Dù phải chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố nhưng những người có nhiệm vụ quản lý cây xanh lại không thể tự mình đưa ra quyết định khi không có chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều bất cập về quản lý cây xanh trường học đã lộ ra sau vụ việc học sinh tử vong do cây đổ tại Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TPHCM).

Giáo viên không có chuyên môn để quản lý cây xanh

Là một trong những ngôi trường cổ nhất của TPHCM, THPT Marie Curie (quận 3) hiện có tổng cộng 29 cây xanh, trong đó có 10 cây đã trên 100 tuổi. Do là cơ sở đã được xếp hạng di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp thành phố, việc thay đổi các hạng mục về cảnh quan bao gồm cả quản lý cây xanh, đều được nhà trường tiến hành một cách cẩn trọng. 

Dù vậy, bà Nguyễn Thị Quế Vân - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết thực tế, các giáo viên không có nghiệp vụ để nhận biết hay giám định chất lượng cây xanh. 

"Ngay năm trước nhà trường đã đốn hạ một cây, vì như tư vấn của bên công ty cây xanh thì nó đã mục từ bên trong. Hàng năm trường đều tiến hành hợp đồng với các đơn vị chuyên mé nhánh, tỉa cành, tư vấn chăm sóc hạ độ cao, bảo vệ cây,...

Việc chăm sóc phải phối hợp với lực lượng chức năng, người ta có kinh nghiệm mới hỗ trợ được mình. Chứ bây giờ bằng mắt thường, mình nhìn cây đang tốt, đang xanh đấy nhưng không có hình dung được ở bên trong nó còn đảm bảo chất lượng hay không?" - bà Quế Vân cho biết. 

Theo vị phó hiệu trưởng, trường tổ chức phối hợp với đơn vị bên ngoài để kiểm tra 2 lần/ năm đối với các cây xanh trong khuôn viên. 

Ngay trong buổi họp báo diễn ra vào chiều 26.5, ông Nguyễn Văn Phúc - Hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng đã đứng ra nhận trách nhiệm về việc cây đổ khiến 1 học sinh nhà trường tử vong. 

Hiện trường vụ đổ cây khiến nhiều học sinh thương vong. Ảnh: Trung tâm báo chí TPHCM.

Tuy nhiên, khi trao đổi với báo chí cho thấy, ngay cả người chịu trách nhiệm về vụ việc cũng không có chuyên môn để quản lý cây xanh. Vị hiệu trưởng mô tả sự việc là "bất ngờ" và "nhìn bề ngoài không ai nghĩ là cây sẽ bật gốc". 

Ông Lê Quang Đạo - Phó phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TPHCM) cho biết: "Về cây xanh đô thị trên đường, công viên thuộc Sở Xây dựng và UBND quận huyện quản lý tuỳ theo phân cấp. Riêng đối với cây xanh ở công sở thì thuộc quyền quản lý của các đơn vị công sở đó".

Nhưng thực tế cho thấy, dù phải chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố nhưng những người được giao nhiệm vụ quản lý lại không được tự mình đưa ra quyết định. 

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Trường THCS Bạch Đằng thường xuyên tổ chức công tác kiểm tra, chăm sóc cây xanh theo định kỳ nhưng phải nhờ bộ phận có chuyên môn, nghiệp vụ làm giúp chứ không thể tự làm. Hơn thế nữa, khi muốn đốn những cây lớn phải xin phép bộ phận chức năng có chuyên môn.

Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho hay, cây xanh trồng trong sân trường thì quản lý thuộc hiệu trưởng nhưng lại có nhiều cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ khác.

"Cây trên 10m phải làm văn bản xin phép các cơ quan chuyên môn để những cơ quan này thẩm định chứ hiệu trưởng không được tự ý đốn cây" - ông Nam nói. Vị phó giám đốc sở nói việc xin phép này phải tuân thủ như "xin giấy phép xây nhà".

Công ty cây xanh nói gì? 

Ngày 28.5, trong văn bản gửi tới báo chí, ông Lê Công Phương - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh TP. Hồ Chí Minh cho biết công ty có thực hiện hợp đồng dịch vụ với một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, với riêng Trường THCS Bạch Đằng, công ty không có hợp đồng chăm sóc cây xanh tại cơ sở này. 

Liên quan đến quy định về quản lý cây xanh trên địa bàn TP, đơn vị này cho biết, cây xanh trong khuôn viên nhà trường, bệnh viện, văn phòng cơ quan… thuộc quyền quản lý của đơn vị và đơn vị đó sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Việc cây đổ trong trường đang được xác định thuộc trách nhiệm của nhà trường. Ảnh: Đình Trường.

Dù vậy, công ty cây xanh cũng thừa nhận, việc nhận diện, đánh giá những dấu hiệu nguy hiểm của cây xanh là rất khó. Bởi cây trong đô thị nhìn thấy bình thường, lá vẫn xanh nhưng bên trong nhiều khi đã mục ruỗng, có thể bật gốc do nhiều nguyên nhân như quá trình đô thị hóa ảnh hưởng, thời tiết biến đổi khí hậu, ngập úng do triều cường, mưa giông, lốc xoáy, gió giật mạnh…

Đơn vị này khuyến cáo các đơn vị có trồng cây xanh nên liên hệ các tổ chức chuyên ngành, chuyên gia có chuyên môn để tư vấn nên chọn chủng loại cây phù hợp để trồng; có sự kiểm tra, đánh giá, xử lý định kỳ nhằm phát hiện kịp thời những cây nguy hiểm.

 

Trước đó, khoảng 6h22 ngày 26.5, một cây phượng vĩ trong sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TPHCM) bất ngờ bật gốc, đổ xuống đè nhiều học sinh. Hiệu trưởng nhà trường sau đó cho biết có 1 học sinh tử vong và 12 học sinh bị thương.

Đình Trường

Vụ cây đổ đè nhiều học sinh, 1 em tử vong: Cây bật gốc đã trồng 24 năm
Cây phượng trên phố Hải Phòng bật gốc, đè bẹp đầu ô tô đang đỗ, một phụ nữ bị thương
Cây phượng cổ thụ đổ ở phố trung tâm Hà Nội, 5 người bị thương

Ngày đăng: 16:37 | 29/05/2020

/ laodong.vn