phép tắc gì? Hai điều ấy thực có quan hệ đến phép quan tục dân”.
Nhận bản tâu, nhà vua phê bảo rằng: “Phan Nhật Tỉnh tham lam vô sỉ, lập tức cách chức nghiêm xét; còn kẻ tiểu dân hiếp chế quan trưởng, muốn kiện thì kiện, muốn thôi thì thôi, thói ấy không thể để lớn. Bọn ngươi xét lẽ rất sáng, thực đáng khen, cố gắng đi!”. Do đó, Phan Nhật Tỉnh phải tội đồ, người kiện thì phải phạt 80 trượng.
Ngày đăng: 08:59 | 29/06/2022
Lê Tiên Long / CAND